Sử dụng ngôn ngữ tộc người trong truyền thông bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường nói chung, tài nguyên rừng nói riêng là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được nhà nước giao trách nhiệm thực hiện với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Đối với trường hợp vườn quốc gia Cát Tiên (VQGCT), do đặc điểm gắn với môi trường sống của các tộc người thiểu số bản địa, nên cần nghiên cứu văn hóa của cộng đồng để đem lại hiệu quả thực tế. Từ dữ liệu khảo sát, bài viết đề xuất sử dụng ngôn ngữ của dân tộc bản địa để nâng cao hiệu quả trong truyền thông về môi trường.

Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: foody.vn

Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: foody.vn

1. Truyền thông bảo vệ môi trường tại VQGCT

VQGCT được thành lập theo Quyết định số 08/CT ngày 13-1-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1), gồm 71.920 ha thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai. Với hệ động, thực vật đa dạng, VQGCT được ví như một khu bảo tàng thiên nhiên độc đáo. Năm 2001, UNESCO công nhận Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là niềm tự hào cũng là trách nhiệm lớn của Việt Nam trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và hướng đến sự phát triển bền vững trong mục tiêu bảo vệ môi trường của thế giới. Hiện nay, vùng lõi và vùng đệm của VQGCT có nhiều cộng đồng dân cư sinh sống. Trong đó, người Mạ, Chơ ro, Xtiêng gắn bó lâu đời, được xem là cư dân bản địa, đời sống sinh kế gắn liền với các hoạt động khai thác nguồn lợi trong môi trường VQGCT.

Hầu hết hoạt động tuyên truyền bảo vệ tài nguyên VQGCT được các cơ quan chức năng, trong đó Ban Quản lý VQGCT (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) duy trì. Các đơn vị trực thuộc được phân định chức năng nhiệm vụ khác nhau trong quản lý, bảo vệ môi trường như Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, các trạm Kiểm lâm. Trên cơ sở Luật Bảo vệ Môi trường (2), UBND tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai đã thực hiện phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến các vùng đồng bào thiểu số. Ngoài ra, nhiều tổ chức xã hội, chính trị có sự phối hợp trong địa phương và liên kết vùng trong thực hiện tuyên truyền bảo vệ VQGCT. Đặc biệt, nhóm thiện nguyện Yêu quý bảo vệ Cát Tiên (SCT) thành lập đầu tháng 9-2012 đã tham gia các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường không vụ lợi. Nhóm lập trang thông tin điện tử, triển lãm ảnh, tuyên truyền, giáo dục chuyên đề tuổi trẻ bảo vệ rừng tại các trường học vùng ven VQGCT (3) .

Kết quả khảo sát đối với các vùng dân tộc thiểu số gồm Mạ, Chơ ro, Xtiêng sinh sống tại khu vực VQGCT cho thấy: trong 901 người, có 729 người dân nhận biết các chương trình bảo vệ môi trường rừng, chiếm 80,9%; 89 người cho rằng không có, chiếm 9,9% và 83 người không biết, chiếm 9,2% (4). Người dân nhận biết về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng thông qua các chương trình: bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; khoán bảo vệ rừng; trồng cây xanh; vệ sinh môi trường, làm đường; phòng chống cháy rừng; văn nghệ tuyên truyền bảo vệ rừng; tập huấn xử lý rác thải; bảo vệ động vật quý hiếm; sinh viên tình nguyện bảo vệ môi trường…

2. Tiếp nhận và hiểu biết thông tin của người dân qua truyền thông trong bảo vệ VQGCT

Công tác tuyên truyên về bảo vệ môi trương nói chung, bảo vệ VQGCT nói riêng, trong thời gian qua gồm những hình thức: đặt pano, áp phích tại những nơi người dân dễ nhìn thấy nhất (ngã ba giao thông trong buôn làng, cạnh các trường học, các thiết chế hoạt động văn hóa); sử dụng hệ thống phát thanh; thông tin qua các cuộc họp, lớp tập huấn, chương trình văn nghệ có sự kiện liên quan (ngày Môi trường, ngày Đa dạng sinh học, giờ Trái đất…).

Các hình thức truyền thông bảo vệ VQGCT chủ yếu sử dụng tiếng Việt, đặc biệt là những người làm công tác chính quyền. Bên cạnh đó, họ cũng sử dụng tiếng của cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống tại đây và của dân tộc khác nhưng gần gũi với họ. Ngôn ngữ Mạ, Chơ ro, Xtiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme nên bên cạnh những dị biệt mang tính địa phương còn có nhiều tương đồng. Hơn nữa, ở một số nơi, cán bộ thôn làng là người dân tộc thiểu số nên giao tiếp với người bản địa rất thuận lợi, còn tiếng phổ phông lại gây khó khăn cho người lớn tuổi trong việc tiếp cận thông tin tuyên truyền.

Việc sử dụng phổ biến tiếng Việt trong các hình thức tuyên truyền đã đặt ra vấn đề về mức độ tiếp nhận thông tin và hiểu nội dung của cộng đồng địa phương. Khi phỏng vấn, một số người đã đề xuất sử dụng tiếng dân tộc để dễ cảm nhận và gần gũi hơn. Việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp sẽ giúp cộng đồng hiểu được thông điệp mà các cơ quan quản lý đưa ra, đồng thời thể hiện sự tôn trọng ngôn ngữ riêng của cộng đồng.

3. Đề xuất sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông bảo vệ VQGCT

Hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương và Ban Quản lý VQGCT được duy trì, đem lại hiệu quả đáng kể. Với nhiều hình thức khác nhau, các thông tin về bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ VQGCT nói riêng đã đến với người dân. Tuy nhiên, một số phương thức tuyên truyền còn đơn điệu, mang tính áp đặt từ cách suy nghĩ của cấp quản lý mà chưa quan tâm đến đặc điểm của cộng đồng dân cư. Từ ngữ trong các khẩu hiệu chỉ sử dụng tiếng phổ thông, chưa chú ý đến ngôn ngữ của cộng đồng địa phương, khó hiểu, mang tính hàn lâm.

Ngôn ngữ của mỗi cộng đồng là đặc trưng quan trọng, cũng là di sản và tâm lý của cộng đồng tại chỗ. Việc nghiên cứu ngôn ngữ của cộng đồng để truyền tải thông tin sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Vì vậy, khi thực hiện sản phẩm truyền thông trong bảo vệ môi trường ở VQGCT cần sử dụng ngôn ngữ dân tộc và kết hợp các dạng ngôn ngữ trong các phương thức, loại hình tuyên truyền.

Đối với hình thức tuyên truyền trực tiếp, cần có sự giúp sức của người có uy tín, già làng, hiểu biết cả ngôn ngữ phổ thông và dân tộc để việc truyền tải thông tin đạt hiệu quả. Đối với áp phích, pano, tờ rơi, sổ tay, ảnh…, cần kết hợp chuyển ngữ hoặc song ngữ để người dân có thể tiếp nhận và hiểu rõ thông tin.

Đối với loại hình thông tin bằng phim ảnh, trước hết cần phải có nội dung gắn với phong tục, tập quán, tri thức bản địa, sinh kế, sinh hoạt của cộng đồng địa phương. Có thể kết hợp giữa tiếng phổ thông với ngôn ngữ dân tộc. Hiện nay, một số đài phát thanh, truyền hình đã khai thác, sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc này. Một số phát thanh viên được tuyển chọn từ chính cộng đồng tại chỗ, được đào tạo chính quy, có chuyên môn và kỹ năng tốt. Đối với phim tư liệu, việc thuyết minh hoặc đặt phụ đề bằng ngôn ngữ phù hợp sẽ giúp cộng đồng hiểu hơn về các thông tin được truyền tải.

Hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường tại khu vực VQGCT trong thời gian qua được sự quan tâm của nhiều cơ quan, đơn vị. Bên cạnh các hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, nhiều tổ chức, đoàn thể xã hội đã góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng nói chung. Các loại hình, sản phẩm truyền thông khá đa dạng, tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng phổ thông chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Khảo sát thực tế cho thấy, việc sử dụng ngôn ngữ của các tộc người tại chỗ trong truyền thông bảo vệ môi trường là điều cần thiết. Qua đó cũng góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, đặc biệt là tiếng nói của cộng đồng các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.

______________

1. Nay là Thủ tướng Chính phủ.

2. Luật được ban hành ngày 23-6-2014, có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2015.

3. Huỳnh Văn Tới, Giáo dục và truyền thông với văn hóa dân gian Đông Nam Bộ, Nxb Đồng Nai, 2014.

Nguyễn Thu Hiền

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/su-dung-ngon-ngu-toc-nguoi-trong-truyen-thong-bao-ve-moi-truong-66453