Sử dụng đúng quyền hạn

Người dân được quyền giám sát hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông từ ngày 15-1-2020 theo Thông tư số 67/2019 của Bộ Công an về dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo đó, người dân được ghi âm, ghi hình và quan sát trực tiếp hoạt động của lực lượng này nhưng ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Ảnh minh họa.

Sau khi thông tư có hiệu lực, đã có một số người dân bước đầu thực hiện quyền của mình, thậm chí có người rất hào hứng với việc làm này.

Đây là điều rất bình thường và được khuyến khích nhằm góp phần thôi thúc, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong thực thi pháp luật cũng như xây dựng hình ảnh, lề lối, tác phong của lực lượng cảnh sát giao thông.

Điều không bình thường và rất đáng lo ngại là sẽ có người vì những mục đích cá nhân mà lạm dụng quyền hạn này dẫn đến việc gây ra sự cản trở hoạt động bình thường của lực lượng cảnh sát giao thông trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Đây là một điều không xa lạ, bởi trên mạng xã hội thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nhan nhản các clip được phát tán lên không gian này với những mục đích khác nhau. Trong số đó có nhiều clip ghi lại những cuộc đối thoại của một số người dân với lực lượng cảnh sát giao thông bằng thái độ thiếu kiềm chế, thậm chí khiêu khích, lăng mạ, xúc phạm. Thông qua việc phát tán các clip này ít nhiều đã gây ra những thông tin trái chiều làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của ngành công an nói chung, lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng.

Với việc được phép ghi âm, ghi hình lực lượng cảnh sát giao thông trong khi thực thi nhiệm vụ sẽ tạo thêm cơ hội để người dân phối hợp cung cấp những nguồn tư liệu cho các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan bảo vệ pháp luật để làm căn cứ xử lý vi phạm. Tuy nhiên đó phải là những thông tin trung thực, được cung cấp đúng chỗ, đúng thời điểm.

Tuyệt đối không được lạm dụng quyền hạn này để thực hiện việc giám sát gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của lực lượng cảnh sát giao thông. Đặc biệt, không vì bức xúc do bị xử phạt mà ai đó lại thực hiện các hành vi cắt ghép hình ảnh để ngụy tạo thông tin nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự của lực lượng cảnh sát giao thông.

Chúng ta phải luôn nhớ rằng, gắn với việc được trao quyền luôn là sự đòi hỏi phải sử dụng thứ quyền ấy sao cho đúng quy định của pháp luật mới chính là con người văn hóa. Có như thế việc thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo Thông tư số 67/2019 của Bộ Công an mới thực sự góp phần vào việc xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông ngày càng trong sạch, vững mạnh, chứ không phải làm chùn tay người thực thi pháp luật.

An Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/su-dung-dung-quyen-han/113316.htm