Sự gia tăng bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt ở Pháp và Italy chậm lại

Tối 4-4, Bộ Y tế Pháp cho biết sự gia tăng của bệnh nhân nặng cần chăm sóc đặc biệt so với mấy ngày trước có chiều hướng giảm dần và đây là một tin vui cho các nhân viên y tế. Ở Italy cũng vậy, số nhiễm mới được xác nhận ít hơn và số bệnh nhân nặng giảm lần đầu tiên từ 4.068 xuống còn 3.994.

Vẫn còn nhiều người ở Pháp không đeo khẩu trang khi đi mua đồ thiết yếu.

Vẫn còn nhiều người ở Pháp không đeo khẩu trang khi đi mua đồ thiết yếu.

NDĐT- Tối 4-4, Bộ Y tế Pháp cho biết sự gia tăng của bệnh nhân nặng cần chăm sóc đặc biệt so với mấy ngày trước có chiều hướng giảm dần và đây là một tin vui cho các nhân viên y tế. Ở Italy cũng vậy, số nhiễm mới được xác nhận ít hơn và số bệnh nhân nặng giảm lần đầu tiên từ 4.068 xuống còn 3.994.

Theo Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon, tổng số ca tử vong ở Pháp tính tới tối 4-4 là 7.560 trong đó có 5.532 trường hợp ở bệnh viện, tăng 441 ca so với ngày 3-4 và ít nhất 2.028 ca ở các nhà dưỡng lão, tăng 612 ca sau khi có thêm thông tin xác nhận từ các cơ sơ chăm sóc người có tuổi. Hiện ở Pháp có 28.143 người nhiễm đang được điều trị trong bệnh viện, tăng 711 trường hợp sau 24 giờ.

Ông Jérôme Salomon cho biết, chưa bao giờ các bệnh viện ở Pháp có nhiều bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt như hiện nay, lên tới 6.838 trường hợp. Tuy nhiên, có sự gia tăng chậm so với mấy ngày trước và đó là "tin vui" cho tất cả y, bác sĩ ở các khoa cấp cứu. Hiện Pháp là nước có người cần chăm sóc đặc biệt cao nhất châu Âu và thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ.

Ghi nhận ở vùng thủ đô Ile-de-France, hiện là điểm nóng nhất ở Pháp, cũng cho thấy số bệnh nhận cần chăm sóc đặc biệt cũng giảm từ 10% trong mấy ngày trước xuống còn 3% vào ngày 4-4. Mặc dù có chiều hướng tích cực như vậy, một yếu tố để đánh giá đà lây lan của virus corona, ông Jérôme Salomon đã đưa ra đánh giá rất thận trọng rằng số người nhiễm mới được xác nhận sau mỗi ngày vẫn tăng sau hơn hai tuần có lệnh hạn chế di chuyển. Vì vậy, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan vẫn phải được duy trì để tránh những nguy cơ đáng tiếc xảy ra.

Ngày 4-4, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết nước này đã mua gần hai tỷ khẩu trang và chịu sự "cạnh tranh" rất lớn do nhu cầu tăng đột biến trên thế giới. Vì vậy, Chính phủ Pháp đang nỗ lực để tăng cường sản xuất trong nước. Trong khi tình trạng thiếu hụt khẩu trang y tế vẫn chưa được giải quyết, các chuyên gia y tế Pháp liên tục khuyến nghị việc áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang, có thể là loại bình thường, đối với những người ra khỏi nhà.

Các nhân viên y tế ngày càng lo ngại về tình trạng lây lan ở các cơ sở chăm sóc người có tuổi do không có đủ điều kiện y tế cũng như nhân lực. Số liệu do Bộ Y tế Pháp bắt đầu công bố từ ngày 3-4 mới chỉ tập hợp từ hơn một nửa của tổng số 10 nghìn cơ sở trên khắp nước Pháp.

Số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt ở Pháp giảm liên tục trong mấy ngày qua, từ 452 ca ngày 31-3 xuống còn 174 trong ngày 4-4. Nguồn: Bộ Y tế Pháp.

* Số người tử vong ở Italy đã vượt quá 15 nghìn, tuy nhiên các cơ quan y tế của nước này cho biết số bệnh nhận cần chăm sóc đặc biệt đã giảm lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Ngày 4-4, ông Angelo Borrelli, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, cho biết có 74 người đã đỡ nguy kịch và được chuyển khỏi phòng hồi sức tích cực trong 24 giờ qua.

Theo ông Angelo Borrelli, đây là diễn biến rất quan trọng đối với các bệnh viện. Lần đầu tiên trong hơn một tháng qua từ khi thiết lập tình trạng khẩn cấp về y tế, số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt giảm xuống. Số nhiễm mới xác nhận hằng ngày trên cả nước cũng giảm khoảng 4%. Dù vậy, các chuyên gia y tế Italy vẫn rất thận trọng, cho rằng đây chưa phải là cơ sở chắn chắn để khẳng định giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh dịch đã qua.

* Ngày 4-4, tờ Le Monde đưa tin rằng Cơ quan Y tế và Dược phẩm quốc gia Pháp đã phê duyệt các thử nghiệm trị liệu liên quan đến một phân tử do Công ty Hemarina chiết suất từ huyết sắc tố trong Arénicole, một loại giun biển sinh sống nhiều trên các bãi biển vùng Bretagne, miền Tây nước Pháp. Những liều HEMO2life đầu tiên của Công ty Hemarina đã được chuyển đến hai bệnh viện Georges-Pompidou và La Pitíe-Salpêtrìere ở Paris.

Theo Công ty dược phẩm sinh học Hemarina, phân tử này có thể cung cấp oxy cho các bệnh nhân mắc Coid-19 bị khó thở nghiêm trọng. 12 bệnh nhân ở Paris sẽ được thử nghiệm lâm sàng. HEMO2life có thể giúp làm chậm các cơn nghẹt thở cho những trường hợp bị bệnh nghiêm trọng. Virus corona tấn công phế nang phổi, ngăn chặn mọi trao đổi hô hấp, do đó độ bão hòa oxy trong máu giảm rất thấp. Vì vậy, sản phẩm từ giun biển có thể can thiệp, bằng cách làm chậm nguy cơ nghẹt thở để có thời gian đưa bệnh nhân tới chỗ chăm sóc đặt biệt.

Theo ông Franck Zal, chuyên gia sinh học biển và là người sáng lập công ty Hemarina, HEMO2life nhỏ hơn 250 lần so với tế bào hồng cầu, phân tử này có khả năng giải phóng oxy nhiều hơn 40 lần so với huyết sắc tố ở người. Hiệu suất của nó sẽ được đánh giá ở những bệnh nhân Covid-19.

Một số nước châu Âu trong đó Pháp và Hà Lan cũng đang thử nghiệm thuốc phòng ngừa bệnh lao BCG (Bacillus Calmette-Guerin). Các kết quả đầu tiên sẽ có trong vòng 3-4 tháng tới. Do Viện Pasteur ở thành phố Lille (Pháp) nghiên cứu và đưa vào sử dụng từ năm 1921, BCG là một loại vắc-xin đã được chứng minh có độ an toàn rất cao với các chống chỉ định được xác định rõ.

* Trong tuần qua, việc lưu thông và sử dụng tiền mặt ở Pháp đã giảm mạnh do hoạt động chi tiêu đình trệ và cả tâm lý e ngại nguy cơ lây nhiễm. Theo Liên minh Tín dụng và Ngân hàng quốc gia Pháp, mức độ rút tiền mặt từ ATM giảm 60%, và lên tới 76% ở Paris. Ngày càng có nhiều điểm bán đồ tiêu dùng thiết yếu từ chối nhận tiền mặt như biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Mức độ thanh toán "không tiếp xúc" bằng thẻ tín dụng tăng lên rất nhiều, kể cả ở hiệu thuốc.

Trong tháng 3, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng xác suất lây nhiễm virus qua tiền giấy là rất thấp và chưa có bằng chứng cụ thể so với các bề mặt khác như tay nắm cửa, công tắc, xe đẩy hàng... Trước đó, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp tẩy trùng đối với tiền mặt.

* Ngày 4-4, Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone - Eurogroup), ông Mario Centeno cho biết "hạn mức tín dụng lên tới 240 tỷ euro sẽ được kích hoạt và mở cửa cho tất cả các quốc gia" thông qua Cơ chế ổn định châu Âu. Tổng số này tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đồng euro và đó cũng là giới hạn cho các khoản vay mà một nước thành viên có thể nhận được căn cứ GDP của nước đó.

Dự kiến các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone sẽ tham gia một cuộc họp vào ngày 7-4 để thống nhất các đề xuất kinh tế chung, nhằm ứng phó và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Trước đó vào ngày 26-3, lãnh đạo của 27 nước thành viên EU đã không thống nhất được các biện pháp cấp bách để vượt qua khủng hoảng bệnh dịch Covid-19.

KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43934902-su-gia-tang-benh-nhan-can-cham-soc-dac-biet-o-phap-va-italy-cham-lai.html