Sử dụng lực lượng tại chỗ trong Chiến dịch Quảng Trị

Thực hiện Chiến dịch Xuân-Hè 1972, từ ngày 30-3 đến 1-5-1972, sau các đợt tấn công và nổi dậy, quân và dân ta đã đánh sập hệ thống phòng ngự kiên cố của địch, giải phóng hoàn toàn một vùng đất rộng lớn của tỉnh Quảng Trị. Qua đó, làm phá sản chiến lược 'Việt Nam hóa chiến tranh' của đế quốc Mỹ.

Không chấp nhận để Quảng Trị thất thủ, địch âm mưu phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị, sau đó chiếm lại toàn tỉnh trong tháng 9-1972. Để thực hiện âm mưu đó, địch tập trung lực lượng lớn với nhiều binh chủng, sư đoàn mạnh nhất, trong đó có cả những sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị; huy động hỏa lực cả không quân và hải quân, tổ chức thành hai hướng tiến công hòng tái chiếm thị xã Quảng Trị. Sau khi đổ bộ nghi binh, bắn phá dọn đường, sáng sớm 28-6-1972, bộ binh và xe tăng địch mở cuộc phản kích mang mật danh “Lam Sơn 72”. Chúng kết hợp tiến công đường bộ với đổ bộ đường không và đường biển, từ nhiều hướng tiến đánh các chốt của ta trên đường tới thị xã, đặt Thành cổ Quảng Trị trở thành mục tiêu trọng yếu, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch.

Trước hành động tái chiếm của địch, ngay từ khi chúng đang tập kết, ngày 25-6-1972, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến dịch tổ chức lực lượng bảo vệ thành cổ. Cùng với việc điều động, sử dụng lực lượng chủ lực bố trí tại các điểm trọng yếu, Bộ tư lệnh B5 ra lệnh cho Tỉnh đội Quảng Trị khẩn trương chuẩn bị, tổ chức lực lượng chiến đấu, quyết tâm đánh bại cuộc phản kích, bảo vệ vững chắc thành quả vừa đạt được. Nhận được mệnh lệnh của trên, Tỉnh đội Quảng Trị bố trí lực lượng tại khu vực thị xã, gồm: Tiểu đoàn bộ binh 8, Tiểu đoàn bộ binh 3, Đại đội 32 của thị xã cùng các đơn vị du kích tập trung phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực bảo vệ địa bàn. Trên hướng đông, Tiểu đoàn bộ binh 14 được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực chốt giữ khu vực Cửa Việt, đồng thời cùng với các lực lượng tổ chức sơ tán nhân dân về phía sau. Tiểu đoàn 10 đặc công và các đại đội bộ đội địa phương của huyện Triệu Phong và Hải Lăng cùng các đội du kích được giao bám trụ thôn xã, sẵn sàng tập kích đánh vào hậu phương địch.

 LLVT tỉnh Quảng Trị kiên cường bám trụ, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch. Ảnh tư liệu

LLVT tỉnh Quảng Trị kiên cường bám trụ, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch. Ảnh tư liệu

Sáng 28-6, với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực ngụy bắt đầu ồ ạt tiến công sang bờ bắc sông Mỹ Chánh. Ngay lập tức, bộ đội chủ lực của ta và bộ đội địa phương đánh trả quyết liệt. Vì vậy, sau 20 ngày tiến công vào thị xã, hầu như mọi cuộc tiến công của quân địch đều bị chặn lại. Từ ngày 4-7 đến 27-7-1972, địch đã nhiều lần tấn công vào các trận địa nhưng đều bị ta đánh trả quyết liệt. Tiểu đoàn 14 của tỉnh phối hợp với du kích tại chỗ đánh địch ở tuyến các làng. Khi địch đổ bộ bằng trực thăng xuống bắc sông Vĩnh Định, lập tức bị bộ đội địa phương cùng bộ đội chủ lực đánh thiệt hại nặng. Các đơn vị chốt giữ thị xã, thành cổ đã đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 2 và hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, buộc chúng phải lui về phía sau củng cố. Khu vực phía nam, LLVT tỉnh mở những trận đánh táo bạo, đánh sập cầu Hội Yên, Ngô Xá Đông, cầu Ba Bến trên Tỉnh lộ 68. Các đội du kích còn tổ chức tập kích địch bằng súng bộ binh, chông bẫy.

Đến tháng 8, tháng 9, các cuộc đọ sức giữa ta và địch ở thành cổ ngày càng quyết liệt hơn. Nắm được một số ưu thế, địch bắt đầu chuyển sang tấn công vào thị xã. Song, với ý chí “còn người còn trận địa”, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 8 chốt giữ trong thành đã đánh bật nhiều đợt phản kích. Tại thành cổ đã diễn ra những trận ta và địch giành nhau từng góc vườn, tấc đất, góc hào, bức tường gạch... hết sức khốc liệt.

Trong suốt 81 ngày đêm anh dũng, kiên trung, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải hứng chịu hơn 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Do tuyến hành lang chiến lược chi viện cho chiến trường bị địch tập trung đánh phá dữ dội, gây cho ta nhiều khó khăn nên đến ngày 16-9-1972, quân ta được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn. Mặc dù ta đã chủ động rút lui, song việc giữ được Thành cổ và thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm (thời gian dài gấp 8 lần so với ý định tái chiếm của Mỹ-ngụy trong điều kiện so sánh lực lượng và binh khí kỹ thuật rất chênh lệch) đã khẳng định được sức chiến đấu bền bỉ, kiên cường cùng chiến thuật hợp lý của LLVT địa phương, được sự hỗ trợ của các đơn vị chủ lực. Thắng lợi này đã góp phần quan trọng trong việc tạo lợi thế trên mặt trận đấu tranh chính trị của chúng ta. Ngoài ra, việc giam chân, làm thiệt hại nặng lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch đã tạo điều kiện cho các chiến trường giữ vững thắng lợi, làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, từ đó dập tắt ý định leo thang chiến tranh của Mỹ.

TS NGUYỄN THANH MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/su-dung-luc-luong-tai-cho-trong-chien-dich-quang-tri-624489