Sử dụng nhân tài hiệu quả: Bài toán khó!

Đó là nhận định của Đại biểu Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi nói về giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao.

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng để có nhân lực, nhân tài chất lượng cao không khó, nhưng cách tuyển chọn và thu hút nhân tài như thế nào đang là vấn đề cần đặt ra.

Đại biểu Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Đại biểu Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

- Theo ông, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao, thời gian tới Chính phủ và Trung ương cần có những giải pháp căn cơ nào để tạo điều kiện thuận lợi hơn phát huy nguồn nhân lực trẻ ở Việt Nam?

Một trong các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm, giai đoạn 2016-2020 thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng là: Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Để có nhân lực nhân tài chất lượng cao, tôi cho rằng không khó nhưng cách tuyển chọn và thu hút nhân tài như thế nào đang là vấn đề cần đặt ra. Nếu chúng ta có cách tuyển chọn và sử dụng có hiệu quả thì tôi tin sẽ thực hiện được công việc chọn lựa nhân lực giỏi cho đất nước.

Ví dụ, trong quá trình thực hiện, chúng ta có thể tuyển chọn căn cứ từ kết quả học tập của các em có thành tích học tập giỏi, xuất sắc, ưu tú tại các trường đào tạo trên cả nước, sau đó tiếp tục tập trung đào tạo cho các em trong thời gian nhất định để phân loại chuyên môn, khả năng vượt trội của các em theo từng lĩnh vực, như: vật lý, văn học, ngoai ngữ, công nghệ thông tin, hoặc có em giỏi về công tác tổ chức, làm việc nhóm,... Sau khi có sự sàng lọc, chúng ta sẽ có cách sử dụng hiệu quả, phân bổ lao động cho từng ngành, từng địa phương hợp lý và hiệu quả. Thậm chí có những em giỏi vượt trội chúng ta sẽ tiếp tục đào tạo nâng cao…

Tôi tin rằng với công tác sàng lọc và tuyển chọn như vậy, chúng ta sẽ tìm được những nhân tài. Công tác tuyển chọn nhân tài tương tự cũng đã được áp dụng hiệu quả tại một số nước.

- Vậy, theo ông làm cách nào để phát huy chính sách dành cho nhân tài để các em tiếp cận được với chính sách đó và có điều kiện ra nước ngoài học tập?

Chính sách học bổng cũng như để tạo nguồn nhân lực, hiện nay các tỉnh cũng đang triển khai, có chương trình rất rõ ràng. Ví dụ: TP. HCM, Cà Mau,… đều có các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.

Căn cứ cụ thể từng địa phương, họ cần nhân lực ở lĩnh vực nào thì sẽ có chủ trương tuyển dụng và đào tạo cụ thể.

Thời gian vừa qua, tại Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã có chương trình đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Sau khi các em tốt nghiệp đại học loại giỏi, địa phương tổ chức tuyển dụng và đưa đi các nước để đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở một vài lĩnh vực, sau đó họ đưa về tiếp nhận thực hiện chương trình. Họ có cam kết với các em đi học, sau khi hoàn thành phải về tiếp tục làm việc và cống hiến ở địa phương đó trong thời gian tối thiểu bao nhiêu lâu mới được phép chuyển công việc.

Hiện nay, các tỉnh, các địa phương đang xúc tiến làm và tôi thấy rằng việc quan trọng nhất đó là tạo điều kiện để phát huy nguồn nhân lực cho các em làm việc, bởi nhiều địa phương có tình trạng sau khi được đi đào tạo nâng cao trở về địa phương các em không có vị trí và công việc phù hợp, khiến chuyên môn của các em bị mai một đi.

Do đó, sau khi đào tạo, việc chúng ta sử dụng nhân tài như thế nào mới là điều quan trọng, bởi thực tế đã có những em học giỏi sau khi được đào tạo trình độ cao đã phải chấp nhận trả lại Nhà nước nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư ban đầu để tìm công việc phù hợp.

- Vậy, ông có ý kiến gì để phát huy được việc sử dụng nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao tại các địa phương?

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức như hiện nay, các quốc gia đều chú trọng đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với Việt Nam, chúng ta cần phải thật sự có các chính sách đổi mới công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tôi mong rằng, trong thời gian tới tại mỗi dự án, việc nghiên cứu và kết luận dự án cũng cần được làm đầy đủ về vấn đề chất lượng đào tạo, sử dụng nhân lực hiệu quả trong giai đoạn sau đào tạo. Có như vậy mới hy vọng thu hút và sử dụng hiệu quả nhân tài.

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Hương thực hiện

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/su-dung-nhan-tai-hieu-qua-bai-toan-kho-150883.html