Sử dụng học thuyết Freud để lý giải câu chuyện trong phim kinh dị 'US'

Hình ảnh Adelaide trình diễn điệu múa trở đi trở lại xuyên suốt bộ phim, đồng thời cũng được xem là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển tâm lý của nhân vật. Để lý giải câu chuyện giữa Adelaide bản thể và bản sao, nhiều khán giả đã sử dụng đến học thuyết phân tâm học của Sigmund Freud.

Nối tiếp thành công của Get Out, đạo diễn kiêm biên kịch Jordan Peele tiếp tục cho ra mắt phim kinh dị “hack não” Us, chuyện phim theo chân gia đình bốn người Adelaide Wilson (Lupita Nyong'o), Gabe Wilson (Winston Duke), con trai Jason Wilson (Evan Alex) và con gái Zora Wilson (Shahadi Wright Joseph).

Adelaide Wilson (Lupita Nyongo), Jason Wilson (Evan Alex), Zora Wilson (Shahadi Wright Joseph) và Gabe Wilson (Winston Duke)

Adelaide Wilson (Lupita Nyongo), Jason Wilson (Evan Alex), Zora Wilson (Shahadi Wright Joseph) và Gabe Wilson (Winston Duke)

Trong chuyến đi chơi biển vào dịp nghỉ hè, cả gia đình chạm mặt nhóm người đáng sợ được gọi là ”The Tethered” - phiên bản kinh dị của chính bản thân mình. Với chất kinh dị xen lẫn yếu tố hài hước, khó đoán, bộ phim phủ lên lớp sương mù từ đầu cho đến cuối phim, khiến khán giả rơi vào trạng thái ngơ ngác ngay cả khi màn hình đã tối đen.

Trong plot-twist cuối cùng, Adelaide Wilson thật vốn dĩ đã bị đánh tráo với bản sao của mình từ khi còn nhỏ. Red - trong thân phận của Adelaide - sống cuộc đời của một bản thể thật sự, trong khi Adelaide phải sống dưới tầng hầm cùng “Người bị xích”, dần mất đi khả năng giao tiếp và hoạt động như con người bình thường.

Hình ảnh Adelaide trình diễn điệu múa trở đi trở lại xuyên suốt bộ phim, đồng thời cũng được xem là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển tâm lý của nhân vật. Để lý giải câu chuyện giữa Adelaide bản thể và bản sao, nhiều khán giả đã sử dụng đến học thuyết phân tâm học của bác sĩ thần kinh, nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud (tên đầy đủ Sigmund Schlomo Freud).

Theo quan niệm của Freud về cấu trúc nhân cách, ông nhận định nhân cách con người gồm 3 bộ phận: Id - bản năng, ego - bản ngã và super ego - siêu ngã. Bản năng là phần ban sơ của nhân cách, có chung với các loài động vật khác, đây cũng là nơi của những bản năng và hoạt động dựa trên nguyên tắc thỏa mãn (nguyên tắc khoái lạc).

Vào khoảng 6 tháng tuổi, bản ngã xuất hiện từ nhu cầu của bản năng để cân bằng giữa khoái lạc con người và sự thỏa mãn trong thực tế. Ego - cái tôi được phú cho những chức năng như: tri giác, trí nhớ… Phần còn lại trong mô hình cấu trúc 3 thành phần là siêu ngã - superego, xuất hiện khi con người được 5 tuổi. Siêu ngã hình thành nên giá trị cá nhân, những quy tắc đạo đức giúp con người đánh giá hành vi đúng sai, giúp xã hội phát triển tốt đẹp, bình đẳng hơn.

Vận dụng cấu trúc nhân cách 3 thành phần của Freud để lý giải sự phát triển tâm lý của Adelaide thật và Adelaide giả, có thể thấy rằng, “người bị xích” chính là Id, cũng mang những bản năng và nhu cầu thỏa mãn giống hệt với bản thể, nhưng không sở hữu bản ngã và siêu ngã như người thật.

Sau cuộc đánh tráo vào đêm định mệnh, “Adelaide giả” được sống cuộc đời của một người bình thường, tại đây, ngôn ngữ, giáo dục, cuộc sống gia đình và xã hội đã giúp cô tìm thấy siêu ngã, từ đó cân bằng với bản năng để hình thành cái tôi. Đây là một cái tôi có nhận thức, trân trọng hạnh phúc gia đình và ngày càng hoàn thiện bản thân từ nguồn gốc “Người bị xích”.

Ngược lại, được đưa xuống hầm cùng đám “Người bị xích” từ khi còn quá nhỏ, Adelaide thật đánh mất siêu ngã, gần như đã tin mình là bản sao với những bản năng thông thường: hoạt động hoàn toàn dựa trên nguyên tắc thỏa mãn. Song, điệu nhảy được trình diễn trên sân khấu của Adelaide giả đã làm thay đổi tất cả.

Điệu nhảy - hay rộng ra là nghệ thuật - đã đánh thức siêu ngã sâu thẳm bên trong Adelaide sống dưới tầng hầm - vốn dĩ là một con người bản thể. Theo lời cô: “Chúa đã soi sáng tôi”, song thực chất, chính nhân vật đã tìm thấy bản ngã của chính mình, thôi thúc Adelaide tìm được lý tưởng và giải thoát cho những con người bị xích dưới tầng hầm.

Học thuyết Freud chỉ là một góc nhìn để lý giải quá trình phát triển tâm lý nhân vật trong Us - một bộ phim kinh dị “hack não” sở hữu những nguyên tắc và định luật riêng được đạo diễn - biên kịch Jordan Peele nhào nặn và phát triển. Song tựu trung lại, tác phẩm vẫn nỗ lực truyền tải tầng tầng lớp lớp thông điệp, trong đó là hành trình vượt qua chính bản thân mình để vươn đến một cuộc sống tốt đẹp, xã hội bình đẳng hơn.

Grassie

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/su-dung-hoc-thuyet-freud-de-ly-giai-cau-chuyen-trong-phim-kinh-di-us-4819589.html