Sự kiện 24/7: Khởi tố đại tá Phùng Danh Thắm

Tuần trước kỳ nghỉ lễ dài tưởng chừng bình yên nhưng lại khá nhiều tin đáng quan tâm: Khởi tố đại tá Phùng Danh Thắm, vòi bạch tuộc của Hội Thánh Đức Chúa Trời đã vươn ra nhiều tỉnh, 78 người ngộ độc do dùng nước nhiễm thuốc diệt cỏ...

Mở rộng điều tra vụ án Út “trọc”, khởi tố đại tá Phùng Danh Thắm

Công ty Thái Sơn của ông Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út "trọc" - ảnh nhỏ) có liên doanh trong dự án cầu Hạc Trì (Phú Thọ) - Ảnh: TRẦN HÙNG

Công ty Thái Sơn của ông Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út "trọc" - ảnh nhỏ) có liên doanh trong dự án cầu Hạc Trì (Phú Thọ) - Ảnh: TRẦN HÙNG

Ngày 3/12/2017, Cơ quan Điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc", nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 3, Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra còn phát hiện Đinh Ngọc Hệ có hành vi mua bằng đại học giả, sử dụng bằng đại học giả để khai trong hồ sơ đảng viên, hồ sơ cán bộ.

Hành vi của Đinh Ngọc Hệ có đủ yếu tố cấu thành tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.

Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Xuân Sơn, trú tại khu phố 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) là người được Đinh Ngọc Hệ thuê làm giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P tại Bình Dương;

Ông Trần Văn Lâm, trú tại 18/B 518 chung cư Huỳnh Văn Chính, phường Phú Trung, quận Tân Phú (TP.HCM), là người được Đinh Ngọc Hệ thuê làm tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P;

Khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên sư đoàn trưởng sư đoàn 367, Quân chủng phòng không - không quân.

Cả 3 bị can trên đều bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Đinh Ngọc Hệ.

Đồng thời, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đại tá Phùng Danh Thắm, tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ông Phùng Danh Thắm - Ảnh: T.V.N.

Hiện, các cơ quan tố tụng của Bộ Quốc phòng đang khẩn trương điều tra để kết luận, đề nghị truy tố Đinh Ngọc Hệ cùng với các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, đưa vụ án ra xét xử trong thời gian sớm nhất.

Trong quá trình điều tra, xử lý vụ án, các cơ quan tố tụng của Bộ Quốc phòng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, thời gian, kết luận rõ ràng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có vùng cấm, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, khẳng định trách nhiệm của quân đội trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Vòi bạch tuộc của “Hội Thánh Đức Chúa Trời” đã vươn ra nhiều tỉnh

Hiện nay, vòi bạch tuộc của “Hội Thánh Đức Chúa Trời” đã vươn ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội... các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ và xử lý một số tụ điểm có hành vi truyền giáo vi phạm pháp luật, thu giữ nhiều tài liệu truyền giáo không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, điều đáng nói đến nay tổ chức tự xưng này vẫn lén lút hoạt động dưới nhiều hình thức.

Nguyễn Ngọc An (27 tuổi) cho biết, gia đình cô chính là nạn nhân của Hội Thánh Đức Chúa Trời. Gần 1 năm nay, kể từ khi gia nhập hội thánh này, em gái cô bỏ bê gia đình, xao nhãng việc học và dành chủ yếu thời gian để đi truyền đạo.

“Trước đây, em gái rất ngoan, lễ phép, bố mẹ nói gì cũng đều “vâng dạ” làm theo. Tuy nhiên, khi vào Đại học, bị bạn bè lôi kéo tham gia hội thánh này, em trở thành một người hoàn toàn khác, thường xuyên đi sớm về muộn, không quan tâm đến gia đình. Bố mẹ nói gì cũng bỏ ngoài tai, thậm chí em còn tuyên bố chấp nhận bỏ gia đình chứ không thể bỏ đạo”, An buồn rầu kể.

An cũng cho biết, để dụ dỗ các thành viên tin tưởng và đi theo Hội Thánh này, các đối tượng luôn tuyên truyền luận điệu, bố mẹ hiện tại của mình chỉ là phần thân xác, cha mẹ thực sự là phần linh hồn. Nếu mình cầu nguyện, tích cực truyền đạo sẽ được bố mẹ phần linh hồn cứu rỗi khỏi các biến cố của cuộc sống, khi chết đi sẽ được lên thiên đàng, được hưởng hạnh phúc.

Nguy hiểm hơn, họ còn tuyên truyền rằng, nếu bố mẹ, anh chị em trong gia đình có phản đối thì đó là lời của ma quỷ, không đáng tin. Để toàn tâm, toàn ý theo đạo thì nên gạt bỏ mối quan tâm với gia đình sang một bên. Cũng chính vì những giáo lý kỳ quặc, phi lý này mà theo An em gái cô ngày càng lạnh nhạt với bố mẹ, anh chị em ruột.

“Hiện tại, toàn bộ mối quan tâm của em chỉ là Hội Thánh Đức Chúa Trời, các thành viên trong hội mới là anh chị em của em, bố mẹ linh hồn mới là người sinh ra em thực sự. Còn bố mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng bao năm qua không có giá trị gì. Niềm tin mù quáng này khiến chúng tôi thực sự đau khổ, bế tắc”, An nói.

Một nạn nhân tên Hương, người đã từng là thành viên của Hội thánh Đức Chúa Trời này kể, những người trong hội thường xưng hô với nhau là “anh chị em”. Sau khi chấp nhận trở thành tín đồ của hội, họ sẽ được làm phép, uống nước đỏ (thực chất là rượu vang) và ăn bánh nếp được gọi là “đồ thánh”.

Tiếp theo các tín đồ sẽ được yêu cầu học sách giảng đạo, tập phát biểu trước đám đông và cuối cùng là đi đến các điểm công cộng để tuyên truyền cho mọi người được biết. Để phô trương và củng cố niềm tin đối với các tín đồ, trong các buổi sinh hoạt, nhóm người này thường phát các video, hình ảnh cho thấy sự “bành trướng” của hội thánh ở nhiều quốc gia, tỉnh thành. Họ cũng tuyên truyền “ngày tận thế sắp đến”, “phúc đức của hội sẽ thắng cả thế gian”.

“Các bài giảng, lý lẽ rất thuyết phục khiến mình tin theo tuyệt đối. Tuy nhiên, càng về sau mình càng thấy hoạt động của hội có nhiều điều phi lý như: luôn tuyên truyền tiền bạc không quan trọng, không có giá trị nhưng lại luôn động viên các tín đồ đóng góp. Đặc biệt, người tham gia hội không được thắp hương, cúng lễ kể cả là thắp hưởng tưởng nhớ ông bà tổ tiên, người thân đã mất trong gia đình. Việc đi qua các đền chùa, miếu mạo cũng là việc cấm kỵ. … ”, Hương nói.

Cô cũng cho biết, các thành viên trong hội được thuyết phục từ bỏ gia đình, tiền bạc tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời Mẹ sau khi chết đi. Điều này khiến không ít gia đình đã rơi vào cảnh ly tán, vợ chồng mâu thuẫn, con cái bỏ bố mẹ đi theo tổ chức này.

Hình ảnh giới thiệu về Hội thánh của Đức Chúa Trời (hay Đức Chúa Trời Mẹ) cắt video clip

Trước thực trạng trên, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ kêu gọi người dân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, gia đình... trước những thông tin về các hoạt động có biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn đạo đức xã hội liên quan đến tổ chức mang tên “Hội thánh của Đức Chúa Trời" (hay còn gọi là Đức chúa trời mẹ) diễn ra ở một số địa phương thời gian qua.

Ông Thắng cho biết hiện có một số nhóm mang tên "Hội thánh của Đức Chúa Trời", bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên... liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh của Đức Chúa Trời" cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.

Về nguồn gốc của tổ chức mang tên "Hội thánh của Đức Chúa Trời" mà báo chí phản ánh, ông Thắng cho biết Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được, song vì những biểu hiện tiêu cực mà báo chí phản ánh cần thêm thời gian để kiểm chứng về có hay không có vai trò của tổ chức chỉ đạo, điều hành hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi, làm biến tướng, nên lúc này chưa đề cập.

Theo ông Thắng, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương luôn quan tâm, chú ý tới các hoạt động của tổ chức mang tên "Hội thánh của Đức Chúa Trời" và đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật.

Ngay khi đọc được phản ánh của một số báo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản đôn đốc các tỉnh, thành phố liên quan nắm lại tình hình, tăng cường công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân, đấu tranh và xử lý đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ cùng các cơ quan chức năng trung ương tiếp tục hướng dẫn các địa phương liên quan triển khai thực hiện các công tác cần thiết để ổn định tình hình.

78 người ngộ độc do dùng nước nhiễm thuốc diệt cỏ

Tại bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra vụ ngộ độc khiến 78 người phải nhập Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cấp cứu.

Tối 27/4, trao đổi với báo chí, đại diện Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) xác nhận: Cách đây 5 ngày, bệnh viện đã tiếp nhận 78 trường hợp nhập viện với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Các bệnh nhân đã nhập viện cấp cứu và được xác định nghi do ngộ độc khi uống phải nguồn nước bị nhiễm thuốc diệt cỏ

Sáng 28/4, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên (Mộc Châu, Sơn La) cho biết: Hiện bệnh viện đang điều trị cho 15 trường hợp trong số các bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ tại địa phương. Sức khỏe những bệnh nhân này đang dần ổn định nhưng vẫn cần theo dõi thêm. Các trường hợp còn lại các chỉ số sức khỏe đã bình thường nên được xuất viện rải rác.

Trước đó, Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên tiếp nhận 73 trường hợp nhập viện và Bệnh viện đa khoa Mộc Châu tiếp nhận 5 trường hợp với cùng triệu chứng đau bụng, buồn nôn và đi ngoài. Được biết, các bệnh nhân vụ ngộ độc đều là người dân tộc Mông sống tại bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, có 24 hộ với hơn 150 nhân khẩu.

Sở Y tế Sơn La đã cử đoàn cán bộ công tác cùng đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp điều tra, giám sát, lấy mẫu nước làm xét nghiệm và triển khai các biện pháp xử lý khắc phục hậu quả. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu nước và làm các xét nghiệm, trong đó phát hiện 4 mẫu nước dương tính với Paraquat (thuốc diệt cỏ).

Qua kiểm tra, rà soát, bước đầu lực lượng chức năng xác định nguyên nhân nguồn nước bị nhiễm thuốc diệt cỏ do người dân bản phun thuốc này để phục vụ canh tác trồng cây khiến thuốc ngấm xuống dòng nước.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã hỗ trợ bà con dọn dẹp xung quanh bản và làm mó nước mới để sinh hoạt, tạm thời không sử dụng nước cũ. Lực lượng chức năng kiểm tra lại cho thấy nguồn nước đã âm tính, trở lại trạng thái bình thường.

Hợp long cầu Bạch Đằng hơn 7.000 tỷ ở Quảng Ninh

Ba trụ tháp cầu là ba chữ H, biểu tượng kết nối ba thành phố kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.

Sáng 28/4, tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư tổ chức hợp long cầu Bạch Đằng, sau hơn 3 năm thi công.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp do chính kỹ sư, công nhân Việt Nam thi công. Cây cầu không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn kết nối đôi bờ sông Bạch Đằng lịch sử.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho hay, khi làm việc với giới chuyên môn nước ngoài, họ rất nghi ngờ năng lực của kỹ sư Việt Nam. Nhưng với cầu Bạch Đằng, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy kỹ sư, con người Việt Nam có thể làm được những công trình lớn và phức tạp.

Theo ông Chính, khi xây dựng cầu Bạch Đằng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phải nghiên cứu rất kỹ làm sao vừa đảm bảo thông thủy cho tàu trọng tải lớn, vừa không ảnh hưởng đến sân bay Vân Đồn, bởi sân bay chỉ cách cầu 6 km.

Nằm trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu bắc qua sông Bạch Đằng, bắt đầu từ phường Đông Hải 2 (quận Hải An, Hải Phòng) đến xã Liên Vị (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Cầu dài 3,5 km, đường dẫn 1,9 km, rộng 25 m, có 4 làn xe, vận tốc thiết kế tối đa 100 km/h.

Cầu Bạch Đằng có kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao 48,4 m, chịu được động đất cấp 8. Ba trụ tháp cầu là ba chữ H, biểu tượng kết nối ba thành phố kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long (Quảng Ninh).

Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn 7.277 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Ninh 488 tỷ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ).

Khởi công từ tháng 1/2015, công trình dự kiến hoàn thành trước 30/6/2018. Khi cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi vào sử dụng, quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội được rút ngắn 50 km, xuống còn 130 km; từ Hạ Long đi Hải Phòng chỉ còn 25 km thay vì 75 km như hiện nay.

Đà Nẵng xử lý nghiêm tình trạng đánh bắt cá bằng thuốc nổ

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng vừa xử phạt ngư dân Nguyễn Văn Cường, trú Phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng về hành vi dùng thuốc nổ để đánh bắt cá tại khu vực biển Sơn Trà. Tàu cá này không có giấy đăng ký đăng kiểm nhưng vẫn lén lút hoạt động.

Mới đây, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã làm rõ vụ ông Nguyễn Văn Cường, trú phường Nại Hiên Đông cùng 2 con trai dùng thuốc nổ đánh cá trên biển. Cha con ông Cường đã sử dụng thuyền và ngư cụ ra khu vực bãi San Lỗ đánh cá. Tại đây, sau khi thả một quả thuốc nổ xuống biển, cha con ông Cường đã vớt được khoảng 10kg cá. Lực lượng chức năng còn phát hiện tàu cá này không có giấy tờ đăng ký hành nghề.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, sống ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng phản đối hành vi dùng thuốc nổ đánh cá của cha con ông Cường: "Tôi làm biển mấy chục năm rồi chưa thấy tàu nào dùng thuốc nổ đánh cá trên biển hết. Tôi thấy đánh bắt cá bằng thuốc nổ trên bãi biển Sơn Trà như ông Cường là không đúng, bởi vì biển Sơn Trà là biển thiên nhiên làm ăn bằng đèn, điện. Tôi mong muốn, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc những người đánh cá bằng thuốc nổ".

Thiếu tá Văn Đức Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà, cho biết: Việc đánh cá bằng thuốc nổ không chỉ tận diệt nguồn thủy sản ven bờ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái biển tại khu vực này. Trong khi đó, Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên cần được bảo tồn cả trên cạn và dưới nước. Hiện nay, Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương tiến hành rà soát phương tiện đánh bắt cá trên biển trước khi xuất bến, nghiêm cấm sử dụng thuốc nổ đánh cá.

Thượng Tá Nguyễn Viết Cử, Trưởng Phòng phòng chống ma Túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết: đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiên trước khi xuất bến, ngăn chặn việc sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản.

Vân Nhi (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/su-kien-247-khoi-to-dai-ta-phung-danh-tham-post18948.html