Sự im lặng của Trung Quốc đối với Australia là chiến thuật mới?

Kể từ tháng 5 khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu thịt bò của 4 nhà máy chế biến thịt lớn nhất Australia, đồng thời áp đặt mức thuế cao hơn với lúa mạch nhập khẩu từ nước này, Bộ trưởng Thương mại Australia đã không thể liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham. Ảnh: Getty Images

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham. Ảnh: Getty Images

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá điều này tạo ra một tình huống bất thường đối với 2 quốc gia vốn có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, cũng như làm gia tăng ngờ vực từ phía Australia rằng thuế và lệnh cấm là hình thức trừng phạt việc Canberra ủng hộ mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham khẳng định Bắc Kinh đã phớt lờ đề nghị của Canberra. Theo Bộ trưởng Birmingham, ông đã nhiều lần lên lịch trình đàm thoại với người đồng cấp Trung Quốc Zhong Shan nhưng không được hồi đáp. Ông chia sẻ với đài phát thanh ABC: “Thật không may, đề nghị của chúng tôi xúc tiến đàm phán chỉ gặp kết cục tiêu cực. Thật đáng thất vọng”.

Các chuyên gia nhận định sự im lặng và phớt lờ của Trung Quốc với Australia là một phần thuộc “nghệ thuật chiến tranh mới”, không phải Bắc Kinh muốn cắt đứt quan hệ hoàn toàn.

Giáo sư Zhiqun Zhu tại Đại học Bucknell (Mỹ) phân tích rằng Trung Quốc đã thay đổi thái độ từ năm 2010 khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt qua cả Nhật Bản và nước này tổ chức thành công Olympic 2008. Chủ nghĩa dân tộc tăng cao dẫn tới tranh cãi nội bộ kéo dài cả thập niên tại Trung Quốc về việc liệu có nên tiếp tục nhún nhường. Nhưng hiện tại, có thể thấy rằng những quan chức và học giả bình tĩnh đang nhận được ủng hộ tại Trung Quốc.

Ông Zhu cho biết Trung Quốc có một danh sách dài những điều không hài lòng về chính sách của Australia. Trong đó có việc Hải quân Australia tham gia tập trận chung với Mỹ, cấm tập đoàn Trung Quốc Huawei gây dựng mạng không dây 5G…

Ông Zhu phân tích: “Trong mắt Bắc Kinh, Chính phủ Australia đang ngày càng hỗ trợ chính quyền Tổng thống Trump trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc không thể kinh doanh như thường lệ với Australia”. “Trung Quốc đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng với Australia: đừng quá thân với chính quyền Tổng thống Trump và khiến mối quan hệ Bắc Kinh-Canberra gặp khó khăn”, ông Zhu bổ sung.

Trong tuần đầu tháng 6, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc còn cảnh báo du lịch đến Australia bởi “tấn công phân biệt chủng tộc nhắm đền người Trung Quốc và châu Á”. Ngày 9/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc còn khuyến cáo học sinh cân nhắc việc đến du học tại các trường đại học ở Australia khi kỳ học mới bắt đầu từ tháng 7 bởi tình trạng phân biệt chủng tộc. Australia đã bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc.

Số sinh viên nước ngoài đông nhất tại Australia là người Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ông Ben Lowsen, cố vấn nhóm nghiên cứu chiến lược Checkmate thuộc Không quân Mỹ, đánh giá Trung Quốc đang áp dụng chính sách đối ngoại quyết đoán hơn được gọi là “Chiến Lang” – dựa theo tiêu đề bộ phim về chiến binh Trung Quốc đánh bại đối phương do phương Tây cầm đầu.

Ông Ben Lowsen nhận định: “Việc không trả lời điện thoại của Bộ trưởng Thương mại Australia cho thấy 2 vấn đề. Thứ nhất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có ý định thay đổi mức thuế ở thời điểm hiện tại, muốn duy trì áp lực lên Australia. Bộ trưởng Zhong trong khi đó muốn nhấn mạnh sự nghiêm trọng với người đồng cấp Australia”.

“Thông thường, các quan chức sẽ hồi đáp đề nghị của người đồng cấp bằng câu trả lời có hoặc không. Nhưng đôi khi họ nói vẫn đang cân nhắc. Theo kinh nghiệm của tôi, thời điểm cân nhắc có thể kéo dài, bởi người ra quyết định cảm thấy chưa đúng thời điểm cho câu trả lời có hoặc không”, ông Ben Lowsen nhận xét.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc lạnh lùng với những quốc gia khác. Năm 2010, mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Na Uy đã giảm mạnh sau khi tác giả người Trung Quốc Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình. Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù vì “kích động lật đổ” Chính phủ Trung Quốc.

Sau đó, trong vòng 6 năm, không có cuộc họp song phương nào được tổ chức và Trung Quốc còn áp đặt hạn chế với cá hồi nhập khẩu từ Na Uy, lệnh hạn chế này chỉ được nới lỏng từ năm 2016.

Các chuyên gia nhận định Trung Quốc chắc chắn sẽ duy trì chính sách cứng rắn và trừng phạt những quốc gia có quyết định khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Song ông Zhu cho rằng sự im lặng của Bắc Kinh có thể khiến thái độ của công chúng và Chính phủ Australia thêm “chai lì” với Trung Quốc.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/su-im-lang-cua-trung-quoc-doi-voi-australia-la-chien-thuat-moi-20200611090304062.htm