Sử dụng hình ảnh người dân cung cấp để phạt nguội vi phạm giao thông: Liệu có khả thi?

Bộ GTVT đang xem xét, lấy ý kiến về việc sử dụng hình ảnh từ thiết bị máy ảnh, camera của người dân cung cấp dùng để phạt nguội vi phạm giao thông.

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, cục CSGT, bộ Công an bày tỏ đồng tình với phương án sử dụng hình ảnh từ thiết bị máy ảnh, camera của người dân cung cấp sẽ được dùng để phạt nguội vi phạm giao thông.

Theo ông Sơn, thời gian gần đây, nhờ các hình ảnh, clip do người dân cung cấp nên rất nhiều vụ việc người tham gia giao thông vi phạm đã được xử lý kịp thời và bản thân người vi phạm cũng đồng ý với quyết định xử phạt đó. Tuy nhiên, để phương án có thể áp dụng vào thực tế thì bước kiểm tra, thẩm định lại thông tin phản ánh là rất quan trọng.

Đại tá Trần Sơn cho biết thêm: “Cơ quan chức năng cũng cần đưa ra một hệ thống quy định cụ thể đối với người quay clip, chụp ảnh như: Vị trí, khoảng cách chụp ảnh là bao nhiêu để đảm bảo an toàn và tránh gây ùn tắc giao thông; Người quay clip hay chụp ảnh cũng phải tôn trọng người vi phạm,...”.

Theo dự thảo Nghị định 46 sửa đổi, bên cạnh các trang thiết bị được kiểm định của lực lượng chức năng, hình ảnh từ thiết bị máy ảnh, camera của người dân cung cấp sẽ được dùng để phạt nguội vi phạm giao thông.

Theo dự thảo Nghị định 46 sửa đổi, bên cạnh các trang thiết bị được kiểm định của lực lượng chức năng, hình ảnh từ thiết bị máy ảnh, camera của người dân cung cấp sẽ được dùng để phạt nguội vi phạm giao thông.

Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng: “Đây là một trong những giải pháp có thể giảm thiểu tai nạn giao thông, trong trường hợp người vi phạm không đồng ý thì người ta có quyền yêu cầu giám định hình ảnh hoặc khiếu nại quyết định xử phạt. Khi đó, cơ quan Nhà nước sẽ phải giải quyết để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đối với những bức ảnh, clip do người dân cung cấp, cơ quan chức năng và cụ thể là bộ GTVT và các cục CSGT, giao thông đường bộ phải dựa vào hình ảnh sắc nét, rõ ràng chứ không thể dựa vào hình ảnh mà người nói đúng, người nói sai. Trên thực tế có nhiều trường hợp xử phạt bằng hình ảnh ghi lại qua camera ghi lại rồi chứ không phải chưa từng xảy ra.

Ngoài ra, trong Bộ luật hình sự, đối với những hành vi phạm tội thì cũng có thể dựa vào những tố giác của cá nhân tổ chức. Nên đối với trường hợp này thì cơ quan chức năng có thể đối chiếu với tố giác của các cá nhân tổ chức khác".

Theo ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng vụ ATGT, để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông, dự thảo bổ sung 3 nội dung mới để phạt nguội, trong đó có sửa đổi quy định xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

Khi người dân quay hay chụp được cảnh vi phạm sẽ cung cấp cho cơ quan chức năng làm căn cứ xử phạt. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang sử dụng hình ảnh do người dân cung cấp để làm cơ sở mời chủ phương tiện hợp tác xác minh người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm. Trên cơ sở đó làm việc với người có hành vi vi phạm, yêu cầu họ xác nhận và ký biên bản làm căn cứ ra quyết định xử phạt cụ thể.

Về trách nhiệm chủ phương tiện, ông Tùng cho biết, dự thảo quy định, khi phát hiện hành vi vi phạm qua thiết bị nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được để xử lý, sẽ gửi thông báo yêu cầu cá nhân, tổ chức đến trụ sở giải quyết. Chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng xác định đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân nếu không hợp tác, không chứng minh được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thì bị xử phạt hành vi vi phạm.

Đối với trường hợp chủ phương tiện không phối hợp cũng không bị xử lý, dự thảo lần này sẽ giải quyết vấn đề này bằng quy định: Nếu chủ phương tiện không hợp tác sẽ phạt luôn lỗi này. Bên cạnh đó, nếu chủ phương tiện không chứng minh được là không điều khiển xe gây ra hành vi vi phạm cũng sẽ bị xử phạt.

Ông Tùng cũng cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng trong việc xử lý vi phạm giao thông, cơ quan chức năng cần có thêm thời gian để bổ sung, sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn trước khi áp dụng vào quy định.

Nguyễn Lâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/su-dung-hinh-anh-nguoi-dan-cung-cap-de-phat-nguoi-vi-pham-giao-thong-lieu-co-kha-thi-a442083.html