Sự gia tăng dân số châu Á - Thực trạng và giải pháp

Theo số liệu thống kê dân số mới nhất của Liên hợp quốc, hiện nay dân số châu Á vào khoảng 4,5 tỷ người, chiếm gần 60% dân số thế giới. Đặc biệt, hai quốc gia châu Á là Trung Quốc (1,4 tỷ người) và Ấn Độ (1,3 tỷ người) là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, tương đương với 19% và 18% dân số thế giới. Nhìn chung, với dân số dân đông, tỷ lệ già hóa nhanh, châu Á đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về tăng trưởng kinh tế, thiếu lao động, khó khăn trong công tác phúc lợi xã hội…

Hình ảnh những đoàn tàu chật kín người cả trong lẫn ngoài khá phổ biến ở Ấn Độ (Ảnh: Business Insider)

Hình ảnh những đoàn tàu chật kín người cả trong lẫn ngoài khá phổ biến ở Ấn Độ (Ảnh: Business Insider)

Tốc độ tăng trưởng dân số của khu vực châu Á luôn ở mức cao, con số này tăng lên gấp 4 lần trong vòng 1 thế kỷ qua. Tăng trưởng dân số trong tương lai phụ thuộc nhiều vào khả năng sinh sản. Mức sinh toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ 2,5 trẻ/phụ nữ trong gian đoạn 2010-2015 xuống còn 2,4 trẻ/phụ nữ vào giai đoạn 2025-2030 và còn 2,0 trẻ/phụ nữ vào giai đoạn 2095-2100. Tuy nhiên, đối với các nước có mức sinh cao thì không có sự chắc chắn trong việc dự báo mức sinh. Ở những nước này, người phụ nữ có trung bình 5 con trở lên trong suốt cuộc đời của họ. Trong số 21 quốc gia có khả năng sinh sản cao, có 19 quốc gia thuộc khu vực châu Phi và 2 quốc gia ở châu Á.

Mặc dù, châu Á có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng sinh học, nhưng sự gia tăng dân số nhanh dẫn đến sự thiếu hụt nguồn lực, đồng thời phá hủy những nguồn tài nguyên hiện có. Theo dự báo, dân số châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong một thời gian dài, điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên các nguồn lực. Dựa trên các ước tính hiện tại, đến năm 2050, dân số sẽ tăng ở hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á, ngoại trừ ở Nhật Bản và Kazakhstan. Một số quốc gia bao gồm Afghanistan, Nepal và Pakistan sẽ tăng gấp đôi về dân số trong thời gian này, trong khi Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia và các quốc gia khác có tỷ lệ tăng trưởng cao đặc biệt. Tuy nhiên, nhiều quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng dân số thuộc nhóm cao lại là những quốc gia có thu nhập thuộc nhóm thấp, các nước này ít có khả năng xử lý được những áp lực về tài nguyên và các nguồn lực.

Người Trung Quốc chen chúc trong một hồ bơi (Ảnh: Business Insider).

Nam Á là khu vực đông dân nhất châu Á, với các quốc gia đông dân điển hình như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Không có khu vực nào trên thế giới có những vấn đề về dân số nghiêm trọng như những nước ở khu vực này. Sự sụt giảm mức sinh ở Sri Lanka, Pakistan và Ấn Độ gần đây chỉ mang lại sự cải thiện không đáng kể, vì số dân hiện tại của các quốc gia này vẫn tiếp tục gia tăng. Áp lực về dân số bắt đầu hiện hữu ở khu vực Nam Á từ những thập niên sau cai trị của đế quốc Anh. Khu vực này cần có những biện pháp để cải thiện chất lượng y tế công cộng, nâng cao năng suất nông nghiệp, xây dựng luật pháp và trật tự xã hội, giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của nạn đói, giảm tỷ lệ tử vong và đồng thời tăng tuổi thọ.

Cấu trúc nhân khẩu học của các quốc gia Nam Á được mô tả bằng hình ảnh kim tự tháp tuổi và giới tính của Ấn Độ, trong đó nhóm tuổi trẻ là lớn nhất. Gần 40% dân số khu vực này dưới 15 tuổi (đối với các quốc gia Nepal và Bangladesh, con số này lần lượt là 42% và 45%). Cấu trúc tuổi này gây áp lực lên việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, thực phẩm, bệnh viện và nhà ở cho thanh thiếu niên, tiêu tốn một phần lớn ngân sách quốc gia. Việc xem xét các kim tự tháp dân số đặc biệt hữu ích trong việc đánh giá các xu hướng trong tương lai.

Khi dân số trẻ chuyển sang khung tuổi trưởng thành (có nghĩa là di chuyển vào nhóm tuổi lao động), các chương trình phúc lợi xã hội sẽ còn đối mặt với nhiều áp lực hơn. Các vấn đề như thất nghiệp, thiếu lương thực, mù chữ và điều kiện sống thấp tại các quốc gia này sẽ còn trầm trọng hơn. Tình trạng hiện nay đã rất nghiêm trọng, tuy nhiên, dự báo trong tương lai thậm chí còn tồi tệ hơn.

Dân số đông đi kèm với tình trạng nghèo đói (Ảnh: Reuters).

Nhìn chung, phần đông số dân trong độ tuổi lao động ở châu Á làm việc trong điều kiện khan hiếm nguồn lực, công nghệ lạc hậu và môi trường không an toàn. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng lao động kém hiệu quả. Ví dụ, trên một trang trại điển hình hoặc một văn phòng nhà nước, có đến 5 hay nhiều lao động sẵn sàng làm công việc mà chỉ 2 người có thể thực hiện dễ dàng. Trong các nhà máy, nhiều hoạt động được xử lý thủ công bởi nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, hàng triệu người vẫn thất nghiệp.

Một khía cạnh quan trọng liên quan đến vấn đề dân số đó là sự thiếu hụt thực phẩm. Nhiều quốc gia ở châu Á trong giai đoạn hậu độc lập đã phải trải qua tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Ấn Độ đã phải nhập khẩu từ 10-15 triệu tấn ngũ cốc hàng năm trong giai đoạn thiếu hụt lớn nhất vào những năm 1960. Hầu hết các quốc gia khác đã phải nhập một lượng lương thực nhỏ hơn.

Tại Indonesia, các chuyên gia nhân khẩu học đã cảnh báo về thời kỳ bùng nổ dân số sắp diễn ra. Nếu sự gia tăng dân số tiếp tục với nhịp độ cao thì Indonesia sẽ phải đối mặt với những vấn đề tồi tệ như tình trạng thiếu nhà ở, nước và lương thực, sự tàn phá thiên nhiên. Trong nhiều năm gần đây, quốc gia này đã phải nhập khẩu thực phẩm cơ bản bởi không đủ ruộng đất trồng lương thực.

Một vấn đề về dân số khác mà các quốc gia châu Á đặc biệt là khu vực Đông Nam Á đang phải đối diện, đó là tình trạng đô thị hóa nhanh. Trong thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa ở nhiều khu vực không thực sự mang lại cho người dân ở đó mức sống tốt hơn. Thậm chí, còn có lo ngại rằng, khu vực Đông Nam Á có thể sẽ bước vào thời kỳ mà đô thị hóa không song hành với tăng trưởng.

Đô thị hóa và tắc đường ở Việt Nam (Ảnh: BizLive).

Dự báo đến năm 2030, dân số đô thị ở khu vực này sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu người, đạt mốc 373 triệu. Các đô thị lớn ở Đông Nam Á có thể kể đến như Phnom Penh (Campuchia), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan), TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Singapore (quốc đảo Singapore). Trong đó, Singapore dẫn đầu về tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế trong khu vực, đến mức quốc gia này được xếp vào cùng nhóm với các nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Australia. Malaysia xếp sau với tốc độ đô thị hóa đạt 75%, tương đương với Hàn Quốc. Indonesia và Thái Lan cùng có tốc độ đô thị hóa là hơn 50%, trong khi Philippines đạt mức 45%.

Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam mới đạt mức 33,6% trong khi Campuchia chỉ là 20,7%. Những con số này của Việt Nam và Campuchia là khá tương đồng với tốc độ phát triển kinh tế của hai quốc gia. Trong khi một số khu vực tại Đông Nam Á đã được đô thị hóa và phát triển nhanh thì một số khu vực khác vẫn còn chưa theo kịp sự chuyển dịch này. Tại Việt Nam, không khó để nhận ra quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến hàng loạt những vấn đề như ô nhiễm môi trường nước, không khí, giao thông quá tải, thiếu các cơ sở công cộng quan trọng như bệnh viện, trường học…

Dưới những áp lưc do tăng trưởng dân số, các quốc gia châu Á cần có những giải pháp cho các vấn đề nhân khẩu học. Các nước châu Á cũng cần mở rộng phạm vi và lợi ích của các hệ thống bảo trợ xã hội, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ hưu trí công. Đây là vấn đề cần được tập trung khắc phục, nhất là đối với các quốc gia có mức độ quản lý, đóng góp và lợi ích phân chia lương hưu không phù hợp, thỏa đáng cho tầng lớp người già, người nghèo như ở Trung Quốc và Thái Lan.

Cải thiện năng suất lao động là điều kiện tiên quyết, tối quan trọng cần được chính phủ các quốc gia khẩn trương đề ra phương án thực hiện. Theo đó, các quốc gia châu Á có thể đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thông qua cải cách công nghệ và thực hiện chính sách đã được các nền kinh tế phát triển sử dụng, đơn cử là việc tận dụng tối đa sự phát triển và hỗ trợ của máy móc, robot...

Thêm vào đó, các kế hoạch nhằm tăng năng suất lao động cũng được xem là phương pháp tốt để tích lũy được nhiều lợi ích khác nhau. Nhờ đối sách này, các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ... có thể nâng cao năng suất lao động của người dân, để bù đắp và tiếp tục phát triển ổn định trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm.

Hồng Nhung

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/su-gia-tang-dan-so-chau-a-thuc-trang-va-giai-phap-18406.html