Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Ngày 19/11, tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp với Hội Truyền nhiễm Việt Nam tổ chức lễ phát động cam kết sử dụng kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm.

Bên lề buổi lễ, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - đã dành cho PV báo Lao động Thủ đô cuộc trao đổi về những thông tin xoay quanh chủ đề này.

PV: Xin ông cho biết vai trò của thuốc kháng sinh, cũng như thực trạng kháng thuốc kháng sinh ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương?

- GS.TS Nguyễn Văn Kính: Thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40 là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Kháng sinh giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như: Lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết…

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tuy nhiên do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn cũng như việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người như dùng không đủ liều, quá liều, không phù hợp với căn nguyên gây bệnh và lạm dụng kháng sinh trong y tế, nông nghiệp là một trong nhiều nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị, đòi hỏi phải có nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, hằng ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm trùng rất nặng đến từ cộng đồng hoặc nhiễm khuẩn bệnh viện từ các bệnh viện chuyển đến. Trong đó có rất nhiều trường hợp nhiễm khuẩn nặng do căn nguyên vi khuẩn đa kháng, siêu kháng như: A. baumanii, Ps.aeuruginosa, K.pneumonia, MRSA... kháng lại với hầu hết các loại kháng sinh hiện có, khiến cho việc điều trị hết sức khó khăn, thời gian nằm viện kéo dài, chi phí điều trị cao và nhiều ca không thể cứu chữa được.

PV: Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh hiệu quả thưa ông?

- GS.TS Nguyễn Văn Kính: Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, thì người dân phải tự nhận thức được vấn đề dùng thuốc của mình. Không tự ý đi mua thuốc khi không có đơn của thầy thuốc. Đặc biệt, không sử dụng đơn thuốc của người khác để đi mua thuốc chữa bệnh cho mình. Bởi cùng một bệnh cảnh đó, tuy nhiên căn nguyên gây bệnh ở mỗi người khác nhau. Bởi vậy, khi thấy cơ thể mình có những dấu hiệu bất thường, mọi người nên đến các cơ sở y tế, để được bác sĩ thăm khám và điều trị với những đơn thuốc có kháng sinh hợp lý.

Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Giám đốc và bác sĩ bệnh viện, UBND huyện, UBND và Trạm Y tế xã Kim Chung đã ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Thứ hai, để phòng chống tình trạng kháng kháng sinh, tốt nhất mọi người nên giảm sử dụng kháng sinh đi. Nguyên tắc muốn giảm như vậy phải cho thuốc hợp lý và đúng cách. Và muốn giảm kháng sinh, thì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Mọi người có thể phòng bằng các biện pháp chủ động như tiêm phòng vắc xin do vi khuẩn gây nên... Đặc biệt, chúng ta phải kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, để không còn tồn dư kháng sinh trong các sinh phẩm chăn nuôi khi sử dụng.

Đồng thời, muốn giảm tình trạng kháng kháng sinh hiện nay chúng ta phải phát hiện sớm căn bệnh. Hiện nay, thế giới đang khuyến cáo chúng ta có thể sử dụng một test – kiểm tra CRV rất nhanh để chúng ta xét nghiệm cho những trường hợp có sốt. Bình thường CRV dưới 10mg thì người bệnh không cần dùng kháng sinh. Đối với những trường hợp đó, nhiễm khuẩn có thể không phải là do vi khuẩn, mà có thể do cảm cúm, cảm lạnh hoặc thậm chí do vi rút… những căn nguyên gây sốt này không cần kháng sinh cũng tự khỏi.

Bên cạnh đó, việc kê đơn kháng sinh phải phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng và tác nhân gây bệnh. Như vậy đời hỏi các thầy thuốc phải thường xuyên được tập huấn, được cập nhập những vi sinh vật đã kháng những thuốc gì, để khi chúng ta nghĩ đến thì có thể chọn những thuốc thật nhạy cảm với vi khuẩn để chúng ta chữa đúng đối với loại vi khuẩn gây bệnh đó, thay vì cứ kê đơn sử dụng kháng sinh tràn lan. Bởi càng lạm dụng kháng sinh càng tạo ra áp lực thuốc chọn lọc cho vi sinh vật, khiến cho nguy cơ kháng kháng sinh càng cao hơn.

Ngoài ra, để dự phòng kháng thuốc, nhiễm khuẩn trong bệnh viện ngoài việc nâng cao nhận thức, thì ngay trọng bệnh viện chúng ta cũng phải áp dụng các biện pháp thực hiện kê đơn cho đúng. Và mỗi một bệnh viện như vậy cần có một khoa vi sinh lâm sàng, để các bác sĩ có thể phát hiện sớm căn nguyên và vi khuẩn, để điều trị bệnh cho đúng đắn.

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa thông điệp sử dụng kháng sinh có trách nhiệm được đưa ra tại buổi lễ?

- GS.TS Nguyễn Văn Kính: Tại lễ phát động, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Giám đốc và bác sĩ bệnh viện, UBND huyện Đông Anh, UBND xã và Trạm Y tế xã Kim Chung đã ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Qua đó, Bệnh viện kêu gọi mỗi người cần có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng kháng sinh, người sử dụng không được tự ý uống kháng sinh, người bán thuốc không bán khi không có đơn, người chăn nuôi không sử dụng kháng sinh tràn lan. Có như vậy mới có thể đẩy lùi tình trạng kháng thuốc nói chung, kháng kháng sinh nói riêng đang đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc do WHO phát động từ ngày 12/11/2018 – 18/11/2018 và thực hiện Kế hoạch số 1014/KH-BYT ngày 25/9/2018 của Bộ Y tế về Kế hoạch triển khai truyền thông phòng chống kháng thuốc từ năm 2018 - 2020. Theo đó, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực y tế kêu gọi thực hiện có hiệu quả việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, hợp lý, nhằm ngăn chặn mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và sự phát triển của toàn thế giới. Bởi, nếu không hành động ngày hôm nay, ngày mai không còn thuốc chữa. Vậy nên tất cả người dân cùng phải sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Cũng tại buổi lễ, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cảnh báo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015 của Tổ chức IMS Health cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh.

Nguyên nhân của tình trạng đề kháng kháng sinh theo ông Thái đến từ nhiều phía. Từ phía thầy thuốc, đó là hệ quả của việc kê đơn kháng sinh chưa hợp lý, chỉ định sử dụng quá mức (phổ rộng, liều cao, kéo dài…) hoặc sử dụng không đủ liều. Ngoài ra, một nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh tự ý mua thuốc kháng sinh, dùng kháng sinh không đủ ngày, đủ liều… Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc gia cầm, việc dược sỹ tự bán thuốc kháng sinh cho bệnh nhân cùng với những bất cập trong nhiễm trùng bệnh viện… cũng góp phần làm cho tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng.

Minh Khuê thực hiện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/su-dung-khang-sinh-co-trach-nhiem-83167.html