Sử dụng và phát triển bền vững nguồn gen Mật nhân làm nguyên liệu sản xuất thuốc

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có chủ trương nghiên cứu bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn gen Mật nhân tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên làm nguyên liệu sản xuất thuốc.

Cây Mật nhân còn gọi là mật nhơn, cây bá bệnh, cây bách bệnh hay cây hậu phác nam, Tongkat ali (Malaysia), Pasak bumi (Indonesia), Tho nan (Lào), Antongsar, antogung sar (Campuchia), và tên tiếng Anh gọi là longjack…. Tên khoa học Eurycoma longifolia Jack. (Crassula pinnata Lour). Thuộc họ Thanh thất Simaroubaceae, chi Eurycoma.

Cây Mật nhân là loại cây mọc hoang trong những cánh rừng thưa vùng Đông Nam Á. Ở nước ta cây mọc ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và miền Đông Nam bộ. Cây cao khoảng 15m, thường mọc dưới tán lá của những cây lớn. Có lông ở nhiều bộ phận. Lá cây dạng kép không cuống gồm từ 13 - 42 lá nhỏ sánh đôi và đối nhau.

Theo Đông y, hoạt chất của cây Mật nhân làm tăng sức khỏe nói chung, chữa chứng ăn không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, kiết lỵ, đau mỏi lưng… Theo kinh nghiệm dân gian, Mật nhân dùng trong trường hợp ăn uống không tiêu, ngoài ra chữa khí hư, say rượu. Quả chín ăn được, chữa lỵ và tiêu chảy. Lá nấu nước trị ghẻ, lở ngứa.

 Cây Nhân mật được coi là một cây thuốc quý được Bộ Khoa học & Công nghệ phát triển và sử dụng bền vững dùng làm thuốc. Ảnh: Chính phủ

Cây Nhân mật được coi là một cây thuốc quý được Bộ Khoa học & Công nghệ phát triển và sử dụng bền vững dùng làm thuốc. Ảnh: Chính phủ

Nghiên cứu gần đây cho thấy cây mật nhân có công hiệu cải thiện chức năng sinh lý và tăng cường sức khỏe tình dục (cụ thể là giúp cơ thể tăng tiết hoóc-môn giới tính nam một cách tự nhiên đó là testosterone, kích thích sự hưng phấn, tăng cường khả năng sinh lý, giúp nam giới đẩy nhanh và duy trì trạng thái cường dương), bổ sung năng lượng cho cơ thể, giúp giảm stress, mệt mỏi, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa khối u và phòng chống lão hóa…Bộ phận được sử dụng làm thuốc chủ yếu là rễ, vỏ và quả cây được sử dụng làm thuốc.

Nhận thấy cây Mật nhân là loài cây chữa được nhiều loại bệnh nên Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ về Quỹ gen cấp Quốc gia thuộc Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn gen Mật nhân (Eurycoma longifolia Jack) tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên làm nguyên liệu sản xuất thuốc”.

Theo đó, định hướng mục tiêu là đánh giá bổ sung được thực trạng phân bố, trữ lượng, giá trị và nhu cầu sử dụng của nguồn gen Mật nhân; xây dựng được vườn giống gốc Mật nhân có xuất xứ từ các cây đầu dòng có chất lượng dược liệu cao (bao gồm hàm lượng quassinoid); xây dựng được quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc cây Mật nhân và thu hoạch, sơ chế, bảo quản dược liệu Mật nhân.

Bộ Khoa học & Công nghệ yêu cầu đối với kết quả gồm: Báo cáo thực trạng phân bố, trữ lượng, giá trị và nhu cầu sử dụng của nguồn gen Mật nhân; quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc cây Mật nhân; quy trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản dược liệu Mật nhân; tiêu chuẩn cơ sở của cây giống Mật nhân; tiêu chuẩn cơ sở của dược liệu Mật nhân (có chỉ tiêu định lượng hàm lượng quassinoid bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao); 03 vườn giống gốc tại 3 tỉnh, mỗi vườn có diện tích tối thiểu 0,5 ha; vườn thí nghiệm phục vụ xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc cây Mật nhân có diện tích tối thiểu 3 ha; 500kg dược liệu Mật nhân đạt tiêu chuẩn cơ sở.

Hồ sơ nhiệm vụ tuyển chọn gửi theo đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Khoa học và Công nghệ (qua Phòng Hành chính thuộc Văn phòng Bộ). Thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ là 17 giờ 00 ngày 27/5/2018.

An Dương

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/phat-trien-nguon-gen-mat-nhan-lam-nguyen-lieu-san-xuat-thuoc-d141368.html