Sử dụng Zalo, Viber kiểm tra hàng thật, giả

Tâm lý 'đánh chuột sợ vỡ bình' chính là nguyên nhân để hàng giả vẫn còn đất sống.

Đây là đánh giá của ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG đưa ra tại Hội thảo "Các giải pháp phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" do Hội chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức ngày 23-11.

Ông Hồng cho rằng trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, để chống hàng giả có hiệu quả, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để chăm sóc khách hàng. Từ đó, kiểm soát các kênh phân phối, truy xuất nguồn gốc, tránh tiếp tay cho hàng giả.

Theo đó, các doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp như sử dụng Tem chống hàng giả công nghệ nước (khi thoa nước lên bề mặt tem, logo hoặc tên doanh nghiệp sẽ hiển thị); tem chống hàng giả công nghệ nhiệt (khi tiếp xúc với nhiệt, logo hoặc tên doanh nghiệp sẽ mất đi hoặc đổi sang màu khác); tem chống hàng giả công nghệ phát sáng (Khi soi đèn cực tím, trên bề mặt tem sẽ phát sáng); tem chống hàng giả công nghệ điện tử kết hợp QR Code giúp khách hàng kiểm tra sản phẩm bằng cách nhắn tin SMS và quét QR Code bằng ứng dụng điện thoại thông minh (Zalo, Viber),…

Phụ tùng ô tô xe máy là một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều. Theo thống kê nội bộ của NGK Việt Nam, có đến 20% sản phẩm của thương hiệu này đang bị làm giả.

Phụ tùng ô tô xe máy là một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều. Theo thống kê nội bộ của NGK Việt Nam, có đến 20% sản phẩm của thương hiệu này đang bị làm giả.

Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Quốc gia (389) đánh giá hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp. Những tồn tại này gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi, có giá trị lớn hơn, có yếu tố xuyên quốc gia và xuất hiện trong tất cả lĩnh vực của đời sống: Dược phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, thiết bị… từ các thương hiệu lớn đến hàng sản xuất trong nước đều bị làm giả một cách trắng trợn, công khai.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả nhưng lại chưa tích cực đấu tranh, ngại phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn hàng giả. Vị này cũng dẫn chứng như Công ty May 10, phát hiện có hàng nhái, hàng giả nhưng không hợp tác để ngăn chặn vì lo sợ nếu bung ra người tiêu dùng sẽ e ngại hàng giả mà quay lưng với sản phẩm chính hãng. Tâm lý "đánh chuột sợ vỡ bình" chính là nguyên nhân để hàng giả vẫn còn đất sống” - vị này chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Ba, các chế tài xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa đủ mạnh và rõ ràng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo nên việc xử lý gặp khó khăn. Điển hình như các vụ việc Thuận Phong, VN Phamar đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm do chưa đánh giá được thế nào là hàng giả hay hàng kém chất lượng.

TRÀ PHƯƠNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/su-dung-zalo-viber-kiem-tra-hang-that-gia-741322.html