Sự không cùng của thơ

Đời sống luôn đưa đến cho chúng ta cảm nhận, suy cảm. Thơ là một đời sống khác, soi chiếu, phản ánh lại đời sống thực, hay nói cách khác, thơ đi đến tận cùng đời sống thực để mở ra những đường biên vô tận. Đọc tập thơ Về miền hoa lộc vừng của nhà thơ Nguyễn Hữu Quyền ta thấy ở đó sự không cùng của suy tư và cảm xúc. Ở đó, người viết kiến tạo miền thơ của riêng mình bởi những khác lạ, độc đáo.

Nguyễn Hữu Quyền sinh năm 1953 tại Thanh Chương, Nghệ An. Từng là chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cùng với nhiều năm giảng dạy đã góp phần cô đúc nên ở ông một hồn thơ lắng đọng, giàu mỹ cảm.

Nổi bật trong thơ của Nguyễn Hữu Quyền là sự mới lạ; mới lạ trong tư duy, mới lạ trong cách nhìn, điều này đưa đến những liên tưởng độc đáo cho thơ ông. “Con cá rô thia trong bể kính nhà bạn đớp mồi bong bóng/ Chạm phải đáy đìa/ Sao mênh mông/ Bên kia đáy đìa nổi lên hình những đứa trẻ bắt thia thia đem đến đống lửa rạ”. Từ hình ảnh con cá cảnh trong bể nước, nhà thơ liên tưởng đến những con cá ở đìa (vũng nước nhỏ hơn ao), ở đó là cả một tuổi thơ sống động, là nỗi nhớ khôn cùng, là niềm cảm nghiệm về đời sống.

Thơ Nguyễn Hữu Quyền có sự cách tân trong cách viết, chúng ta không gặp lối mòn của tiền nhân trong thơ ông. Nhưng điều đặc biệt hơn nằm ở chỗ nhà thơ biết cách tận dụng thi liệu từ kho tàng dân gian. Kho tàng ấy là chiều sâu văn hóa, con người, những vẻ đẹp, tinh hoa của đời sống đã được ông đưa vào thơ một cách ấn tượng. “Con sông quê nhà mùa này nước bạc/ Thượng nguồn mưa. Vinh mưa/ Bờ bên kia có người cất vó/ Đò trôi/ Vó tung giấc mơ lên trời”. Không chỉ là đời sống thường nhật, mà đằng sau đó là giấc mơ, là khát vọng hiện thực hóa giấc mơ của người miền Trung đầy thương khó. Hình ảnh vó tung giấc mơ lên trời là một hình ảnh đẹp, mang đậm tính tư tưởng của nhà thơ.

Nguyễn Hữu Quyền đã gợi lên giấc mơ của sự vượt thoát khi ta thấy xuyên suốt trong thơ ông luôn xuất hiện hình ảnh về quê hương mùa lũ: “Bên giếng làng có ai gọi gì nghe thảng thốt/ Ta mơ cơm vàng/ Mà sao chang chang nước bạc”. Những câu thơ này đã chạm sâu vào vô thức mỗi chúng ta. Dân tộc ta đi lên từ nền văn minh lúa nước, bao đời nay lúa nước đã trở thành biểu tượng của xứ sở này. Với những câu thơ hàm súc, Nguyễn Hữu Quyền không chỉ nói lên được cái xa xót của sự mất mát trước thiên tai mà còn chạm sâu vào nguồn cội, chạm sâu vào biểu tượng của người Việt nói chung và người dân xứ Nghệ nói riêng. Điều này đưa đến sự đồng cảm, đồng điệu lớn cho thơ ông. Và thơ ông, vì thế mà dễ dàng lan tỏa.

Thơ ca không phải là sự xa vời của đời sống này. Ngược lại thơ là sự gắn kết, tương thông, đồng hiện. Thơ sẽ về đâu nếu không phải hướng đến con người, vì con người mà lên tiếng. Thơ Nguyễn Hữu Quyền không nằm ngoài mục đích cao đẹp đó. Nhưng ông đã chọn cho mình một hướng tiếp cận riêng để làm cuộc giao thoa giữa thơ ca và con người, ở đó đôi khi người đọc không còn nhìn thấy lằn ranh cách biệt để phân định đâu là thơ, đâu là đời, đâu là người. Bởi thiên tố thơ trong ông đã làm nhòa đi những cái hữu hình để chạm tới cái vô hình mà không phải ai cũng có thể gọi được thành tên. Nơi đó chỉ dành cho những nhà thơ đích thực lên tiếng.

“Trăng đêm nay kết thành hình dấu hỏi/ Ai đang đốt lửa phá rừng/ Linh hồn cây trôi dạt/ Không phải rồi đụn khói tuổi thơ tôi”. Thật khó để biết đây là thực hay thơ, chỉ biết là, những câu chữ ấy đã đánh thức chúng ta, lay động chúng ta, chạm khắc vào chúng ta một cảm thức vời vợi và thăm thẳm.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quyền lặng lẽ viết. Vâng, thơ ca đích thực luôn đến từ sự lặng lẽ, thâm trầm của người viết. Nhưng những câu thơ của ông vẫn không ngừng bung trổ trong miền thơ riêng. “Bùn đất dạt về nơi đó/ Bồi nên bãi bờ/ Rễ lau cắm phập phù sa. Tứa nhựa trong thân. Ra lá. Trổ hoa. Òa vỡ mảnh hồn châu thổ”. Những câu thơ cho thấy một hồn thơ vạm vỡ và đầy nội lực. Trong giới hạn của đời sống, tôi tin Nguyễn Hữu Quyền đã chạm đến sự không cùng của thơ.

Hoài Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/966746/su-khong-cung-cua-tho