'Sự giản dị là tột cùng của sự sâu sắc và vĩ đại!'

Trên 50 năm nghiên cứu và kể chuyện về Bác, GS.TS Hoàng Chí Bảo tâm sự, học đạo đức của Bác không phải nói điều cao xa mà thực hành từ đức tính giản dị nhất.

Sự giản dị, tinh tế chỉ có được bởi trí tuệ và tâm hồn vĩ đại mênh mông của Bác. Càng tiếp cận, nghiên cứu về Bác, ông càng thấm thía về điều này. Sự giản dị là tột cùng của sự sâu sắc và vĩ đại - đó cũng là bản lĩnh Hồ Chí Minh.

“Không ai chống nổi ông vì niềm tin mãnh liệt”

Từ lúc thiếu niên cho đến khi về với cõi người hiền, Bác Hồ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, người dân làm nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một người yêu nước đã trở thành người cộng sản. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Bác đã đi đến nhiều nơi ở các châu lục trên thế giới, làm nhiều nghề lao động khác nhau vừa để kiếm sống, vừa hoạt động. Với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, Bác luôn có hoài bão Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, Người chỉ có một ham muốn, “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Năm 1946, phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội tiễn Người đi thăm nước Pháp tổ chức ở Việt Nam học xá, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào trốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó. Bất kì ở đâu, bất kì lúc nào, tôi cũng chỉ có một tâm nguyện: làm cho ích quốc, lợi dân”... Trong giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành năm 2014) đánh giá: “Cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh là một chuỗi những năm tháng vô cùng gian khổ. Hai lần ngồi tù, một lần bị tuyên án tử hình, có giai đoạn hoạt động sôi nổi, được đánh giá rất cao, có giai đoạn bị hiểu lầm, nghi kị, không được giao nhiệm vụ… Song nhờ ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, kiên cường, chủ động vượt qua thử thách, gian nguy, kiên trì mục đích sống, bảo vệ chân lí, giữ vững quan điểm cách mạng của mình”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu)

Trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ - Tổng hợp 20 mẩu chuyện hay và ý nghĩa nhất về Bác (Nguồn: Internet), bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng: Khi làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều. Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hòa bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt, bà nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá.

Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà:

- Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.

Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền bảo bà:

- Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa…

Vậy đó, vị Cha già dân tộc trong lúc đất nước còn lâm nguy, thiếu đói, nhất định tiết kiệm từng hạt gạo, manh gối… GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ: Sinh thời, Bác là một người tiết kiệm đến mức khắc khổ để nêu gương. Cuộc sống thường ngày của Bác, từ bữa ăn, quần áo mặc đến đôi dép cao su, bây giờ đã trở thành huyền thoại. Chính vì những phẩm chất cao quý đó mà Bác có bản lĩnh đứng ngoài vòng danh lợi. Cả đời không màng danh lợi, chỉ vì dân, vì nước.

Thậm chí, khi đến đâu Người cũng thường không ăn, ngủ lại ở nhà khách và từ chối mọi cuộc chiêu đãi dù to hay nhỏ vì theo Người: “Đi công tác thì cốt công việc, nên tránh phiền hà cho địa phương và lãng phí tiền của của nhân dân”.

Do đó, nếu đi trong ngày thì Bác nhắc bộ phận giúp việc chuẩn bị cơm và thức ăn mang theo. Nếu đi từ 2 ngày trở lên thì chuẩn bị gạo, thức ăn và có người đi để nấu. Cơm và thức ăn mang theo cũng rất đơn giản, thậm chí có khi là cơm nắm hoặc xôi với một hoặc hai món mặn hợp với khẩu vị của Bác…

Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Ấn Độ Nê-Ru từng nhận xét: “Xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Người cũng là nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khơ-rút-xốp, trong hồi kí của mình đã coi Hồ Chí Minh là “Vị thánh cách mạng, vị thánh của Chủ nghĩa cộng sản”. Ông giải thích: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Không ai có thể chống lại nổi ông vì niềm tin của ông mãnh liệt, tin ở nhân dân mình và tất cả các dân tộc cũng như ở sự nghiệp cao cả”.

“Chân thành và thành thực là cách tốt nhất để đến với nhau”

Với vai trò người kể chuyện Bác Hồ, GS.TS Hoàng Chí Bảo dường như đã trở thành một pho sử sống về Bác. Học Bác, GS. Hoàng Chí Bảo thấm nhuần về đạo đức cách mạng, về lòng trung thực. Và với người làm nghiên cứu như ông, lòng trung thực luôn là phẩm chất hàng đầu trong việc đi tìm chân lý. Cùng với đó, là đức hy sinh cao cả, cao thượng của Bác.

Với ông, học Bác bao nhiêu cũng không đủ, đó là khả năng kiềm chế khi nóng giận, có phê bình cũng không xúc phạm ai. Cả đời Bác thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác coi đó là 5 đức để làm người. Thiếu một đức không thành người. Đạo đức của Bác là lời nói luôn đi đôi với việc làm.

Học Bác, trước tiên là chân thành. Bác nói: “Chân thành, thành thực là cách tốt nhất để đến với nhau”. Lời nói phải tự trái tim của mình thì mới truyền được đến trái tim của người khác. Và chỉ có sự chân thành mới tiếp nhận được cảm xúc của người khác. Chính vì sự chân thành, thành thực Bác mới có thể cởi mở khi tiếp xúc với mọi lớp người. Cách ứng xử này vừa thể hiện đạo đức, lại cho thấy cả phong cách của Bác.

Dù ở cương vị nào, làm việc gì ở Bác cũng toát lên đức khiêm tốn đến vĩ đại. Cả cuộc đời Bác dâng hiến cho dân, cho nước mà đến lúc tặng huân chương cho Bác, Bác từ chối. Bác nói, Bác chưa xứng đáng để nhận huân chương. Bác là Chủ tịch nước nhưng gửi thư cho nhân dân, cho đồng bào, nhất là cụ Phùng Lục ở Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội) mà Bác xưng “cháu”. Nguyên thủ Quốc gia, lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, thương dân, yêu dân như vậy, viết thư chúc thọ cụ già 90 tuổi mà Bác có thể khiêm tốn xưng là “cháu” thì chúng ta mới càng có thể hiểu vì sao mà Bác dạy chúng ta phải kính trọng, lễ phép với nhân dân.

Trong tác phẩm Đời sống mới năm 1947, Bác đã viết: “Mình hơn người chớ có kiêu căng, người hơn mình chớ có nịnh hót. Thấy của người chớ có tham lam”… Lời của Bác đã tự nhiên như kinh Phật.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, khi ông làm cuốn sách Phương pháp Hồ Chí Minh, cuốn sách ông tâm đắc nhất là phương pháp ở tầm tư tưởng, lý luận, thể hiện sự nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn trong các lĩnh vực hoạt động của Người. “Phương pháp Hồ Chí Minh không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật. Ở đó, trí tuệ đi liền với đạo đức, thuyết phục, cảm hóa con người bằng sự chân thành và giản dị, bằng tình cảm đầy lòng nhân ái, vị tha, thấm đượm sâu sắc chất nhân văn của tính người và tình người. Thực tế, khi ứng xử với tất cả mọi người, từ những người nông dân đang lao động trên đồng ruộng cho đến người thương binh, bệnh binh đang nằm trên giường bệnh, từ bạn bè, đồng chí, anh em cho đến các cháu thiếu niên, nhi đồng hay với những người “đối lập” với mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng thể hiện thái độ tự nhiên, chân tình, cởi mở, vừa chủ động, linh hoạt cũng vừa ân cần, gần gũi làm cho bất kỳ ai dù chỉ được gặp Người một lần cũng cảm nhận rõ không khí ấm cúng, tình cảm, chan hòa mà gần gũi.

Lý giải về tên Bác, GS Hoàng Chí Bảo cho biết: Ngay từ tên Bác lấy trong những năm đầu ra đi tìm đường cứu nước - Nguyễn Ái Quốc và những năm cuối đời Bác lấy tên Nguyễn Ái Dân đã là một mạch liền xuyên suốt con đường Cách mạng của Bác. “Ái Quốc - Ái Dân”, “Phục vụ nhân dân là phục tùng một chân lý cao nhất”, “Cái gì đúng cho dân, tốt cho dân cái đó là chân lý”! Cho nên với tôi, mà đâu chỉ riêng tôi, muốn học Bác, noi gương Bác thì phải thấu hiểu, thấu cảm. Đó là tri thức, là tình yêu, là tâm hồn cho ta lớn khôn…

“Không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh”

Năm 1987, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỉ niệm Người trên toàn thế giới vào năm 1990, nhân kỉ niệm 100 năm Ngày sinh của Người. “Không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Không ai có thể chống lại nổi ông vì niềm tin của ông mãnh liệt, tin ở nhân dân mình và tất cả các dân tộc cũng như ở sự nghiệp cao cả”… là nhận xét trong hồi ký của nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khơ-rút-xốp, ông đã coi Hồ Chí Minh là “Vị thánh cách mạng, vị thánh của Chủ nghĩa cộng sản”…

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/su-gian-di-la-tot-cung-cua-su-sau-sac-va-vi-dai-590989.html