Sự kiện 24/7: Người lao động mong muốn sớm triển khai gói hỗ trợ vì dịch Covid-19

Nhiều người lao động mong muốn Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 sẽ sớm đi vào thực tiễn.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra được Chính phủ xem xét tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa diễn ra, với mức đề xuất hỗ trợ của cả ngân sách Trung ương và chính sách xã hội là hơn 61 nghìn tỷ đồng. Đây là tin vui cho những doanh nghiệp đang phải ngừng sản xuất kinh doanh và những người lao động tạm thời ngừng việc không lương hoặc bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo dự thảo Nghị quyết này, từ tháng 4 đến tháng 6/2020, đối với người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, trong vòng 1 năm, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng của 1 lao động/tháng để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020). Đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ kinh doanh 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Bà Hoàng Thị Hải Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển công nghệ Akay, Đắk Nông cho biết: khi phải ngừng sản xuất kinh doanh vì dịch covid-19 diễn biến phức tạp đã làm nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Cộng đồng mong muốn Chính phủ sớm triển khai nghị quyết này.

Bà Hoàng Thị Hải Hà cho biết: "Dịch covid-19 đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp. Chúng tôi đã tạm ngừng sản xuất kinh doanh hai tháng nay, gây ảnh hưởng đến vấn đề trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động cũng gặp khó khăn. Chắc chắn khó khăn này vẫn kéo dài vài tháng nữa. Vì vậy rất mong muốn Chính phủ triển khai gói hỗ trợ này sớm để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp thời điểm này".

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, từ tháng 4 đến tháng 6/2020, mỗi tháng hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp. Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm. Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng đối tượng hỗ trợ của Chính phủ rất rộng, tập trung vào các đối tượng dễ bị tổn thương, hỗ trợ những lao động giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành một phần không nhỏ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, gói hỗ trợ này sẽ tạo cho các doanh nghiệp vượt khó hiện nay, có điều kiện tiếp tục quay lại sản xuất sau dịch covid-19. Để lựa chọn đúng đối tượng là bài toán trong thực tiễn thực hiện, chính sách đúng nhưng thực tế đặt ra khâu thực hiện thực sự bài bản khoa học chặt chẽ, chính sách mới phát huy tác dụng trong thực tế với từng nhóm đối tượng.

Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện các chính sách. phối hợp với các bộ ngành thiết kế các biểu mẫu thông tin, giấy tờ xác định tiêu chí cụ thể đê xác định được đúng những người khó khăn đặc biệt , cồn đoàn tham gia giám sát để đến đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, không bỏ sót, tránh tình trạng truộc lợi chính sách. Về phía Tổng Liên đoàn, chúng tôi cũng nghiên cứu để có thể có gói hỗ trợ từ kinh phí, tài chính của Công đoàn, với nhiều trăm tỷ để hỗ trợ người lao động thực sự khó khăn".

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ dành gói an sinh cho doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của dịch covid-19 được người dân và doanh nghiệp vui mừng và mong chờ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, chính sách này sớm triển khai sẽ giải quyết khó khăn đối cho phần lớn người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Người dân nông thôn Bình Dương cùng nhau “đánh giặc Covid-19”

Người dân ở nông thôn của Bình Dương đã làm theo đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly toàn xã hội.

Ở các xã vùng xa xuất hiện các xe bán hàng lưu động phục vụ người dân.

Ở các xã vùng xa xuất hiện các xe bán hàng lưu động phục vụ người dân.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài hay đến nơi công cộng; không tụ tập đông người; ở nhà chỉ ra ngoài khi cần thiết; đóng cửa các dịch vụ không cần thiết… là những việc người dân ở nông thôn của Bình Dương đã làm theo đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly toàn xã hội. Thực tế này không như suy nghĩ của nhiều người cho rằng, ở càng xa trung tâm, người dân sẽ càng thờ ơ, chủ quan.

Đối với người lớn tuổi ở các vùng nông thôn, mỗi ngày sau bữa ăn sáng họ lại gặp nhau cùng nhâm nhi tách trà, ngụm cà phê và làm vài ván cờ. Thế nhưng hiện nay thú vui tao nhã ấy được các chú, các bác gác lại theo lời kêu gọi của Thủ tướng cả nước chung tay phòng, chống dịch.

Từ khi thực hiện các chỉ thị về phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, người cao tuổi ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Dương thay đổi hẳn thói quen mỗi ngày.

Ông Nguyễn Công Danh (63 tuổi), người dân xã Thanh Tuyền cho biết, vì sức khỏe bản thân, an toàn cho mỗi gia đình, nên mấy ông "bạn cờ" hẹn ông sau dịch sẽ tiếp tục hội họp. Mặt khác, ngày nào hệ thống loa phát thanh cũng ra rả thông tin bệnh dịch, lâu lâu cán bộ xã đến từng nhà nhắc nhở người dân không nên tụ tập đông người, ở nhà để phòng, chống dịch thì bản thân cũng phải có ý thức.

“Cách đây mười mấy ngày tôi không đi nữa, ở nhà chơi với con cháu hoặc mua đồ về nấu cho các cháu ăn. Tôi đi đâu cũng mang khẩu trang, về nhà lại rửa tay bằng xà phòng, cách ly người với người”, ông Danh tâm sự.

Kể từ khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, bà Huỳnh Thị Quyên (58 tuổi), người dân ở xã An Bình, huyện Phú Giáo ít đi ra đường và đặc biệt không qua nhà hàng xóm chơi như trước kia. Bà luôn động viên con cháu khi có những công việc thực sự cần thiết mới ra đường, như đi mua nhu yếu phẩm…

Để người dân nông thôn hiểu mức độ nguy hiểm, lây lan của dịch bệnh Covid-19, cán bộ từ xã đến ấp đã “đi tận ngõ, gõ tận nhà” để tất cả cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Các xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn thành lập tổ cộng tác viên phòng chống dịch ở khu phố, ấp để vận động nhân dân khai báo y tế qua phần mềm, nắm tình hình người từ vùng dịch về để thông báo báo cho cơ quan chức năng theo quy định. UBND các xã còn lập danh sách người khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để có biện pháp hỗ trợ.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết, khi giá khẩu trang tăng cao, người dân khó mua để sử dụng thì cán bộ Hội phụ nữ xã vận động chị em cắt may tặng hơn 4.500 cái. Những người nghèo bán vé số trong xã cũng được lập danh sách gửi về thị xã Bến Cát để được hỗ trợ theo quy định.

“Địa phương cũng vận động 80 phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn; 40 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền nhà trọ cho công nhân ở địa bàn xã An Điền”, ông Liêm cho biết.

Hà Nội mong người dân tiêu thụ cá hồi, hàu giúp miền Tây

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị người dân tiêu thụ các mặt hàng như cá hồi, ngao, hàu và các loại cá khác từ miền Tây mà thành phố kết nối để phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô trong những ngày cách ly xã hội.

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 3/4, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05 của UBND thành phố, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối luôn luôn đảm bảo hàng hóa cho người dân và rà soát các đơn vị đã đăng ký với Sở Công Thương về dự trữ hàng hóa cũng như nắm bắt hàng ngày nhu cầu lương thực, thực phẩm trên địa bàn.

Bà Lan cho biết, đã phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát các nguồn cung về lương thực thực phẩm, sản xuất để tính toán lượng thừa thiếu, đảm bảo cân đối cung cầu. Cùng với đó, kết nối với Sở Công Thương của một số tỉnh, thành phố. Hiện nay, mặt hàng rau củ quả đã kết nối với các tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La.

“Hàng hóa nguồn cung rau củ quả rất nhiều, không đáng lo ngại. Riêng gạo thì Hapro đăng ký trữ đến 500.000 tấn”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, về thủy hải sản, nguồn cung rất dồi dào. “Rất mong người dân Thủ đô tiêu thụ đỡ cho các doanh nghiệp các mặt hàng như cá hồi, ngao, hàu và các loại cá khác trong miền Tây. Hiện nay xuất khẩu kém, các nhà hàng, khách sạn nghỉ nên giá hầu hết giảm từ 30-50%. Người dân tiêu thụ các sản phẩm này là giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, bà Lan nêu.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định, tất cả các nguồn cung cho Thủ đô phong phú, dồi dào. Sở lưu ý các doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa từ kho đến các quầy kệ luôn đầy đủ. Ví dụ vào 7- 8h tối hàng có thể khan, hoặc hết thì 5h sáng hôm sau lại đầy đủ các mặt hàng tươi ngon phục vụ nhân dân.

Bà Lan cho biết, chiều tối 2/4 có hiện tượng một số tiểu thương ở các chợ tự nâng giá thịt lợn lên cao. Sở đã trao đổi với lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra việc niêm yết giá, yêu cầu bán đúng giá tại các chợ. Bà Lan khuyến cáo người dân không cần phải tích trữ hàng hóa.

Cá trên sông Mã chết bất thường

Ngày 3/4, UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, cơ quan chức năng đang tập trung xác minh nguyên nhân khiến cá tự nhiên và cá nuôi trên sông Mã (đoạn từ hạ lưu Nhà máy thủy điện Bá Thước 1 đến thượng lưu Nhà máy thủy điện Bá Thước 2) bị chết bất thường.

Cơ quan chức năng tìm nguyên nhân khiến cá chết bất thường. Ảnh: tiengphong.vn

Theo phản ánh của người dân, các hộ nuôi cá lồng trên sông Mã ở các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, thị trấn Cành Nàng của huyện Bá Thước thì từ đêm 31/3 và sáng 1/4, xảy ra hiện tượng cá, tôm tự nhiên, cá nuôi trên sông Mã bị chết. Riêng cá nuôi trong lồng trên sông Mã của các hộ dân bị chết, tỷ lệ từ 50-100%.

Tại thời điểm xuất hiện hiện tượng cá chết, nước sông Mã có mầu nâu, váng trên bề mặt. Tính đến hết ngày 2/4, ngoài hai tấn thủy sản tự nhiên bị chết; 31 hộ nuôi thủy sản trong 42 lồng, thể tích 211 mét khối trên sông Mã có tổng trọng lượng cá chết khoảng 4,5 tấn.

Ở các xã Ái Thượng, Điền Lư, Lương Ngoại thuộc thượng lưu và lòng hồ Thủy điện Bá Thước 2, cá nuôi lồng của hộ dân các biểu hiện ngạt, hô hấp kém, vẩy đỏ, bỏ ăn.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã xuống hiện trường kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, cá nuôi lồng (chủ yếu là cá trắm cỏ) chết hàng loạt trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn các xã Thiết Ống, Thiết Kế, Ban Công, Điền Lư, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước.

Ngoài ra, các loài thủy sinh tự nhiên cũng bị chết, như các loài cá da trơn, tôm, ếch. Kiểm tra cá nuôi trong lồng thấy cá bơi yếu, không ăn, bên ngoài con cá không có biểu hiện bất thường; mổ khám, nội tạng cá bình thường, không ghi nhận dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm.

Đoàn công tác đã tìm các nguồn xả thải, lấy mẫu nước để phân tích, tìm nguyên nhân cá chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu bệnh phẩm cá chết, mẫu môi trường nước gửi Chi cục Thú y vùng III, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I xét nghiệm, xác định nguyên nhân cá chết.

Hiện nay, huyện Bá Thước đã chỉ đạo UBND các xã hướng dẫn các hộ dân di chuyển các lồng cá ra khỏi vị trí nước quẩn, vệ sinh đáy lồng, dùng các biện pháp sục, tạo độ thoáng nước. Các xã Ái Thượng, Điền Lư, Lương Ngoại, Lương Trung có cá nuôi trong lồng chưa bị chết thì đưa cá ra khỏi lồng vào chống, tráng, khoanh nuôi cá trong ao.

Chính quyền các xã khuyến cáo các hộ dân không bán, sử dụng cá chết làm thức ăn; tiếp tục theo dõi tình hình, thống kế thiệt hại, báo kịp thời về UBND huyện.

V.N (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/su-kien-247-nguoi-lao-dong-mong-muon-som-trien-khai-goi-ho-tro-vi-dich-covid-19-post34695.html