Sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục truyền thống và hệ thống giáo dục mở

Giáo dục 'mở' (open education) là giáo dục trong đó các rào cản không cần thiết trên con đường đến với giáo dục được dỡ bỏ.

Có thể nói, đến nay, vẫn chưa tìm ra định nghĩa đầy đủ nào về hệ thống giáo dục "mở”.

Thông thường khi nói đến thuật ngữ hệ thống giáo dục “mở” là nói đến khái niệm chỉ một loại hình hoặc tính chất của một hệ thống giáo dục mà hệ thống giáo dục đó có những đặc trưng mới khác với hệ thống giao dục cũ và khái niệm này vẫn được hiểu một cách ít nhiều cảm tính.

Đây là ý kiến của Nhà giáo nhân dân Thái Văn Long – Đại học Bình Dương.

Từ đó, Nhà giáo nhân dân Thái Văn Long cho rằng, do có những quan niệm khác nhau, tùy theo từng quốc gia, từng thực trạng giáo dục của quốc gia đó và cũng phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.

Giáo dục "mở" (open education) là giáo dục trong đó các rào cản không cần thiết trên con đường đến với giáo dục được dỡ bỏ. (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)

Giáo dục "mở" (open education) là giáo dục trong đó các rào cản không cần thiết trên con đường đến với giáo dục được dỡ bỏ. (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)

Một cách hiểu khác thì lại cho rằng hệ thống giáo dục truyền thống là hệ thống đóng, tập trung vào người dạy, với những qui định cứng nhắc về trường lớp, chương trình giáo dục, cách dạy, cách học, cách đánh giá;

Còn hệ thống giáo dục “mở” là hệ thống tập trung vào người học, với những qui định thông thoáng về từng lớp mở, chương trình mở, nội dung mở, cách dạy mở, cách học mở,..

Nói khác đi thì do hệ thống giáo dục truyền thống khép kín, chật chội, khuôn khổ, cứng nhắc…

Trong khi đó hệ thống giáo dục hiện tại đang phát triển lớn mạnh không ngừng cùng với những tiến bộ vượt trội của khoa học kỹ thuật, công nghệ, của tri thức nhân loại; đặc biệt tính nhân bản, tính nhân văn được mọi người thừa nhận và tôn trọng; tất cả vì con người, hướng về con người, cho mọi người.

Con người trở thành trung tâm, là động lực của sự phát triển của kinh tế xã hội; là đối tượng cũng là chủ thể của giáo dục;

Cho nên bản thân con người cũng muốn thoát khỏi sự chật hẹp, khép kín của hệ thống giáo dục truyền thống, cởi trói cho giáo dục để giáo dục được tiếp cận hơn với nhiều người; phục vụ yêu cầu đa dạng, phong phú của con người.

Từ “mở” được sử dụng ở đây để nói lên ý tưởng gạt bỏ các rào cản hạn chế cơ hội tham gia của người học và quá trình giáo dục.

Dĩ nhiên, các cách hiểu trên đều có hạt nhân hợp lý của nó. Chỉ có điều trên phạm vi quốc tế hiện nay, cách hiểu chung về Giáo dục "mở" (open education) là giáo dục trong đó các rào cản không cần thiết trên con đường đến với giáo dục được dỡ bỏ.

Người học có cơ hội hợp lý để thành công trong một hệ thống giáo dục đa dạng về phạm vi học tập và đáp ứng các nhu cầu khác biệt của người học.

Theo đó, vị này cũng đồng ý với Giáo sư Cao Văn Phường – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Đại học Bình Dương rằng, so với hệ thống giáo dục truyền thống, hệ thống giáo dục mở có 8 đặc trưng mới :

- Một là, đào tạo theo nhu cầu của xã hội và thị trường nhân lực; thay vì đào tạo theo kế hoạch hóa.

- Hai là, quản lý giáo dục mềm dẻo, linh hoạt, kế hoạch học tổ chức tập được xây dựng dựa vào hoàn cảnh, đối tượng người học; thay vì hoàn chỉnh hóa hoạt động này.

- Ba là, qui mô không hạn chế, thay vì hạn chế qui mô do điều kiện học tập trong không đáp ứng được.

- Bốn là, người học không nhất thiết phải đến trường; thay vì hệ thốnggiáo dục truyền thống thường luôn chịu sự giám sát chặt chẽ, trực diện, mặt đối mặt giữa người dạy và người học.

- Năm là, phạm vi học tập mở rộng, học ở bất cứ nơi đâu và học bất kì ở nơi nào; thay vì trường, lớp cố định.

- Sáu là, người học cũng là thầy dạy, tự học bằng nhiều phương tiện; thay vì thầy dạy được chuẩn hóa cố định, trò học theo thầy.

- Bảy là, xã hội và người học tự đánh giá năng lực giá trị thực của mình qua kết quả hoạt động thực tiễn; thay vì chỉ dựa chủ yếu vào đánh giá của nhà trường.

- Tám là, bằng sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông, công nghệ thông tin, hoạt động giáo dục không ranh giới giữa các quốc gia, quốc tế hóa giáo dục; thay vì trường lớp cố định, khép kín, hạn chế ứng dụng thành tựu của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và phương pháp mới...

Đồng thời, qua quá trình nghiên cứu từ thực tiễn triết lý xây dựng nền giáo dục mở của Trường Đại học Bình Dương, Nhà giáo nhân dân Thái Văn Long thấy cần quan tâm đến một số vấn đề liên quan đến những yếu tố cấu thành các quá trình xây dựng hệ thống giáo dục mở như sau:

Thứ nhất, mục tiêu giáo dục trong hệ thống giáo dục mở.

Về lý luận thì mục tiêu tổng quát của cả hệ thống Giáo dục nước ta và mục tiêu cụ thể của từng ngành, từng cấp, bậc học được thể chế hóa trong Luật Giáo dục.

Song trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, mau lẹ như hiện nay, mục tiêu giáo dục trong tình hình mới phải phản ánh được xu thế hội nhập và toàn cầu hóa trong hệ thống giáo dục mở.

Mục tiêu của hệ thống giáo dục mở đòi hỏi phải mở để học, học để mở, để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở.

Thứ hai, nội dung giáo dục trong hệ thống giáo dục mở.

Nội dung giáo dục ở nước ta vẫn được thể hiện chủ yếu ở chương trình, nội dung dạy học trong giáo trình và sách giáo khoa đang được trình bày theo một hệ thống đóng, các bài học được coi như “pháp lệnh”, “khuôn mẫu”.

Nội dung dạy học của hệ thống giáo dục mở phải khắc phục linh hoạt tình trạng trên; cần phải nâng cao tính mở để người dạy, người học tự xây dựng nội dung kiến thức, kỹ năng cho những vấn đề nghiên cứu.

Trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, Giáo dục cũng cần phải theo kịp và thích nghi được với những tiến bộ đó không chỉ ở bậc đại học mà cả hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ ba, người dạy – người học trong hệ thống giáo dục mở.

Trong khi hệ thống giáo dục mở phải luôn khuyến khích việc tự học, tự đào tạo. Người dạy, người học trong hệ thống giáo dục mở phải coi trọng thực học, thực tài.

Trong quá trình dạy, người dạy nhiều khi cũng học được ở người học những kinh nghiệm, vốn sống riêng, những ý tưởng sáng tạo cho một vấn đề cụ thể. Vị trí giữa người dạy và người học không phải là tuyệt đối.

Thứ tư, đánh giá kết quả giáo dục trong hệ thống giáo dục mở.

Đối với hệ thống giáo dục mở, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng phụ trách về giáo dục, thì việc đánh giá kết quả díao dục cũng cần được mở, được xã hội hóa.

Do đó, các trường học phải coi những lực lượng giáo dục ngoài nhà trường như những thành viên chính thức, có tư cách pháp nhân, có năng lực để tham gia vào việc đánh giá kết quả giáo dục.

Phải đánh giá kết quả đào tạo những con người có trách nhiệm, có khả năng “giải quyết vấn đề gì" chứ không phải là "biết gì", "phải làm gì" hoặc “đúng sách vở” hay không?

Tinh thần trách nhiệm đó chỉ có thể hoàn thiện khi mỗi người không ngừng suốt đời học tập và rèn luyện trong xã hội học tập.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/su-khac-biet-giua-he-thong-giao-duc-truyen-thong-va-he-thong-giao-duc-mo-post185631.gd