Sự khác biệt khiến Nga điều gấp Ka-52M đến Syria

Chính sự khác biệt trong trang bị và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Ka-52M so với Ka-52 Alligator khiến phiên bản tối tân này được Nga điều đến Syria.

Thông tin về đợt tăng cường khả năng tấn công tầm thấp của Quân đội Nga tại Syria bằng trực thăng Ka-52M được đích thân Tổng giám đốc Công ty trực thăng Nga Andrei Boginsky cho biết:

"Phiên bản Ka-52M cũng sẽ được Nga đưa đến chiến trường Syria để vừa tăng cường sức mạnh cho lực lượng Không quân Nga và hoàn thiện khả năng chiến đấu, thời gian đưa đến Syria có thể là vào cuối tháng 2/2020".

Bộ 3 trực thăng tấn công hàng đầu của Nga.

Bộ 3 trực thăng tấn công hàng đầu của Nga.

Lời giải thích về nguyên nhân Ka-52M xuất hiện tại Syria đã khá rõ ràng nhưng theo giới chuyên gia, chính sự khác biệt trong hệ thống điện tử, vũ khí cùng khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Ka-52M với Ka-52 Alligator khiến trực thăng này được trọng dụng.

Cụ thể, Ka-52M do Nga chế tạo sẽ được trang bị tên lửa hành trình có tầm phóng 100 km, có thể tấn công chính xác các mục tiêu trên mặt đất.

Hiện nay, trong các loại tên lửa phóng từ trực thăng trên thế giới thì tầm bắn của tên lửa này được cho là xa nhất, thông thường tên lửa phóng từ trực thăng chỉ có phạm vi tấn công dưới 20km.

Cùng với vũ khí tầm xa, Ka-52M còn được trang bị tổ hợp ngắm bắn quang điện tử mới OES-52. Hệ thống OES-52 được "mô phỏng" theo cảm biến nhắm mục tiêu Safran Strix trang bị cho trực thăng tấn công Eurocopter EC665 Tiger của châu Âu.

Thiết bị này được đánh giá cao hơn nhiều so với GOES-451. Nhiệm vụ của hệ thống này thực hiện các chức năng tương tự như GOES-451, nó có 5 cảm biến: camera ảnh nhiệt, camera TV, thiết bị đo xa laser, chiếu chùm tia laser cho tên lửa chống tăng, cũng như theo dõi tia laser.

Ưu điểm khác của OES-51 là nó nặng 177 kg so với 220 kg của GOES-451. Bên cạnh đó, radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) V006 Rezets thế hệ mới cũng được tích hợp cho trực thăng vũ trang hiện đại hóa Ka-52M.

Theo những thông tin được công bố, radar Rezets có thể phát hiện nhóm xe tăng từ 45 km, một cây cầu đường sắt cách xa 100 km hoặc tàu khu trục từ 150 km.

Ở chế độ không đối không, nó có thể phát hiện máy bay chiến đấu có diện tích phản xa radar 3 m2 từ khoảng cách lên tới 50 km và máy bay trực thăng bay lượn từ 20 km.

Với khả năng đặc biệt của Ka-52M, trực thăng Nga có thể dễ dàng phát động tấn công vào mục tiêu phiến quân nhưng vẫn giữ được khoảng cách an toàn.

Đặng Văn Nghĩa - Khoa QS địa phương trường Sĩ quan Lục Quân 1

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-khac-biet-khien-nga-dieu-gap-ka-52m-den-syria-3397298/