Sử dụng rượu thuốc không đúng có thể chuốc họa vào người

Dân gian lâu nay xem rượu ngâm với một số vị thuốc trong Đông y có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực Đông y đều khuyến cáo: Nếu không tìm hiểu kỹ càng, không có sự chỉ định của bác sĩ, rượu thuốc có thể gây họa cho người dùng.

Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hương, Chủ nhiệm Khoa Lão khoa, Viện Y học cổ truyền Quân đội.

Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ, trong quan niệm Đông y, rượu thuốc có tác động thế nào tới sức khỏe con người?

Đại tá, TS Nguyễn Thanh Hương: Theo y học cổ truyền, rượu có vị cam khổ tân ôn, có độc, vào tâm, can, phế, vị. Có tác dụng thông kinh, khai vị, trợ tiêu hóa, khu phong tán hàn, thấp tý...

Trong Đông y, rượu là chất dẫn thuốc, nếu trong thuật ngữ “quân-thần-tá-sứ” thì rượu được gọi là sứ. Quân-quân dược, còn thường gọi là “chủ dược”. Thần-thần dược, còn gọi là “phụ dược, hỗ trợ quân dược”. Tá-tá dược nhằm hỗ trợ quân dược và thần dược, điều trị chứng trạng. Sứ có tác dụng đưa thuốc đến nơi có bệnh để tập trung tác dụng trị liệu và điều hòa các vị thuốc trong một phương thuốc. Lúc này, rượu giống như một “sứ giả” trong điều trị bệnh. Uống rượu ngâm dược liệu trong Đông y đúng ra phải gọi là uống thuốc rượu chứ không phải là rượu thuốc. Nếu dùng điều độ và hợp lý, rượu dẫn thuốc làm cho tạng phủ, tinh, khí, thần tốt lên. Dùng thuốc là chính, rượu dẫn để quy nạp về tạng phủ. Rượu trong Đông y còn là chất dung môi hòa tan, chiết xuất thuốc. Bên cạnh tác dụng như một loại thuốc, rượu thuốc được ưa chuộng do thói quen thay vì sắc thuốc uống để chữa bệnh thì dùng rượu thuốc “đưa cay” trong bữa ăn sẽ dễ sử dụng hơn. Uống ít (5-30ml) để khai vị, làm tăng thơm ngon của thức ăn (kích thích tiêu hóa), loại bỏ vị tanh hôi. Theo y dược học hiện đại, các đồ uống có cồn có tác dụng: Làm tăng HDL-C, chuyển hóa tốt chất béo Omega-3 trong cơ thể.

 Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương.

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương.

Rượu cũng có tác dụng giảm nguy cơ tim mạch và đột quỵ, làm cho máu lưu thông dễ dàng nên tim không phải hoạt động mạnh. Ở liều lượng vừa phải, giảm thiểu sự cố về tim.

Rượu tác dụng “dẫn” một số thuốc nên người ta thường ngâm thực phẩm, thảo dược trong rượu 2-3 tuần, sau đó lọc lấy “rượu thuốc″ (rượu sâm quy, rượu ngũ gia bì, rượu phong thấp, rượu rắn,...) hoặc để xoa bóp chữa bệnh. Theo y dược học cổ truyền: Rượu có tác dụng xoa dịu chấn thương ngoại khoa sưng nề đau nhức, đau vùng ngực bụng do phong hàn lãnh thống, các trường hợp co cứng cơ (kinh giật, chuột rút...).

PV: Thực tế hiện nay, nhiều người ngâm rượu đủ thứ từ cây cỏ cho đến... bào thai động vật! Bác sĩ đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Đại tá, TS Nguyễn Thanh Hương: Rượu thuốc không phải là rượu thông thường nên việc ngâm và dùng rượu thuốc tại nhà nếu không có kiến thức về y học cổ truyền hoặc sự hướng dẫn từ thầy thuốc có chuyên môn sẽ rất dễ mắc phải những sai lầm gây hại cho sức khỏe hay thậm chí tính mạng của chính người dùng. Cần phải nhắc lại rằng, rượu thuốc là dược phẩm, đã là dược phẩm thì không thể pha chế bừa bãi, dùng tùy tiện mà phải có sự tìm hiểu đầy đủ, sử dụng đúng cách và kết hợp dược liệu một cách khoa học. Y học cổ truyền có câu: "Tửu năng hành huyết, tửu năng tà". Nghĩa là tửu có khả năng hành huyết và cũng có thể gây hại, tùy vào cách thức, mục đích sử dụng. Do vậy, cần sử dụng rượu thuốc đúng cách dưới sự chỉ dẫn của thầy thuốc để có thể phát huy được tối đa hiệu quả cũng như hạn chế thấp nhất tác hại do rượu mang lại.

Đầu tiên là nguồn rượu dùng để ngâm dược liệu phải đảm bảo. Không hiếm vụ ngộ độc rượu do nguồn rượu sản xuất thủ công nên chưa loại bỏ các chất độc hại aldehyt, furfurol, methanol... sinh ra trong quá trình lên men và chưng cất. Các chất này gây độc thần kinh, dễ gây tử vong. Do vậy, chỉ nên uống loại rượu đã kiểm định chất lượng. Mỗi loại dược liệu có thể sẽ phù hợp với rượu ở nồng độ cồn khác nhau để phát huy tác dụng tốt nhất. Bản thân dược liệu sau khi ngâm có cách sử dụng khác nhau như bồi bổ bằng rượu thuốc, làm đẹp từ rượu thuốc, an thần, trị phong thấp nhức mỏi. Điển hình như các loại rượu thuốc ngâm rết hay mã tiền chỉ được dùng xoa bóp ngoài da để trị đau nhức xương khớp, phong tê thấp...; tuyệt đối không được uống vì có độc tính cao. Thêm vào đó, bất cứ dược liệu nào cũng có những tác dụng phụ, chẳng hạn có dược liệu có tác dụng hoạt huyết mạnh thì lại có tác dụng phụ là máu khó đông, thế nên loại rượu thuốc này tốt với người này nhưng không tốt với người khác và cũng chỉ để điều trị một số bệnh nhất định.

Trong lĩnh vực y học cổ truyền quan niệm: Bên trong có đầy đủ thì bên ngoài mới được tươi tốt vinh nhuận, sự mịn màng và thô ráp của làn da liên quan mật thiết đến chức năng của ngũ tạng và sự thịnh suy của khí huyết. Muốn làm đẹp, trước tiên phải điều chỉnh âm dương khí huyết của bản thân, tăng cường chức năng sinh lý của tạng phủ. Từ đó y học cổ truyền sản sinh ra nhiều bài thuốc ngâm rượu có khả năng bổ khí huyết hoặc điều chỉnh chức năng của tạng phủ, qua đó tăng cường vẻ tươi nhuận cho làn da.

Biếm họa của Quang Cường.

PV: Không mấy người có thể hiểu biết sâu về Đông y song thói quen sử dụng rượu ngâm lại rất phổ biến, khó bỏ. Theo bác sĩ, cần có biện pháp gì để cảnh tỉnh người dùng rượu thuốc tránh những hệ lụy không mong muốn?

Đại tá, TS Nguyễn Thanh Hương: Ngày xưa, ông cha ta đã nghiên cứu các bài thuốc, nhưng mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm, chưa phải là những nghiên cứu khoa học thực nghiệm. Đáng tiếc là hiện nay, do điều kiện nên trong y học cổ truyền không phải dược liệu nào cũng đã được nghiên cứu kỹ càng. Cá nhân tôi cho rằng, các cơ sở có chức năng nghiên cứu y học cổ truyền cần tiến hành nhiều hơn nữa những công trình nghiên cứu có giá trị về dược liệu để có thể đưa ra những chỉ dẫn chính xác cho người dân. Bản thân tôi đã nghiên cứu về nấm ngọc cẩu lúc dược liệu này được đồn đại khắp nơi là “thần dược” cho phái mạnh. Nhờ sự giúp đỡ của UBND tỉnh Yên Bái, các cơ quan chức năng, tôi và các cộng sự đã nghiên cứu đưa ra kết luận là nấm ngọc cẩu có tác dụng cải thiện năng lực tình dục nhưng nếu dùng không đúng cách và đúng liều lượng sẽ tác dụng không tốt với gan và thận.

Điều quan trọng là người dùng phải biết thể trạng, sức khỏe của bản thân, với sự tư vấn của thầy thuốc để có thể kết luận uống loại rượu thuốc nào, liều lượng ra sao, thời điểm nào. Chẳng hạn, những người không cần bổ thận dương thì uống rượu có tác dụng tráng dương để làm gì, không phải cứ uống thêm vào là sẽ tốt hơn mãi.

PV: Đề nghị bác sĩ đưa ra lời khuyên cho những người sử dụng rượu ngâm để tốt cho sức khỏe?

Đại tá, TS Nguyễn Thanh Hương: Trước hết, sử dụng rượu thuốc là chúng ta đang sử dụng chất có cồn nên phải tuân thủ đúng mọi quy định pháp luật. Không ép nhau uống rượu, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không nên uống rượu. Không thể lấy lý do uống rượu thuốc để điều trị bệnh chứ không phải ăn nhậu thông thường và cứ thế tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Ngoài ra, theo Y dược học cổ truyền, dùng hạn chế rượu với người mất máu nhiều (chấn thương, vừa mới cho máu), nam giới sau khi uống rượu nhiều nên kiêng sinh hoạt tình dục. Khi uống rượu hạn chế hút thuốc lá, dùng đồ uống có cafein. Không uống rượu khi đang dùng thuốc có tương kỵ với rượu. Sau khi uống rượu, không được lái xe, vận hành máy vì dễ gây tai nạn. Nếu có nhức đầu sau khi uống rượu, không nên tự ý dùng các loại thuốc giảm đau mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Rượu thuốc sẽ có lợi cho sức khỏe nếu đúng chỉ định và điều độ trong sử dụng. Tuyệt đối không uống rượu thuốc chưa rõ nguồn gốc và phải dùng dưới sự hướng dẫn của người có chuyên môn.

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/dien-dan-van-hoa-ruou-bia/su-dung-ruou-thuoc-khong-dung-co-the-chuoc-hoa-vao-nguoi-645929