Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất, do việc sử dụng kháng sinh tràn lan và kéo dài không đúng chỉ định. Việc sử dụng thuốc kháng sinh không được kiểm soát chặt chẽ không chỉ làm gia tăng nhanh tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng mà còn dẫn đến các hậu quả về sức khỏe.

Sáng 21/12, tại BV Thống Nhất (TP HCM), Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), UBND TP HCM… tổ chức Lễ míttinh kêu gọi “Cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 10 triệu người tử vong do bệnh nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh. Hậu quả kinh tế của kháng thuốc kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả khủng hoảng tài chính.

Trong khi đó, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất, do việc sử dụng kháng sinh tràn lan và kéo dài không đúng chỉ định. Việc sử dụng thuốc kháng sinh không được kiểm soát chặt chẽ không chỉ làm gia tăng nhanh tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng mà còn dẫn đến các hậu quả về sức khỏe.

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề y tế nan giải, nhiều người bệnh kháng thuốc kháng sinh dẫn tới kéo dài thời gian điều trị, bệnh nặng, thậm chí tử vong. Trong khi đó, tại Việt Nam, các hoạt động phòng chống kháng thuốc mới chủ yếu tập trung trong việc kê đơn thuốc kháng sinh và phòng chống tại các cơ sở điều trị trong hệ thống y tế công lập, chưa tập trung đến việc thay đổi nhận thức, hành vi sử dụng thuốc kháng sinh của người dân, chưa thiết lập được hệ thống giám sát đủ mạnh, cơ sở dữ liệu đầy đủ về kháng thuốc.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị bệnh cho con người cũng như vật nuôi. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý hoặc khi không cần thiết, lạm dụng kháng sinh đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Trong khi đó, từ hàng chục năm nay, ngành y thế giới có khá ít loại thuốc kháng sinh mới, làm thiếu hụt các thuốc kháng sinh hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.

GS. TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống kháng thuốc cho biết, việc các ban ngành tham gia vào chương trình càng nhiều càng tốt để chung tay ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh không đúng và lạm dụng kháng sinh. Các hoạt động nâng cao nhận thức hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác khau, bao gồm cả cộng đồng. Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020 đang được xem xét, đánh giá và các cuộc thảo luận về xây dựng kế hoạch hành động tiếp theo đang được trao đổi giữa lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT, với sự hỗ trợ của WHO, FAO… và các đối tác khác làm về kháng thuốc ở Việt Nam.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam và Tiến sĩ Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện Văn phòng FAO tại Việt Nam, cùng đưa ra tuyên bố chung về việc Việt Nam đã giữ được động lực trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc. Việt Nam đã kết nối nhiều lĩnh vực, ban ngành, việc tiến tới đạt được một mục tiêu chung với các ưu tiên của mỗi ngành khác nhau, tuy nhiên Việt Nam đã nỗ lực trong việc hài hòa những thách thức tương đối tốt. WHO và FAO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện hành trình này.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/su-dung-khang-sinh-co-trach-nhiem-tintuc425954