Sử dụng tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện tăng cao, dẫn đến nguy cơ quá tải cục bộ. Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết, ý thức sử dụng điện tiết kiệm được xem là giải pháp tối ưu nhằm hạn chế tình trạng 'tăng đột biến' đối với hóa đơn thanh toán tiền điện cho các hộ dân, góp phần làm vơi bớt khó khăn, áp lực với ngành điện và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Công nhân Điện lực TP Thanh Hóa “đội nắng” duy tu, sửa chữa trên lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn cho người dân.

Nắng nóng kéo dài, áp lực tăng cao

Nắng nóng gay gắt kéo dài, nền nhiệt cao khiến nhiều người dân hạn chế ra đường khi không có việc gì thực sự cần thiết hoặc cố gắng di chuyển nhanh hơn để tránh đi cái nắng như đổ lửa trên đầu. Tuy nhiên, mấy ai biết được rằng, giữa điều kiện thời tiết khắc nghiệt ấy, những người công nhân của ngành điện vẫn không quản khó khăn, vất vả, bất kể vào lúc sáng sớm, chính ngọ hay nửa đêm vẫn sẵn sàng “treo mình” hàng giờ trên cột điện, nỗ lực, quyết tâm sửa chữa, khắc phục sự cố trên lưới điện một cách nhanh chóng, an toàn nhất để đảm bảo sức khỏe, công việc cho người dân. Trong khi đó, thời tiết càng nắng nóng gay gắt, áp lực công việc đối với công nhân ngành điện càng tăng lên.

Theo số liệu thống kê của Công ty Điện Lực Thanh Hóa, tổng công suất tiêu thụ điện trong một số ngày của tháng 6-2020 tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 và so với ngày cao điểm nhất của năm 2019. Công suất và sản lượng điện đã gần đạt ngưỡng dự báo năm 2020 là khoảng 1.000 MW và vượt công suất đỉnh năm 2019 (công suất ngày 23-6-2020 là 962,9 MW tăng 8,48%, sản lượng ngày 23-6-2020 là 20.115,352 kWh tăng 8,38% so với năm 2019). Công suất điện đạt đỉnh biểu đồ thường vào 13 - 14 giờ chiều và 21 - 23 giờ đêm cho thấy mức tăng điện năng tiêu thụ chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân tăng lên, nhất là nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát (điều hòa, quạt mát...). Tính hết tháng 5-2020, Công ty Điện lực Thanh Hóa có 726.137 khách hàng sử dụng điện sinh hoạt; trong đó, chỉ riêng tháng 6-2020, hơn 51.000 khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức tiêu thụ điện tăng từ 200% đến 300% so với tháng trước đó (chiếm 7,09%). Sản lượng điện trung bình những ngày tháng 6 này ước đạt từ 19-19,5 triệu kWh, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt tập trung tại các đô thị như: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn).

Là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành lưới điện của TP Thanh Hóa – trung tâm chính trị - xã hội của tỉnh với 2 trạm trung gian (trong đó trạm trung gian Đông Cương 35/10 kV có công suất 4.000 kVA và trạm trung gian Hàm Rồng 35/6 kV có công suất 3.200 kVA) và 316,7 km đường dây trung thế 35-22-10-6, 920 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng là 355.610 kVA; phục vụ cấp điện cho 74.310 khách hàng trong khi số lao động trực tiếp chỉ có 96 người. Do đó, cán bộ, công nhân viên Điện lực TP Thanh Hóa phải chịu áp lực công việc rất lớn.

Xác định năm 2020 nhu cầu sử dụng điện, nhất là điện trong sinh hoạt của người dân dự kiến sẽ tăng cao đột biến trong những ngày nắng nóng; phụ tải sinh hoạt tăng đột biến từ 28% - 35% so với trung bình tháng; tăng từ 2 đến 3 lần và đạt mức cao nhất trong khoảng thời gian cao điểm trưa, cao điểm tối và từ sau 22h. Vì vậy, việc cung cấp điện cho khách hàng trên địa bàn TP Thanh Hóa tại một số khu vực có lúc cũng bị gián đoạn do sự cố lưới điện, quá tải cục bộ máy biến áp trong thời gian cao điểm, quá tải gây chập cháy đường dây hạ áp... Đặc biệt, một số mặt bằng quy hoạch (MBQH) mới việc xây dựng đường dây, trạm biến áp cấp điện không theo đúng như quy hoạch đã phê duyệt dẫn đến đường dây và các trạm biến áp này thường xuyên quá tải. Mặt khác, lưới điện tại các khu quy hoạch này chưa được bàn giao cho ngành điện nên việc duy tu bảo dưỡng, cải tạo không kịp thời, nó cũng là nguyên nhân gây mất điện và không đáp ứng việc cấp điện khi phụ tải tăng đột biến như: MBQH 90, MBQH 1413 phường Đông Vệ, MB Nam Nguyễn Phục...

Nâng cao nhận thức, bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

Để đảm bảo khả năng cung ứng điện trong mùa nắng nóng, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhận thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ, Điện lực TP Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để cung ứng điện an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội của tỉnh và thành phố.

Năm 2020 là một năm trọng điểm trong công tác đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện khu vực TP Thanh Hóa. Thực hiện chỉ đạo của Công ty Điện lực Thanh Hóa, đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực, gấp rút hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn nhằm đảm bảo cho lưới điện luôn thích ứng với những diễn biến phức tạp của thời tiết, mức tăng trưởng cao của nhu cầu dùng điện. Theo đó, đơn vị đã phối hợp, đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị thi công, sớm đưa các dự án đầu tư, cải tạo vào vận hành. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã thực hiện tổng kiểm tra lưới điện, phát hiện các khiếm khuyết trên lưới, xây dựng kế hoạch cắt điện để thực hiện kết hợp sửa chữa thường xuyên, tiểu tu, vệ sinh công nghiệp, thí nghiệm định kỳ với lịch cắt điện 110kV nhằm giảm tối đa thời gian mất điện của khách hàng... Trong những ngày nắng nóng, thiên tai bất thường, Điện lực TP Thanh Hóa đã bố trí trực tăng cường 50% cán bộ, nhân viên ngoài giờ hành chính để đáp ứng nhanh, ổn định cấp điện cho khách hàng với các mục tiêu đề ra: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, an toàn điện cho Nhân dân; đảm bảo phương án cấp điện tốt nhất cho các phụ tải; khắc phục nhanh, xử lý kịp thời sự cố, sớm khôi phục cấp điện cho khách hàng; huy động mọi nguồn lực, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm bốn tại chỗ để ứng phó.

Đối với việc thực hiện Chương trình Quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Điện lực TP Thanh Hóa đã tích cực, chủ động phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc thực hiện tuyên truyền cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thông qua hệ thống loa phát thanh của thành phố. “Ngành điện cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã và đang chuẩn bị tốt nhất những điều kiện về nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực chung của ngành điện, mỗi người dân, gia đình cũng như tổ chức đoàn thể cần nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; ưu tiên sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường, tắt điện khi không sử dụng, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm, hạn chế sử dụng các thiết bị điện công suất lớn một cách hợp lý... Đồng thời, chính quyền và Nhân dân cần tích cực phối hợp bảo vệ, giải phóng hành lang an toàn lưới điện, tránh chặt cây, thả diều gần đường dây dẫn điện, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện” – ông Bùi Đức Thuận, Giám đốc Điện lực TP Thanh Hóa cho biết.

Về phía Công ty Điện lực Thanh Hóa, bên cạnh những giải pháp về kỹ thuật, ngay từ những ngày đầu năm, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Công Thương để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị và các hộ gia đình trên địa bàn tăng cường thực hiện tiết kiệm điện. Thời gian qua, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tập trung vận động, tuyên truyền phổ biến đến khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức thiết thực nhằm tăng cường tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả trong Nhân dân như: Phát tờ rơi về công tác tiết kiệm điện; tuyên truyền bằng hình ảnh trên các trụ điện ở đường phố; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặt banner tại các bưu cục trên toàn tỉnh; phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Chương trình Giờ trái đất năm 2020. Tính đến thời điểm hiện tại sản lượng điện tiết kiệm được trên toàn tỉnh đạt 32 triệu kWh...

Để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, Công ty Điện lực Thanh Hóa khuyến cáo khách hàng: Trong sinh hoạt hằng ngày, khách hàng cần tắt hẳn các thiết bị điện khỏi nguồn điện khi không sử dụng, không để chế độ chờ; sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện như: đèn compact, đèn tuýp gầy, đèn led,... có tuổi thọ và tiết kiệm điện gấp 5 lần so với đèn sợi đốt; hạn chế sử dụng các thiết bị điện có mức tiêu thụ điện lớn như: bình đun nước nóng, bếp điện, bàn ủi (bàn là) trong khoảng thời gian từ 18h đến 22h; cần cài đặt nhiệt độ hợp lý khi sử dụng máy điều hòa, ban ngày ở 250C, ban đêm 270C; thường xuyên vệ sinh máy điều hòa sẽ tiết kiệm điện từ 5-7% điện năng; hạn chế mở cửa thường xuyên khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh. Trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, khách hàng sử dụng đúng công suất và biểu đồ đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện, cần bố trí phương thức sử dụng điện hợp lý, hạn chế sử dụng công suất lớn vào giờ cao điểm: từ 9h30 đến 11h30 và từ 17h đến 20h hằng ngày. Thực hiện các biện pháp bố trí hợp lý ca sản xuất để tiết kiệm điện. Tắt các thiết bị điện và đèn chiếu sáng trong giờ nghỉ trưa giữa ca sản xuất, hạn chế các thiết bị hoạt động không tải. Sử dụng quạt gió thay cho máy điều hòa nhiệt độ tại các phân xưởng lớn; thay thế và sử dụng các đèn bảo vệ bằng các loại đèn compact tiết kiệm điện hoặc loại đèn chiếu sáng hiệu suất cao; giảm bớt số lượng đèn chiếu sáng các bảng hiệu, bảng quảng cáo lớn và tắt hẳn sau 22h...

Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/su-dung-tiet-kiem-dien-mua-nang-nong/120978.htm