Sử dụng tình huống thực tiễn trong đào tạo nhân lực tài chính tại Việt Nam

Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) vừa tổ chức hội thảo hướng dẫn giảng viên của 4 trường Đại học kinh tế tài chính hàng đầu của Việt Nam cách thức khai thác bộ phim đào tạo False Assurance vào giảng dạy sinh viên.

Bà Đặng Thị Mai Trang, Trưởng Đại Diện ICAEW tại Việt Nam chia sẻ về bộ phim False Assurance

Phương thức đào tạo sử dụng tình huống thực tiễn (case study) đã được triển khai ở rất nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, phương pháp hiện đại này bắt đầu được ứng dụng gần đây nhằm giúp sinh viên hiểu hơn về thực tế công việc sau này thông qua tiếp cận với nhiều tình huống thực tiễn. False Assurance là bộ phim đào tạo về Quản trị - Tài chính - Kế toán - Kiểm toán - Đạo đức do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) sản xuất. Cho đến nay, ICAEW là tổ chức nghề nghiệp đầu tiên và duy nhất sản xuất các bộ phim về đào tạo.

Bộ phim đã được dịch phụ đề 20 thứ tiếng trong đó có tiếng Việt. Bộ phim được trình chiếu tại nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế và nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn. Một loạt các công ty, tập đoàn lớn bao gồm BIG4 đã mua bản quyền để phục vụ công tác đào tạo cho các cấp, từ nhân viên đến lãnh đạo.

ICAEW Việt Nam đã chính thức dành tặng và chuyển giao bản quyền sử dụng bộ phim False Assurance cũng như phương pháp đào tạo mới với xu hướng đào tạo nghề nghiệp chuyên nghiệp trong tương lai cho sinh viên của 10 trường đại học hàng đầu về kinh tế - tài chính trên toàn quốc.

Ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam tại buổi hướng dẫn giảng viên của 3 trường :Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Thương Mại được tổ chức mới đây

Trong buổi hướng dẫn các giảng viên đến từ 4 trường Đại học gần đây, gồm: Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Thương Mại và Đại học Anh quốc Việt Nam, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam, khẳng định: “Bộ phim giúp cho người xem nảy ra nhiều ý tưởng khi được xây dựng trên bối cảnh rất thực tế so với môi trường doanh nghiệp. Nếu được đưa vào giảng dạy cho các sinh viên ở Việt Nam, chúng ta đã có một trong số những “vũ khí” lợi hại nhất trên thế giới để trang bị kiến thức và kỹ năng theo hình thức tiên tiến, hiệu quả và thực tế nhất cho nguồn nhân lực tài chính - kế toán - kiểm toán tương lai.”

Theo ông Hoàng, bộ phim dài 38 phút chứa đựng rất nhiều vấn đề chuyên môn: từ đạo đức nghề nghiệp, quản trị công ty đến kiểm toán, kế toán, tài chính, công nghệ thông tin, quản trị rủi ro cùng rất nhiều góc độ khác bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Cùng với bộ phim, ICAEW cũng cung cấp các tài liệu gợi ý nội dung thảo luận dành cho người học ở các cấp độ khác nhau: sinh viên, giảng viên, người làm nghề và cán bộ quản lý.

“Mục tiêu chính khi sử dụng bộ phim này vào giảng dạy cho sinh viên chính là tạo môi trường để các em tích cực tham gia phản biện, thể hiện góc nhìn và quan điểm cá nhân - kỹ năng mà sinh viên Việt Nam đang còn yếu, đồng thời cũng giúp các em hiểu và có định hướng rõ hơn hơn về nghề nghiệp tương lai. Bộ phim chính là công cụ đắc lực nhất hỗ trợ các giảng viên nâng tầm nội dung và phương pháp giảng dạy cũng như nâng tầm sinh viên của nhà trường.” ICAEW Chartered Accountant - Phan Vũ Hoàng nhấn mạnh.

Năm 2020 đánh dấu chặng đường 10 năm Việt Nam khởi động tiến trình đàm phán tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết và đàm phán 17 FTA. Theo các chuyên gia kinh tế, việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nhưng đi kèm với đó là những thách thức trong hội nhập tài chính, trong đó có áp lực nâng cao chất lượng và dịch chuyển nguồn nhân lực tài chính sang các tổ chức nước ngoài và khu vực. Cùng với đó, áp lực cạnh tranh đòi hỏi các định chế tài chính Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tổ năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế..

Chính vì vậy, việc đổi mới phương thức đào tạo theo thông lệ quốc tế trong các trường đại học tại Việt Nam được các chuyên gia cho là cần thiết, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính Việt Nam khi thực thi các FTA thế hệ mới so với các đối tác thành viên.

Minh Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/su-dung-tinh-huong-thuc-tien-trong-dao-tao-nhan-luc-tai-chinh-tai-viet-nam-d137320.html