Sự kiện kinh tế tuần: Doanh nghiệp Việt phải rơi nước mắt ngay trên sân nhà

Doanh nghiệp Việt phải rơi nước mắt ngay trên sân nhà; nhà đầu tư ngoại chi hơn 900 triệu USD mua cổ phiếu Vinamilk; Bộ Tài chính muốn kiểm soát thuế Facebook, Google... là điểm nhấn kinh tế tuần qua.

Doanh nghiệp Việt phải rơi nước mắt ngay trên sân nhà

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh).

Thảo luận về dự Luật Cạnh tranh diễn ra sáng 15/11, nhiều đại biểu nêu lên thực trạng hiện nay, hàng hóa và dịch vụ Việt Nam không chỉ vất vả để giữ thị phần trên các thị trường nước ngoài, mà còn đang phải đấu tranh gian khổ để tồn tại trong nước, trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn bán buôn, bán lẻ, các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: "Một câu hỏi đặt ra, chúng ta hội nhập, mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài để làm gì. Câu trả lời phải là tăng cường nội lực Việt Nam, củng cố tăng cường chủ quyền Việt Nam để Việt Nam đuổi kịp thế giới bên ngoài, giữ vững và thậm chí mạnh hơn bên trong kể cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng".
Ông Nghĩa cho rằng, để tăng cường nội lực và chủ quyền quốc gia trước hết về kinh tế và khai thác các nguồn lực và thị trường bên ngoài. Đây không chỉ là mục đích của các nước chậm và đang phát triển khi tham gia các hiệp định thương mại tự do mà còn là của các nền kinh tế phát triển ở mọi châu lục, dù là che giấu dưới các cụm từ rất hoa mỹ nhưng đều nhằm mục đích bảo hộ như là tối huệ quốc, đối xử quốc gia, ưu đãi phổ cập, ODA, chống phá giá, rào cản kỹ thuật.
"Những nhà đàm phán của Việt Nam đã quá rõ về điều này. Bên dưới các luật chơi công khai nằm trong các hiệp định là các luật chơi thực chất, đó là cá lớn nuốt cá bé, khôn sống mống chết và không có bữa trưa miễn phí dù là về vịt Bắc Kinh hay Hamburger của New York.
Đại biểu cho rằng thực tế này đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt rơi nước mắt vì bị mất ‘chủ quyền’ ngay trên chính quê hương mình.

Nhà đầu tư ngoại chi hơn 900 triệu USD mua cổ phiếu Vinamilk

Jardine Cycle & Carriag cho biết, công ty con Platinum Victory Pte. Ltd đã mua vào 36 triệu cổ phiếu của Công tu CP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM, Vinamilk) nâng sở hữu từ 5,53% lên trên 8%, tương đương hơn 116 triệu cp VNM.
Cũng theo Jardine Cycle & Carriage, tổng số tiền đơn vị này đầu tư mua cổ phần của Vinamilk đã lên đến con số 911,5 triệu USD, tương đương 18,3 USD/cổ phiếu.
Giao dịch này được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Platinum Victory trả hơn 616 triệu USD cho 5,5% cổ phần Vinamilk. Trước đó, tại buổi đấu giá 48,3 triệu cổ phiếu VNM (tương ứng 3,33% cổ phần) của SCIC, đơn vị này đã trả mức giá 186.000 đồng để mua trọn lô số cổ phiếu trên, tương ứng giá trị gần 9.000 tỷ đồng.
JC&C là đơn vị thành viên của Tập đoàn đầu tư đa ngành Jardine Matheson có trụ sở tại Hongkong, hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, ô tô, bán lẻ thực phẩm, dịch vụ tài chính và kinh doanh nông nghiệp… JC&C đã đầu tư vào thị trường Việt Nam từ cả chục năm nay, hiện đang sở hữu 25% cổ phần của CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) và 23% cổ phần của CTCP Cơ điện lạnh (REE).

Bộ Tài chính muốn kiểm soát thuế Facebook, Google

Bộ Tài chính ngày 13/11đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu để các dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google phải thanh toán qua cổng nội địa thông qua Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas).
Điều này nhằm mục đích để cơ quan thuế kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam và khai báo nộp thuế nhà thầu.
Lý do phải đưa ra đề xuất trên, theo Bộ Tài chính, hoạt động của mạng Internet là giao dịch xuyên biên giới. Các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.
Đây là một khó khăn cho ngành thuế trong việc quản lý thuế đối với các mạng nước ngoài kinh doanh theo hình thức thông qua mạng Internet.
Do vậy Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng Napas và các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam cần thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý. Loại hình này đã được các nước châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc thực hiện.
Song song đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất phối hợp với các cơ quan ban ngành có liên quan rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực thuế để tăng cường tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cố tình trốn thuế.

Bộ Công Thương chốt phương án thoái vốn tại Sabeco

Bộ Công Thương mới đây đã có thông báo về việc thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (mã SAB-HoSE).
Theo đó, ngày 9/11/2017, Chính phủ chính thức thông qua kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại Sabeco. Hiện tại, các công đoạn chuẩn bị cho kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại Sabeco đang được Bộ Công Thương gấp rút chuẩn bị để có thể hoàn tất trong tháng 12/2017.
Bộ Công Thương cho biết, phương án thoái vốn sẽ tương tự như việc SCIC bán cổ phần Nhà nước tại Vinamilk, cụ thể là phương thức bán Chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia mua cổ phần theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco.
Việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco được thực hiện theo nguyên tắc công khai minh bạch, bảo đảm lợi tích cao nhất của Nhà nước, chống tiêu cực và lợi ích nhóm, cũng như đúng quy luật thị trường, hiệu quả, ổn định thị trường chứng khoán.
Việc thoái vốn Nhà nước đối với Sabeco cũng phải tuân thủ quy định pháp luật về DN, về thị trường chứng khoán và các cam kết quốc tế. Tiêu chí bán vốn được thực hiện theo diễn giá thị trường, đảm bảo tỉ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có cả giải pháp giữ gìn và phát triển thương hiệu bia Việt Nam.
Cũng theo phương án dự kiến thì mức giá khởi điểm, giá chào bán, tỷ lệ Nhà đầu tư nước ngoài được phép mua… sẽ được tuân thủ theo đúng quy định của Pháp luật Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, đợt chào bán này được dự báo có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng và thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư…
Theo kế hoạch được Bộ Công Thương công bố hồi tháng 8 năm ngoái, cơ quan này dự kiến thực hiện thoái vốn tại Sabeco làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2016 và đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/su-kien-kinh-te-tuan-doanh-nghiep-viet-phai-roi-nuoc-mat-ngay-tren-san-nha-303285.html