Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm đến Trung Quốc, đảo chính thất bại tại Gabon, bão tuyết hoành hành tại châu Âu nằm trong số những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung Quốc

Từ ngày 7 đến 9/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm đến Trung Quốc. Đây là chuyến thăm thứ tư của ông tới Trung Quốc chỉ trong vòng gần 1 năm qua.

Trong không khí thân mật, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi kỹ lưỡng những quan điểm về mối quan hệ Trung Quốc -Triều Tiên, các vấn đề cùng quan tâm và đã đạt được những nhất trí quan trọng.

Hai bên đã nhất trí thực hiện những nỗ lực chung để thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên trong thời kỳ mới, đạt được tiến triển liên tục trong tiến trình hòa giải chính trị vấn đề bán đảo Triều Tiên, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nhân dân hai nước và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới…

Có thể thấy, chuyến thăm Trung Quốc lần này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận thế giới bởi nó diễn ra trong bối cảnh đang xuất hiện những dự báo rằng, chuyến đi sẽ mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra “trong một tương lai gần.”

Từ vài tháng gần đây, nhiều thông tin cho thấy Triều Tiên và Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 2.

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện các cam kết của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất (hồi tháng 6-2018) thì hầu như vẫn đang dẫm chân tại chỗ. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc lần này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không chỉ thể thiện với thế giới rằng mối quan hệ Trung-Triều đang tốt đẹp, mà nó còn có những thông điệp sâu xa hơn.

Trong phát biểu chào Năm mới 2019, ông Kim Jong-un đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song cũng kèm theo những lập trường hết sức cứng rắn với Mỹ. Đó là những cảnh báo của phía Triều Tiên rằng, nếu tình hình không cải thiện, cụ thể là nếu các đề xuất nới lỏng trừng phạt và bảo đảm an ninh không được Mỹ đưa ra thì Bình Nhưỡng có thể sẽ phải tìm “hướng đi mới.”

Điều này cho thấy, một mặt ông Kim Jong-un vẫn bày tỏ nỗ lực để cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt kết quả khả quan, nhưng mặt khác nhà lãnh đạo Triều Tiên một lần nữa khẳng định không thay đổi lập trường về phi hạt nhân hóa.

Rõ ràng, đây là những thông điệp ông Kim Jong-un muốn gửi tới Mỹ, và bằng chuyến đi này, ông muốn tối đa hóa lợi thế đàm phán trước cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Trump.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bắc Kinh ngày 8/1/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đảo chính bất thành tại Gabon

Trong lúc Tổng thống Gabon Ali Bongo đang điều trị y tế sau một cơn đột quỵ tại Maroc, ngày 7-1, một cuộc đảo chính quân sự bất thành đã xảy ra tại Gabon khi một nhóm binh lính chiếm giữ Đài Phát thanh quốc gia và đưa ra thông báo trên sóng phát thanh về việc thành lập "Hội đồng Tái thiết quốc gia."

Trong tuyên bố trên sóng phát thanh, nhóm sĩ quan quân đội Gabon cho biết quân đội Gabon thất vọng với thông điệp Năm mới của Tổng thống Ali Bongo cũng như năng lực điều hành đất nước của nhà lãnh đạo này, đồng thời kêu gọi người dân tiến hành đảo chính.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Chính phủ Gabon tuyên bố đã kiểm soát được tình hình và bắt giữ được nhiều đối tượng liên quan tới cuộc đảo chính, trong đó có Kelly Ondo Obiang, mang quân hàm Trung úy, đối tượng cầm đầu cuộc đảo chính.

Trước khi vụ đảo chính xảy ra, Tổng thống Ali Bongo, 59 tuổi, đã nỗ lực dập tắt những tin đồn về tình trạng sức khỏe của mình bằng một thông điệp Năm mới từ thủ đô Rabat của Maroc, trong đó nói rằng ông cảm thấy rất ổn.

Tuy nhiên, lãnh đạo "Phong trào yêu nước của Các lực lượng phòng vệ và an ninh Gabon" tự xưng Kelly Ondo Obiang đã cho rằng bài thông điệp đầu Năm mới của Tổng thống Bongo "làm gia tăng những nghi ngại về năng lực tiếp tục đảm nhiệm trọng trách tổng thống."

Tổng thống Ali Bongo lên nắm quyền từ tháng 10-2009. Ông là con trai của cựu lãnh đạo Omar Bongo. Ông đã phải nhập viện ở Saudi Arabia hồi tháng 10 năm ngoái vì đột quỵ và sau đó đã được chuyển tới Maroc.

Kể từ khi độc lập vào năm 1960, Gabon chỉ có ba tổng thống và hai người trong số đó là cha con nhà Bongo. Hồi năm 1964, Gabon cũng đã từng trải qua một cuộc đảo chính quân sự.

Gabon là quốc gia nằm ở Trung Phi, có dân số chỉ khoảng 1,5 triệu người. Do có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn đầu tư nước ngoài, Gabon là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất khu vực.

Binh sỹ Gabon tại thủ đô Libreville. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đạt tiến triển

Từ ngày 7 đến 9/1, tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Mỹ đã nối lại cuộc đàm phán nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài. Đây là lần đầu tiên hai nước tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp về thương mại kể từ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau ngày 1/12/2018 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Argentina.

Theo dự kiến ban đầu, vòng đàm phán này chỉ được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/1, song nó đã được kéo dài thêm một ngày nữa. Điều này phần nào cho thấy tính phức tạp của các vấn đề đã được mang ra thảo luận trong lần đàm phán này.

Trong cuộc họp 3 ngày trên, hai bên đã thảo luận cách thức tăng cường hợp tác về quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm Mỹ của Trung Quốc. Hai bên đã đạt tiến triển trong việc xác định rõ và quyết tâm thu hẹp bất đồng đang còn tồn tại.

Diễn biến này tuy được đánh giá là vẫn chưa “đủ” để xóa nhòa sự cách biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, khi triển vọng hai nước có thể đi tới một thỏa thuận thương mại cuối cùng vẫn còn chưa ngã ngũ, song dù sao đây vẫn được xem là một “cú huých” cho những tiến triển tiếp theo trong giải quyết những căng thẳng về thương mại vốn đã tiếp diễn sang năm thứ 2 giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chính vì vậy mà ngay sau khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung kết thúc, thị trường chứng khoán châu Á đã có những phản ứng tích cực, tiếp tục củng cố những nhận định lạc quan về triển vọng hai nước sẽ sớm đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện, giúp xóa bỏ nguy cơ bùng phát một cuộc đối đầu vốn chắc chắn sẽ tác động nặng nề tới kinh tế toàn cầu.

Giới phân tích dự báo, những tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần này sẽ mở đường cho các vòng đàm phán ở cấp cao hơn giữa hai nước tới đây.

Quốc kỳ Trung Quốc (trái) và quốc kỳ Mỹ (phải) tại một hội nghị. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Biểu tình của phe “Áo vàng” tại Pháp bước qua tuần thứ 8 liên tiếp

Sau kỳ nghỉ lễ, vào ngày cuối tuần 5/1/2019, khoảng 50.000 người biểu tình “Áo vàng” lại xuống đường trên khắp nước Pháp. Đây là đợt biểu tình thứ 8 liên tiếp kể từ 2 tháng qua.

Con số người biểu tình ở tuần thứ 8 này đã tăng lên nhiều so với 12.000 người của một tuần trước đó. Riêng tại Paris, số người tham gia biểu tình ngày 5/1 đã lên tới 3.500 người, đông hơn nhiều so với con số 800 người của một tuần trước đó.

Trong đợt biểu tình mới này cũng đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh tại thủ đô Paris và các thành phố khác. Nghiêm trọng hơn, tại Paris, đây là lần đầu tiên phe "Áo vàng" tấn công văn phòng của phát ngôn viên chính phủ Benjamin Griveaux. Làn sóng giận dữ trong ngày 5/1 được cho là có dấu hiệu bị kích động trở lại sau khi chính quyền bắt giữ một trong những thủ lĩnh của phe "Áo vàng" là Eric Drouet (vào ngày 2/1).

Hiện tại, bất chấp các biện pháp an ninh mạnh tay, phong trào “Áo vàng” vẫn được duy trì và có vẻ càng ngày càng được tổ chức chặt chẽ hơn. Việc phản kháng giờ không còn tập trung hết về thủ đô Paris mà đã chuyển sang các thành phố khác, nhất là Bordeaux. Điều này cho thấy, phong trào “Áo vàng” sẽ chưa sớm chấm dứt và nếu chính phủ Pháp xử lý không khéo, nó có thể bùng phát mạnh trở lại bất cứ lúc nào.

Từ hai tuần trở lại đây, yêu sách chính của những người biểu tình “Áo vàng” không còn chỉ dừng ở việc phản đối các chính sách cụ thể như tăng giá nhiên liệu, hay bất công trong cách tính thuế… mà còn tập trung vào việc yêu cầu Tổng thống Macron phải từ chức.

Bên cạnh đó, phe “Áo vàng” còn yêu cầu chính quyền phải tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về “Sáng kiến công dân” (RIC) nhằm để người dân được trực tiếp tham gia vào nhiều quyết sách của chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ Pháp đã bác bỏ yêu sách trên của phe “Áo vàng.”

Để đối phó với làn sóng biểu tình tiếp theo, ngày 7/1, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết chính quyền nước này sẽ điều động 80.000 thành viên lực lượng an ninh. Chính quyền Pháp còn dự định ban hành luật mới để trừng phạt những người biểu tình quá khích. Dự kiến luật mới có thể được ban hành sớm nhất vào tháng 2/2019.

Hàng trăm phụ nữ Pháp tuần hành nhằm giành lại phong trào Áo vàng. (Nguồn: AFP)

Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2019

Ngày 8/1, Consumer Electronics Show 2019 (CES 2019), triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất trong năm đã chính thức khai mạc tại Las Vegas (Mỹ). Triển lãm sẽ diễn ra trong 4 ngày với sự tham gia trưng bày sản phẩm của hơn 4.400 doanh nghiệp và dự kiến đón ít nhất 182.000 khách tham quan.

Bên cạnh đó, CES 2019 sẽ có khoảng 1.000 diễn gia có các phần trình bày, với nhiều thông tin, nhận định, phân tích giá trị liên quan tới các lĩnh vực của thế giới công nghệ.

Diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tới cao trào, tại CES 2019 đã có sự hiện diện của hàng loạt những sản phẩm mới mang tính đột phá.

Đáng chú ý có thể kể đến tại CES 2019 là Groove X, một công ty về công nghệ của Nhật Bản, với sản phẩm mới là một chú robot dễ thương dành cho cho những người luôn có cảm giác cô đơn.

Theo nhà sản xuất, chú robot mang tên Lovot này được gắn 50 cảm biến khác nhau, giúp nó dễ dàng di chuyển trong nhà và tương tác với chủ nhân như thành viên thực sự trong gia đình.

Ngoài ra, trong thời đại mà cuộc sống của con người luôn luôn gắn liền với công nghệ thì tại CES 2019, thêm một lần nữa điều này đã được chứng minh với sự ra mắt của một chiếc bồn cầu thông minh. Sản phẩm đặc biệt này đến từ nhà sản xuất thiết bị vệ sinh và phòng bếp hàng đầu thế giới Kohler.

Chiếc bồn cầu vệ sinh thông minh được Kohler đặt tên là Numi 2.0 với trang bị công nghệ tiên tiến như hệ thống loa âm thanh vòm tích hợp, ánh sáng cảm biến thay đổi theo khung cảnh xung quanh, hệ thống sưởi ấm, vòi phun rửa bằng nước ấm với máy sấy và tự động đóng/mở nắp và xả nước. Dự kiến Numi 2.0 sẽ bán ra thị trường vào cuối năm 2019 và có giá lên tới 7.000 USD.

Trong khi đó, vẫn như truyền thống, tại mỗi kỳ triển lãm CES hàng năm, Samsung vẫn luôn ghi dấu ấn với một loạt những công nghệ mới đình đám, thu hút giới công nghệ.

Tại triển lãm CES 2019, Samsung đã giới thiệu về tương lai của Cuộc sống Kết nối tại CES 2019. Một trong những điểm nhấn của Samsung là tivi QLED 8K có kích thước màn hình "khủng" lên tới 98 inch, lớn nhất từ trước tới nay.

Tivi QLED 8K mang đến chất lượng hình ảnh, thiết kế, các tính năng thông minh tốt nhất trong nhiều kích cỡ đa dạng…

Một gian trưng bày với quảng cáo trợ lý ảo Alexa của Amazon. (Nguồn: challenges.fr)

Bão tuyết hoành hành tại nhiều nơi ở châu Âu

Châu Âu đang trải qua những ngày mùa đông khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước khu vực Trung và Nam Âu.

Gió mạnh và tuyết rơi dày khiến nhiều chuyến bay bị hoãn và hủy. Ít nhất 14 người thiệt mạng do giá lạnh và dự báo tuyết sẽ tiếp tục rơi dày trong nhiều ngày nữa.

Tại Áo, chính quyền nước này đã ban bố mức cảnh báo tuyết lở cao nhất. Ở khu vưc làng Alpine ở bang Bavaria, xe chở lương thực không thể tới được người dân bị cô lập do tuyết rơi dày. Nhiều trường học ở khu vực núi biên giới giữa Áo và Đức phải đóng cửa.

Tình trạng mất điện xảy ra do tuyết rơi dày gây đổ cây làm đứt đường dây điện. Giới chức Áo ngày 7/1 cho biết, tình trạng bão tuyết và tuyết lở tại nước này đã khiến 3 người trượt tuyết và 2 người đi bộ thiệt mạng, đồng thời khiến nhiều khu vực vùng núi bị cô lập.

Bão tuyết cũng đã khiến khoảng 2.000 người, bao gồm cả khách du lịch, đã bị mắc kẹt tại các ngôi làng ở thung lũng Đông Nam Soelktal. Trực thăng của quân đội dùng để khắc phục tuyết lở cũng đã phải hạ cánh vì thời tiết xấu.

Các nhà khí tượng học tại Áo cho biết tính từ giữa tuần trước, lớp tuyết đo được tại miền Trung và miền Bắc nước này đã lên đến 1,5m, trong khi đó tuyết tại vùng núi quanh khu vực Salzburg đã dày tới 3m. Dự kiến, trong tuần này tuyết sẽ rơi nhiều hơn, khiến nhiều khu vực có tuyết rơi dày từ 50 đến 80cm.

Tại Đức, một số địa phương ở miền nam Ðức ngày 7/1 đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, trong khi tất cả trường học trong khu vực phải đóng cửa, nhiều tuyến đường sắt gián đoạn hoạt động. Giới chức địa phương cho biết tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm tạo điều kiện cho công tác điều phối các lực lượng khẩn cấp khác nhau.

Nhà chức trách cũng cảnh báo tình trạng đường sá nguy hiểm do trơn trượt, cũng như nguy cơ các tuyến đường phải đóng cửa, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế đi lại.

Tại Hà Lan, sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam đã phải ra thông báo hoãn và hủy nhiều chuyến bay. Hãng hàng không Hà Lan KLM hủy 159 chuyến bay đến và đi tới các điểm ở châu Âu. Tình trạng hủy chuyến bay cũng diễn ra tại Slovakia.

Tại Hy Lạp, các trường học ở Athens và nhiều khu vực chung quanh tiếp tục đóng cửa trong điều kiện nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng.

Bão tuyết cũng đã ảnh hưởng đến khu vực Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều chuyến bay tại Istanbul - thành phố lớn nhất nước này, đã bị hủy bỏ. Các hành khách đã được khuyến cáo thường xuyên kiểm tra lại lịch bay để phòng nguy cơ bị hủy chuyến do thời thiết xấu.

Do ảnh hưởng của bão tuyết, nhiều trường học phải đóng cửa, giao thông trên các tuyến đường cao tốc hỗn loạn…

Tuyết rơi dày đặc ở Hy Lạp. (Nguồn: Reuters)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/su-kien-quoc-te-noi-bat-tuan-qua-lanh-dao-trieu-tien-tham-trung-quoc/548032.vnp