Sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim cần tuân thủ Luật Trẻ em hiện hành

Tại hội thảo 'Lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh' diễn ra sáng 23-8 tại Hà Nội, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam kiến nghị, việc sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc các cảnh quay nhạy cảm, bạo lực, sử dụng các chất kích thích cần tuân thủ tinh thần của Luật Trẻ em hiện hành.

Theo phân tích của NSND Đặng Xuân Hải, tại mục 6 Điều 10 của dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: “Cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc các cảnh quay nhạy cảm về tình dục, bạo lực, sử dụng các chất kích thích. Cần cân nhắc kỹ hai tình huống. Nếu cấm trong khi sáng tác điện ảnh đòi hỏi tính chân thực cao độ, làm sao để câu chuyện trên màn ảnh được khán giả cảm nhận như đời thực. Nếu cấm hoàn toàn trẻ em dưới 16 tuổi tham gia đóng tại các bộ phim có các yếu tố nhạy cảm, bạo lực, sử dụng chất kích thích thì e rằng hơi khó trong thực hiện các cảnh quay”. Vì thế, NSND Đặng Xuân Hải cho rằng, Việc sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc các cảnh quay nhạy cảm, bạo lực, sử dụng các chất kích thích cần tuân thủ tinh thần của Luật Trẻ em hiện hành và đảm bảo yếu tố chân thực của tác phẩm điện ảnh.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - quyền Cục trưởng Điện ảnh, hiện nay, chúng ta chỉ mới duyệt nội dung phim chiếu rạp. Với các sản phẩm trên internet, định nghĩa “thế nào là phim” chưa xác định rõ. Luật Điện ảnh năm 2006 chỉ nêu: “Việc phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật liên quan”. Hiện nay, phát hành phim trên internet là một kênh kinh doanh của DN (tức nhiều tác phẩm sản xuất chỉ nhằm chiếu trên mạng, không ra rạp), do đó cần quy định chi tiết hơn để tăng cường quản lý và hạn chế tác động tiêu cực của loại sản phẩm văn hóa độc hại.

Theo bà Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Luật Điện ảnh sau 10 năm thực hiện đã có nhiều điểm lạc hậu, có đến 2/3 số Điều trong Luật không còn phù hợp hoặc bị phủ định bởi các luật khác. Ảnh: T.Phương

Theo bà Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Luật Điện ảnh sau 10 năm thực hiện đã có nhiều điểm lạc hậu, có đến 2/3 số Điều trong Luật không còn phù hợp hoặc bị phủ định bởi các luật khác. Ảnh: T.Phương

Giải pháp dự kiến của Cục Điện ảnh là UBND tỉnh và TP quản lý nội dung các phim phát trên Internet do các DN có máy chủ đặt tại Việt Nam và đăng ký kinh doanh tại địa phương đó. Còn Bộ Thông tin và truyền thông áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bổ sung chế tài trong văn bản để kiểm soát các nhà phát hành có máy chủ ở nước ngoài.

Góp ý thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - đại diện Cty Thiên Ngân cho rằng, đề xuất của Cục Điện ảnh sẽ tạo sự bình đẳng giữa việc phổ biến phim trên internet và phim chiếu rạp. Vì hiện nay có những phim cấm phổ biến ở rạp nhưng vẫn xuất hiện trên internet, hoặc các phim bị chỉnh sửa khi chiếu rạp nhưng chiếu bản đầy đủ trên mạng.

Theo luật Điện ảnh hiện tại, phim Việt Nam chiếm 20% tổng số buổi chiếu ở rạp. Mức này hiện được các DN đảm bảo nhưng các buổi chiếu chưa rải đều trong năm mà chỉ tập trung vào các dịp lễ, Tết, thời gian chiếu có khi vào các khung giờ bất lợi. Đại diện Cục Điện ảnh cho rằng quy định mới sẽ khiến các DN phải cân đối tỷ lệ chiếu phim Việt và nhập khẩu, số buổi chiếu phim nội rải đều trong năm, qua đó phát triển ngành điện ảnh nước nhà.

Tuy nhiên, đại diện Cty Thiên Ngân cho rằng đề xuất này chưa phù hợp. Theo bà Mai Hoa, việc chọn ngày phát hành phim phụ thuộc vào nhà sản xuất. Số lượng phim Việt hiện tại cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu rải đều trong năm. Chất lượng phim Việt chênh lệch, có phim thắng lớn nhưng có phim phải hủy suất do không có khán giả. Ông Lưu Trọng Hồng, nguyên Cục trưởng Điện ảnh nhận định đây là giải pháp tốt nhưng chỉ nên áp mức chiếu phim Việt theo quý chứ không đến mức tháng.

Bà Dương Thị Cẩm Thúy- Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM đề xuất cần thêm vào điều khoản cho người làm nghề được làm nghề và có thu nhập chính đáng, không để như tình trạng hiện nay. Cùng với đó trong Điều 3, khoản 16: phim có yếu tố nước ngoài, cần nêu rõ yếu tố đó là gì để sau này khỏi tranh cãi, như yếu tố nước ngoài đó là tiền vốn, nhà sản xuất, diễn viên, đạo diễn, kịch bản hay bối cảnh…. Điều 21 nên quy định chặt chẽ về số lượng và điều kiện cho phim nhập khẩu để vừa kiểm soát số phim nước ngoài nhập vào và chiếu ở thị trường trong nước vừa góp phần phát triển phim sản xuất trong nước.

Một số đại biểu cho rằng, trước thực tế phim tư nhân hoàn toàn áp đảo, giải pháp là cần thay đổi bằng hình thức sản xuất phim đặt hàng thông qua các bước từ tuyển chọn kịch bản đến nhà sản xuất, điều đó sẽ góp phần tăng cường sức mạnh nhà nước trong sản xuất phim, lấy lại thế chủ động. Theo ông Lưu Trọng Hồng, trước hết nên bỏ phương thức đấu thầu sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Phương thức này chỉ có ở Việt Nam, đang đặt nặng về mục tiêu kinh tế, trong khi mục tiêu cơ bản của một bộ phim là chất lượng nghệ thuật.

Câu chuyện kiểm duyệt và phân loại phim cũng nhận được nhiều góp ý. Đại diện Cty CP phim Thiên Ngân và CJ CGV Việt Nam cho rằng cần bổ sung thêm 2 mức PG (Parental Guidance - trẻ nhỏ xem phim cần người lớn đi kèm) và C9 (không phổ biến đến khán giả dưới 9 tuổi) bên cạnh 4 loại đang có.

Theo đại diện Hãng phim Chánh Phương, cần cơ chế cởi mở, thông thoáng hơn để những nhà làm phim tự do sáng tạo nghệ thuật, đa dạng về thể loại…Thực tế đang tồn tại vấn đề, một số phim đã được cấp phép phổ biến nhưng vì một số lý do nào đó có thể bị ngừng chiếu.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/su-dung-tre-em-duoi-16-tuoi-tham-gia-cac-bo-phim-can-tuan-thu-luat-tre-em-hien-hanh-159984.html