Sự hy sinh thầm lặng

Chiến tranh đi qua đã lâu nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn ẩn hiện trong nhiều gia đình những người lính. Sau sự hy sinh của những người lính ngoài chiến trường là sự 'hy sinh' của những người vợ, người mẹ, những đứa con của họ ở hậu phương. Những người phụ nữ đã lặng lẽ quên đi tuổi thanh xuân của mình, nay tuổi già vẫn miệt mài chăm sóc chồng con.

Lo về tương lai của những đứa con

Suốt nhiều năm, bà Ngô Thị Tình lặng lẽ chăm sóc những người bị nhiễm chất độc da cam trong gia đình.

Suốt nhiều năm, bà Ngô Thị Tình lặng lẽ chăm sóc những người bị nhiễm chất độc da cam trong gia đình.

Bà Ngô Thị Tình, khu phố Hải Sơn 1, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, năm nay đã 75 tuổi, nhưng vẫn là lao động chính để chăm sóc 3 người là nạn nhân chất độc da cam trong gia đình. Trong đó, ông Đặng Vũ Cư, 79 tuổi, chồng bà bị mất trí nhớ nên khi trò chuyện với tôi, ông chỉ còn nhớ mình tham gia quân ngũ từ năm 1962, nhưng không nhớ trước đây mình ở đơn vị nào và xuất ngũ năm nào. Sau khi trở về quê nhà, ông Cư còn tham gia công tác phường đến khi về hưu ông mới phát bệnh.

Hai người con thì cô con gái út là chị Đặng Thị Kim Oanh ngay từ khi mới lọt lòng đã có triệu chứng rõ ràng là người bị nhiễm chất độc da cam, nên được hưởng trợ cấp với nạn nhân chất độc da cam, còn anh con trai Đặng Trung Dũng thì không. Trước đây, anh Dũng cũng đã tham gia quân ngũ và từng là thợ lái xe ở Công ty CP Than Đèo Nai. Thế nhưng cách đây 7 năm, anh Dũng bị mất trí nhớ buộc phải nghỉ việc và hưởng trợ cấp 1 lần. Số tiền được trợ cấp, anh Dũng đã chi hết vào chữa bệnh. Cũng đã suốt 7 năm nay, bà Tình (mẹ anh Dũng) đã đi nhiều nơi để xin cho anh được hưởng trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam mà không được.

Vậy là đã suốt mấy chục năm, bà Tình chăm sóc những người trong gia đình nhưng nỗi lo về tương lai các con trong bà không bao giờ vơi cạn. Trò chuyện với chúng tôi, bà Tình ngấn 2 dòng nước mắt: “Vợ chồng tôi cũng không biết còn sống trên đời bao lâu để chăm sóc các con. Ai sẽ lo cho chúng sau này khi mà con trai tôi không có khả năng lao động, nhưng nó cũng không được hưởng khoản trợ cấp nào?”.

Chỉ mong có giấc ngủ yên...

Tôi đang trên đường tìm đến nhà của bà Nguyễn Thị Thiều, khu 7, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên thì gặp bà ngoài đường khi bà đang đưa cô con gái đã lớn tuổi về nhà. Bà Thiều bảo: “Buổi trưa mệt quá, tôi vừa chợp mắt, tự dưng thấy không yên thì nó (con gái) đã ra ngoài rồi. Ban đêm cũng chẳng mấy khi ngủ được”. Theo bà Thiều, bà chỉ ngủ được khi con gái đã ngủ, khi cô thức dậy bà cũng phải dậy theo. Dù con gái đã lớn, nhưng bà vẫn trông nom như trẻ nhỏ, mà còn khổ hơn vì không để ý cô ấy đi rất xa, có khi cách nhà đến vài cây số.

Hễ con gái đi ra đường là bà Thiều (người phía sau) phải đi tìm về vì sợ con bị tai nạn giao thông.

Bà Nguyễn Thị Thiều nay đã 68 tuổi, từ năm 1970 đến năm 1974, bà là thanh niên xung phong với công việc san lấp hố bom, mở đường cho những đoàn xe vào chiến trường miền Nam. Cũng những năm tháng ở nơi chiến trường ác liệt đó, bà bị nhiễm chất độc da cam. Trở về hậu phương, bà Thiều lấy chồng là ông Lê Văn Leo cũng là bộ đội xuất ngũ. Cuộc đời làm vợ, làm mẹ của bà Thiều trải qua nhiều hành trình gian nan, mang thai 2 lần nhưng không sinh hạ được vì thai chết yểu. Thế rồi bà Thiều sinh cô con gái đầu lòng là Lê Thị Thúy, nhưng ngay từ khi mới sinh ra đã có biểu hiện của người không bình thường. Chị Thúy còn có 2 người em nữa cũng bị nhiễm chất độc da cam, nay một người đã mất còn một người nữa cũng tạm thời lo được cuộc sống riêng mình. Nặng gánh nhất với vợ chồng bà Thiều vẫn là chị Lê Thị Thúy, năm nay 41 tuổi nhưng nom không khác gì bà lão 70 tuổi, vì răng đã rụng hết, mắt bị mù, tai điếc. Mắt không nhìn thấy gì nhưng chị Thúy lại hay đi ra đường và có năm bị tai nạn giao thông tới 3 lần, may là chỉ bị thương. Mấy năm nay, bà Thiều gần như không làm được gì vì phải nghỉ mọi công việc để ở nhà trông con.

Bà Thiều chỉ những vết thương do tai nạn giao thông của con gái mình.

Đã có lần, vợ chồng bà Thiều gửi con cho Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội để họ chăm sóc hộ. Thế nhưng chỉ được một thời gian, Trung tâm này lại gọi điện bảo bà đưa con về, vì ban đêm cô gái này không ngủ mà cứ ra gõ kẻng ầm ĩ khiến mọi người cùng mất ngủ theo. Năm nay, ông Lê Văn Leo, chồng bà đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn một mình cần mẫn đi làm để lấy tiền nuôi cả gia đình. Họ đều mang cái lo lắng chung đến một ngày nào đó, khi không còn sức làm việc, ai sẽ trông nom con cái cho họ.

Vậy là còn biết bao những cánh cò mang nặng nỗi đau da cam vẫn cứ mòn mỏi bay trong giông bão, những người phụ nữ vẫn cứ lặng lẽ “hy sinh” trong thời bình để xoa dịu nỗi đau chiến tranh còn dai dẳng...

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201907/su-hy-sinh-tham-lang-2447812/