Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Hưởng ứng Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh (từ ngày 12 đến 18-11), các cơ quan quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực y tế kêu gọi thực hiện có hiệu quả khẩu hiệu 'Kháng sinh: Sử dụng có trách nhiệm', nhằm ngăn chặn mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và sự phát triển của toàn thế giới.

Hưởng ứng Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh (từ ngày 12 đến 18-11), các cơ quan quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực y tế kêu gọi thực hiện có hiệu quả khẩu hiệu “Kháng sinh: Sử dụng có trách nhiệm”, nhằm ngăn chặn mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và sự phát triển của toàn thế giới.

Thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp cho con người trong điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Nhờ có thuốc kháng sinh đã giúp kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên, nhưng việc sử dụng không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị, đòi hỏi phải có nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe, an ninh lương thực và sự phát triển của toàn cầu. Kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, ở bất kỳ quốc gia nào.

Hiện nay, số lượng các bệnh nhiễm trùng ngày càng tăng, như viêm phổi, lao, lậu và nhiễm khuẩn salmonella đang trở nên khó điều trị hơn khi các loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị chúng trở nên kém hiệu quả.

Tác động của kháng kháng sinh là rất nghiêm trọng, làm tăng chi phí điều trị do phải sử dụng thuốc đắt tiền và kéo dài thời gian điều trị, tạo ra những gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội. Kháng kháng sinh đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào các nguy cơ, như việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng. Kháng thuốc đang bắt đầu làm phức tạp cuộc chiến chống lại các căn bệnh: lao, HIV và sốt rét. Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu có thể lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm.

WHO cảnh báo, với sự phát triển của thương mại và du lịch toàn cầu, các vi sinh vật kháng thuốc có thể lây lan nhanh chóng đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu không có hành động hiệu quả đối phó tình trạng này, đến một ngày nào đó, nhiều bệnh truyền nhiễm sẽ trở nên không kiểm soát được. Trong lúc này, hai nguyên tắc quan trọng nhất được nhiều chuyên gia y tế khuyên dùng để kháng sinh phát huy tác dụng là dùng đúng và đủ.

Đứng trước dự báo tương lai phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả bệnh nhiễm trùng, từ năm 2011, WHO đã kêu gọi các quốc gia khẩn cấp có kế hoạch để đối phó tình trạng kháng thuốc. Tháng 5-2015, Hội đồng Y tế thế giới đã thông qua Kế hoạch hành động toàn cầu về chống kháng thuốc. Mục tiêu đầu tiên của Kế hoạch hành động là “nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc thông qua truyền thông, giáo dục và đào tạo hiệu quả”. Để đạt được mục tiêu này, WHO công bố chiến dịch với khẩu hiệu “Kháng sinh: Sử dụng có trách nhiệm” trong Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng sinh.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc như: thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc; tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng và nhân viên y tế về kháng thuốc; thiết lập mạng lưới giám sát tại 16 bệnh viện; theo dõi tiêu thụ kháng sinh; thực hiện Chương trình quản lý kháng sinh trong bệnh viện; tăng cường quy định về thuốc kháng sinh trên thị trường; thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn. Mặt khác các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường cũng đã ký kết Bản ghi nhớ thể hiện cam kết và phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề kháng thuốc trên các lĩnh vực.

Hưởng ứng Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh, Bộ Y tế kêu gọi các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và người dân hãy hành động, cùng nhau thực hiện khẩu hiệu: “Kháng sinh: Sử dụng có trách nhiệm” để thắp lên ánh sáng hy vọng vào tương lai tươi sáng của công cuộc phòng, chống kháng thuốc, bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên thế giới. Theo đó, mỗi người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ, không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng; luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh. Đối với các nhân viên và cơ sở y tế cần bảo đảm bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết; hướng dẫn người bệnh, người dân về việc ngăn ngừa nhiễm trùng. Đối với các nhà thuốc, chỉ bán thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ; cung cấp kháng sinh có chất lượng; tư vấn cho người bệnh, người dân về sử dụng kháng sinh đúng cách, nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng.

Đối với các cơ sở, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh cho động vật dưới sự giám sát của bác sĩ thú y. Không sử dụng thuốc kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc phòng ngừa bệnh ở những động vật khỏe mạnh. Tiêm vắc-xin cho động vật để giảm nhu cầu dùng kháng sinh và sử dụng các sản phẩm thay thế kháng sinh. Thúc đẩy và áp dụng thực hành tốt trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Cải thiện an toàn sinh học trong các trang trại và ngăn ngừa nhiễm khuẩn thông qua cải thiện vệ sinh và bảo vệ, chăm sóc động vật.

Kháng kháng sinh trên toàn cầu do nhiều yếu tố khác nhau, như kê đơn và cấp phát kháng sinh quá mức; người bệnh sử dụng kháng sinh không theo kê đơn của bác sĩ hoặc sử dụng kháng sinh không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt ở trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải chưa thích hợp; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.

QUANG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/38248902-su-dung-khang-sinh-co-trach-nhiem.html