Sự giao thoa các tập tục, ngành nghề, văn hóa vùng miền trong đời sống cư dân Thái Bình (Bài 1)

Nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890-21/3/2020), trân trọng giới thiệu bài viết có tính khảo cứu của Nhà nghiên cứu sử học Đặng Đình Hùng cách đây 5 năm về sự hình thành, phát triển của tỉnh đồng bằng Bắc Bộ này.

Cầu Bo năm 1963. Nguồn: Internet. Ảnh tư liệu.

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, ĐỊA HÌNH DÂN CƯ, ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÍNH CÁCH VÀ VĂN HÓA CỦA NGƯỜI THÁI BÌNH:

Nhìn trên bản đồ, Thái Bình có 5 cạnh viền sông nước, tách bạch rõ ràng với các tỉnh lân cận. Tây - Bắc - Bắc là trọn vẹn con sông Luộc (50km) phân giới với Hải Dương, Hưng Yên. Bắc - Bắc - Đông ngăn với Hải Phòng bởi sông Hóa hơn 40km, vốn là một nhánh của sông Thái Bình được sông Luộc tiếp thêm dòng nước đỏ sông Hồng đổ ra cửa Thái Bình. Cạnh Tây và Nam cách Nam Định, Hà Nam bởi 80 km; con sông mẹ gập thành hai khúc trước khi ra cửa Ba Lạt. Chính Đông Thái Bình là 50km bờ thềm lục địa soải dần xuống làn nước biếc của vịnh Bắc Bộ. Đo đường chim bay, chiều dài nhất hướng Bắc - Nam, Đông - Tây đều xấp xỉ chưa đầy nửa độ kinh độ vĩ. Diện tích tự nhiên của cả tỉnh khoảng 1.546km2 (2003); là tỉnh có diện tích nhỏ nhất so với các tỉnh trong cả nước.

Địa hình Thái Bình thật tiêu biểu cho Đồng bằng châu thổ: Phẳng phiu không một gợn đồi núi. Mảnh đất này đúng là hoàn toàn do phù sa bồi lấp biển mà thành, ngoại lực là tác nhân chủ yếu. Vẫn nghiêng hướng Tây Bắc - Đông Nam nhưng độ dốc đã chỉ còn không quá 10 Cm trên mỗi km khiến hàng trăm dòng chảy mặc sức tỏa lan mọi hướng tạo thành mạng sông ngòi dày đặc và cho mắt ta có niềm vui bất ngờ khi gặp một cánh buồm đồ sộ thong thả trườn trên sóng lúa. Với bình độ hầu hết dưới 2m, biển chẳng nhọc sức dồn thủy triều đẩy nước ngọt thăng giáng ngày mỗi lần tít sâu vào nội địa, mức chênh có thể tới 40cm một giờ.

Trước khi gặp biển, sông Hồng trổ một nhánh Trà Lý quanh co hướng Đông - Tây như một dải lụa chia Thái Bình thành hai nửa. Nửa Bắc, bám lấy sông Luộc đổ về Đông là các sông Diêm Hộ, Tiên Hưng, Sa Lung. Nửa Nam, nước đồng dồn theo sông Kiến Giang qua cửa Lân đổ ra biển. Từ các trục chính đó hàng trăm dòng sông nhỏ lượn lờ uốn ngang dọc mặt bằng, tạo cho Thái Bình mật độ sông ngòi cao nhất so với toàn châu thổ, gieo cảm hứng cho bao huyền thoại về thủy thần nẩy nở, nhiều khi “vật chất hóa” thành đền miếu thờ như đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ) và chuyện ba rắn thần, miếu Bến Lại và chuyện thần Lài do thuồng luồng phủ bà Phương La sinh ra, có tài cầu mưa chống hạn. Cả một huyện mang tên Thần Khê (vùng Đông Hưng) bắt nguồn từ truyền thuyết thần sông hiện hình. Còn sông Long Khê thành tên do sự tích vị thái tổ nhà Trần thuở hàn vi, một đêm qua sông không gặp đò, bỗng cầu đâu xuất hiện rồi ngoảnh lại không thấy nữa.

Hệ thống kinh rạch chi chít đó có phần chắc là các công trình thủy nông nhiều đời tạo tác. Chẳng hạn sông Thái Sư do Thái sư Trần Thủ Độ cho đào. Sông La, sông Hữu Tiệm, Hội Khê… đào cuối thế kỷ (19 - đầu thế kỷ 20). Cảnh quan Thái Bình in đậm bàn tay con - người - trồng - lúa - nước mấy ngàn năm.

Mặt bằng Thái Bình không hình thành cùng lúc mà dần dần nổi lên từ biển do sông Hồng và sông Thái Bình bền bỉ tải phù sa lấp địa võng Hà Nội. Các mũi khoan địa chất cho thấy phù sa đệ tứ kỷ dầy hàng trăm mét trên nền trầm tích đệ tam kỷ.

Cách đây hơn 2000 năm, mạn Hưng Hà - Quỳnh Phụ nổi trước. Hình thành muộn hơn cả là vùng Kiến Xương - Tiền Hải. Chỉ cần lắng trong tiếng nói dân gian cũng cảm nhận được tuổi của đất. Ghé chợ Bo nếm trái ổi Bo, nghe vế đối “Con bò lang lạc vào làng Bo”, ta không khỏi bồi hồi tưởng đến mươi thế kỷ trước, nơi đây còn là cửa biển. Sử chép: Đinh Bộ Lĩnh từ Hoa Lư tìm đến Bố Hải Khẩu phò sứ quân Trần Lãm. “Bố Hải Khẩu” là tên “chữ’ của “cửa biển Bo”; cũng như “Kỳ Bá”, “Bồ Xuyên” hiện nay, đều có nguồn “nôm” từ xứ “bo’ xa xưa.

Cách đây 200 năm, Tiền Hải còn là “Cồn Tiến”. Phương ngôn có câu: “Động biển Sóc đem thóc ra phơi”, Sóc là tên vùng đất này. Sự tích Nguyễn Công Trứ tổ chức khẩn hoang huyện Tiền Hải đầu thế kỷ trước, ai ai chẳng biết? Cho đến nay đất vẫn tiếp tục mở về phương mặt trời mọc.

Thái Bình là một vùng đất hoàn toàn là đất châu thổ, với độ cao thấp hơn mực nước biển, ruộng phì nhiêu, sản phẩm của những sự bồi đắp liên tục từ bao thế kỷ của các con sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa tạo thành; trải ra bằng phẳng, vô biên đến tận đại dương. Với điều kiện thuận lợi bốn bề sông nước bao quanh, đồng đất phì nhiêu, cây cối tốt tươi, kênh rạch chằng chịt; như một hòn đảo nổi lên ở sát bờ biển Đông; Thái Bình quả là một vùng đất lý tưởng cho các cuộc di dân từ khắp mọi miền trong xứ Giao Chỉ xưa tìm tới nơi đây sinh sống. Đó là những người dân vùng núi, vùng trung du, vùng ven biển, vùng đồng bằng…đã đến mảnh đất này sinh cơ lập nghiệp.

Qua các cuộc khai quật khảo cổ học, với việc tìm thấy trống đồng Đông Sơn Hê gen I ở làng Còng xã Hồng Minh, Hưng Hà và hàng trăm ngôi mộ người Việt cổ, người Hán cổ ở các địa phương trong tỉnh đã cho thấy ngay từ thời Hùng Vương vùng đất này đã có cư dân Việt Cổ sinh sống. Qua nhiều nguồn tư liệu cho thấy ở những vùng đất cổ: Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Tiên Hưng, Thái Thụy, Vũ Thư, Kiến Xương… đã có những cư dân đầu tiên sinh sống vào khoảng thời đại đồ đồng, đồ sắt. Đó là những cư dân từ vùng núi, vùng trung du, men theo sông Hồng, sông Luộc tới vùng đất này để định cư. Qua các nguồn Gia phả của các dòng họ trong tỉnh, được biết càng về những thế kỷ sau thì càng có nhiều luồng di cư của cư dân từ vùng thượng du, trung du phía Bắc, từ Thanh Nghệ Tĩnh, từ Hà Bắc, Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên tìm về đây lập làng, lập ấp, dựng nhà, dựng cửa sinh sống. Đặc biệt từ thế kỷ thứ 14 - 15 - 16 - 17 … trở về sau thì sự hỗn dung của các luồng cư dân “tứ chiếng” trong các làng, xã, thôn, ấp ở Thái Bình càng nhiều. Nhất là trong thời kỳ chiến tranh giữa nhà Mạc - Trịnh, Lê! Trịnh - Nguyễn phân tranh thì việc dân cư ở các nơi tìm tới sinh sống trên vùng đất bốn bề sông nước, cây cối um tùm rậm rạp trong vùng đất Thái Bình ngày càng nhiều. Phải nói rằng, cư dân ở Thái Bình đủ các thành phần, sắc tộc, dân tộc… đến nay họ đã được Thái Bình hóa. Nói vậy không ngoa bởi những người dân đang sống tại đất Thái Bình có những người thuộc dòng người Việt Mường di cư tới, người Chiêm Thành được đưa về sống ở vùng đất này sau các cuộc chiến tranh thời Lý, Trần, Lê… Các quan lại, sĩ phu thất thế tìm nơi ẩn dật, các dòng họ có người thân hoặc bản thân phạm tội với triều đình cũng tìm về đây mai danh ẩn tích; những dân chài ven biển miền trung du cũng tới vùng đất này làm nghề sông nước để sinh sống. Trong 1000 năm Bắc thuộc cũng xuất hiện nhiều người Hán tới nơi đây cư trú, sau hàng trăm năm họ đã bị Việt hóa và trở thành những cư dân của vùng đất Thái Bình xưa. Bắt đầu từ một nhóm người của một vài dòng họ từ nơi khác di cư đến và phát triển dần thành hương, thành làng, thôn ấp, phường hội. Để ghi nhớ khởi tích đó, nhiều nơi đặt tên làng từ tên dòng họ rồi thêm chữ xá vào. Ví như: Lưu Xá, Bùi Xá, Ngô Xá, Trần Xá, Nguyễn Xá, Mai Xá,…người xưa còn gọi làng bằng tên Nôm cho dễ nhớ như làng Lạng, Văn, Mễ, Búng, Vế, Riệc, Chiêm, Bùi, Mụa, Ruốm, Tò, Tè… Có những dòng họ khi di cư về vùng đất mới, họ mang theo tên gọi của làng quê cũ về quê mới hoặc đặt tên làng theo tộc người ví như: làng Chiêm - tương truyền là những cư dân đầu tiên sống ở làng này; họ là những tù binh người Chiêm Thành được đưa về đây từ thời Trần. Hay làng Phương Man - có thể hiểu là người Man phương Nam (xưa các vua Đại Việt thường gọi các nước nhỏ hơn, yếu hơn mình là Man Di)…

Thái Bình là địa danh mới được thành lập (21/3/1890 - 21/3/2015) - 125 năm, nhưng như đã trình bày sơ lược ở trên, hơn 2000 năm trước vùng đất này đã có người sinh sống, càng về sau dân số càng tăng lên do các đợt di cư ở nhiều vùng miền trong nước tìm tới khai phá, tạo dựng cuộc sống. Những cư dân ở nhiều vùng đất khác nhau, tới vùng đất mới với nhiều thời gian khác nhau, nhiều địa điểm khác nhau; họ đã mang theo các đặc điểm văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, nghề nghiệp… của nơi quê cũ tới nơi sinh sống mới; cũng chính vì thế mà họ đã tạo ra một tính cách riêng, một nét văn hóa riêng trong các thế hệ sau này của người Thái Bình.

Một vấn đề không thể không nói tới đó là về tình trạng giao thông ở Thái Bình trước đây. Đây là vùng đất khẩn hoang, làng xã mọc theo bước chân của người dân di cư khai phá, đường giao thông mọc theo sau nhưng nông nghiệp tự cấp tự cung, cần gì đến nhu cầu vận tải để làm đường lớn? Mà mấy khi người dân ra khỏi làng trừ những lúc có việc quan. Nền kinh tế xưa của Thái Bình thời phong kiến có lẽ được khắc họa rất sinh động tại một công trình kiến trúc của một phú hào làng Liềm xưa. Đó là tượng “tứ dân”: Sĩ - Nông - Công - Thương . Biểu tượng “Công” là một anh thợ mộc ngồi đục gỗ, biểu tượng “Thương” là một người quẩy đôi bồ… suy ra đủ bộ mặt công thương nghiệp xưa của đất Thái Bình là cò con, tủn mủn như thế nào; sao có được quang cảnh giao thương sầm uất để giao thông phát triển cả thủy lẫn bộ như các tỉnh bạn. Ngoài ra vùng đất này trước đây không phải là địa bàn trọng yếu về chính trị, quân sự. Cách đây 125 năm, nó chưa có vị trí địa lý là một đơn vị hành chính độc lập, cấp Trấn hoặc Đạo như Nam Định, Hưng Yên… không có hải cảng vì cả hai con sông lớn đều tấp phù sa cửa biển. Không có trục giao thông huyết mạch quốc gia, sông nước tứ bề ngăn trở. Nguyên nhân quan trọng hơn là vùng đất này không phải là miền đất phát đạt về kinh tế, hàng hóa, không có những tụ điểm buôn bán lớn như Vị Hoàng (Nam Định), Phố Hiến (Hưng Yên). ở đâu có thương nghiệp, ở đó sẽ tỏa đi, dồn lại các tuyến đường giao thông thủy bộ. Các tụ điểm hành chính thuở trước, quy mô khó cho phép thương nghiệp mở mang. Lê Quý Đôn chép trong “Kiến văn tiểu lục” về quy cách nhà công sở cấp phủ như sau: “Tri phủ, tri huyện: công đường ba gian hai chái lợp tranh, cứ 4 năm, một lần lợp lại. Nghi môn: 1 gian; Ngục đình: 3 gian hai chái, bốn chung quanh dậu tre, không có tường bao” .

Xét thư tịch cổ đường quan lộ Thái Bình chỉ có 3 tuyến, lấy Trạm Chay làm trung tâm: từ Trạm Chay đi Hậu Bống (Hải Dương): 22 dặm, từ Trạm Chay đi Đại Xuyên (Hà Nam): 16 dặm, từ Trạm Chay đi Vị Hoàng (Nam Định): 33 dặm.

Thật dễ hiểu vì sao trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ thứ 13, các vua Trần đã tạm lánh về Thái Bình để tránh vó ngựa kỵ binh Mông Cổ. Trong cuộc Cần vương kháng Pháp cuối thế kỷ 19, nghĩa quân Đồng Bằng thường lui về đây tránh giặc Pháp truy quét và được nhân dân Thái Bình bảo vệ, che chở, giúp sức. Thái Bình xưa cũng là địa bàn thuận lợi cho nhiều gia tộc xứ Thanh, xứ Đoài…tránh nạn phong kiến phân tranh thời Mạc - Trịnh, Trịnh - Nguyễn…

Để tiện bình định phong trào Cần Vương Đồng Bằng, đồng thời cũng không tin tưởng vào hệ thống quan phủ, quan huyện...người bản xứ chính vì thế, năm 1890, giặc Pháp đặt Thái Bình thành một tỉnh độc lập. Chúng gấp rút xây dựng một mạng lưới giao thông đường bộ nối Thái Bình với Ninh Bình qua Nam Định, Thái Bình với Quảng Ninh qua Hải Phòng. Đường 39 cắt dọc tỉnh từ Diêm Điền, Tiền Hải qua 7 huyện cũ; vượt phà Triều Dương sang Hưng Yên rồi gặp quốc lộ 5 ở Phố Nối. Đó là hai trục chiến lược như một dấu nhân khổng lồ hợp điểm tại thị xã, cắt Thái Bình làm bốn phần, nối Thái Bình với bên ngoài. Ngoài ra còn có các tuyến đường liên huyện dải đá mang số 216, 217, 218, 223 tỏa đi đủ 13 huyện cũ. Tuy vậy, Thái Bình trước đây vẫn tắc đường cầu vượt 3 sông lớn ngăn với tỉnh ngoài.

Nhìn chung giao thông Thái Bình trước đây kém phát triển, kéo theo nền sản xuất tiểu nông lạc hậu, nông nghiệp, cây trồng kém phát triển,… mang nặng tính tự cung, tự cấp; đời sống sinh hoạt trong nông thôn phụ thuộc vào các dòng họ, tông phái, phe giáp và các hủ tục tập tục lạc hậu lại còn bị bọn chánh phó lý cường hào kìm kẹp, bóc lột, đè nén. Giao thông đi lại bế tắc càng làm sâu sắc thêm hiện tượng bảo thủ lạc hậu (do ít va chạm với bên ngoài mà chỉ ẩn mình trong các lũy tre) của các cư dân Thái Bình.

Trên đây là những nét lớn về hoàn cảnh tự nhiên lịch sử của vùng đất Thái Bình. Nói tổng quát, đó là một tự nhiên mà bất cứ mặt nào cũng tồn tại song song thuận lợi và bất lợi cho con người. Tính không thuần nhất từ khí hậu, thủy văn đến thổ nhưỡng là sự thử thách gay gắt đối với cuộc sinh tồn. Mặt khác, mặt đất bằng phẳng phiu, chất đất màu mỡ… lại cuốn hút các luồng di dân đến làm ăn. (Cảnh quan Thái Bình trước đây nói chung đơn điệu, không có kì sơn tú thủy kích thích trí tưởng tượng, thu hút du khách).

Một tự nhiên như thế, không thể không ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách con người. Thái Bình hầu hết là nông dân bám đất, bám trời mà sống. Tâm hồn Thái Bình đôn hậu, thuần phác, cởi mở như đồng lúa phơi giữa đất trời; tình làng nghĩa xóm đậm đà; ý thức cộng đồng sâu nặng. Tinh thần Thái Bình rất trội về nét dẻo dai, bền bỉ, dũng cảm, thông minh, sáng tạo, dễ dàng hòa nhập với cuộc sống trong bất cứ môi trường sống nào, ở bất cứ địa phương nào mà họ gặp phải! Người Thái bình luôn quật cường, sẵn sàng đứng lên chống lại bất cứ thế lực nào đè nén, áp bức,bóc lột tới tận xương tủy họ, nhưng cũng rất nhanh nhậy trong ứng đối với các thề lực thống trị. Tính hào phóng, ưa tự do, nhạy cảm với thời cuộc, gan dạ dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì độc lập dân tộc, đấu tranh chống bọn xâm lược và mọi cường quyền áp bức ...là một trong những điểm nổi bật của tính cách người nông dân quê lúa. Nhưng cũng có những hạn chế đó là: Thích tranh luận, hay kiện cáo, bảo thủ, tư hữu, cò con như nền nông nghiệp manh mún lấy kinh nghiệm làm kim chỉ nam và đôi khi còn nảy sinh tư tưởng níu kéo nhau" cùng tiến".,.

Một tự nhiên như thế, khiến con người phải tằn tiện chắt bóp, chịu thương chịu khó, không thể thoải mái vui chơi hội hè như các miền nội địa, không thể dồn công của cho những công trình kiến trúc quy mô đồ sộ, không dễ gì hào hoa phong nhã thanh thoát, bay bổng.

Chúng ta có thể thấy rõ tác động như vậy của môi trường tự nhiên đối với con người Thái Bình qua các hào quang từ nền nghệ thuật ngôn ngữ, văn hóa, văn học dân gian…

Hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp chúng đã bòn rút đến xương tủy của người nông dân, nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục vạn người dân Thái Bình… không chỉ có vậy những nét tiêu cực trong quá khứ được xã hội thuộc địa làm cho sắc nhọn thêm, như tệ chè chén, tâm lý hiếu danh “Miếng giữa làng bằng sàng góc bếp”. Thói ưa kiện cáo đã thành phương ngôn “Thứ nhất Thư Trì, thứ nhì Vụ Bản”. Nhiều địa phương tồn tại dai dẳng một nét xấu nổi tiếng: “Vật giao Tịnh Xuyên hữu. Vật thú Thượng Tầm khê. Vật thính Ô Trình ngôn. Vật ẩm Đông Động tửu” ; “Ăn Tiền Hải, cãi Kiến Xương”. Tập quán thích con đàn cháu đống khá nặng, làm gay gắt thêm bài toán dân số ở cái tỉnh vốn đã ít ruộng đất. Đầu thế kỷ, mật độ dân số 460 người/km2; năm 1928: 543 người/km2; mười năm sau: 800 người/km2.

Đ-Đ-H

(CÒN TIẾP)

Nhà nghiên cứu Đặng Đình Hùng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/su-giao-thoa-cac-tap-tuc-nganh-nghe-van-hoa-vung-mien-trong-doi-song-cu-dan-thai-binh-75335