Sử dụng đất, đá thải mỏ để san lấp các dự án

Để chủ động chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu phục vụ san lấp, triển khai các dự án, hạn chế tác động đến môi trường khu vực, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp ngành Than để rà soát, tận thu các nguồn vật liệu đất đá thải.

Mỗi năm TKV đổ ra các bãi thải sau khai thác hàng trăm triệu m3 đất, đá thải mỏ.

Mỗi năm TKV đổ ra các bãi thải sau khai thác hàng trăm triệu m3 đất, đá thải mỏ.

Để chủ động chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu phục vụ san lấp, triển khai các dự án, hạn chế tác động đến môi trường khu vực, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp ngành Than để rà soát, tận thu các nguồn vật liệu đất đá thải.

Theo đó, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý khoảng 1.210 triệu m3, lượng đất đá thải phát sinh hằng năm khoảng 150 triệu m3; khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tổng Công ty Đông Bắc quản lý khoảng 268,5 triệu tấn.

Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết, giai đoạn 2020-2025, dự kiến nhu cầu đất, cát san lấp mặt bằng trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 100 triệu m3/năm. Đặc biệt khu vực phía tây của tỉnh, nhu cầu sử dụng đất, cát san lấp lớn để triển khai các dự án trọng điểm như Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, KCN và đô thị Đầm Nhà Mạc và các dự án tại TP Hạ Long… là rất lớn.

Quan điểm của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc về vấn đề này là thống nhất và ủng hộ với chủ trương của tỉnh Quảng Ninh về sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ thi công các dự án. Đồng thời, tính toán phương án đường vận chuyển, khu vực bến, cảng xuất đất đá thải trên cơ sở sử dụng đường nội mỏ, các cảng chuyên dụng. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh xem xét hỗ trợ các đơn vị ngành than lập quy hoạch, phương án khai thác đất đá thải trong quá trình khai thác và chế biến than; giao các đơn vị mỏ chủ động phương án khai thác, sử dụng đất đá mỏ làm vật liệu san lấp; điều chỉnh đánh giá tác động môi trường do phương án phục hồi môi trường tại các mỏ đã được phê duyệt; hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định trong khai thác, sử dụng vật liệu đất đá thải đi kèm trong quá trình khai thác và chế biến than.

Các bãi thải đất, đá trong quá trình khai thác than ngày càng ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết: Theo ước tính, hằng năm, ngành Than bóc xúc, đổ thải hàng trăm triệu m3 đất đá tại các mỏ, lượng đất đá ngày càng có xu hướng tăng lên do các mỏ khai thác xuống sâu, phải mở rộng và tăng hệ số bóc xúc. Để bảo đảm môi trường, phát triển bền vững, giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và ngành Than, nâng cao chất lượng môi trường sống khu dân cư, tỉnh đã và đang triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, rất cần nguồn vật liệu san lấp mặt bằng ngày càng khan hiếm. Vì thế, để hạn chế khai thác tài nguyên khu vực liền kề dự án thì việc sử dụng nguồn vật liệu từ các bãi thải là phù hợp, đáp ứng yêu cầu hạ thấp bãi thải mỏ, yêu cầu đầu tư, phát triển bền vững, phù hợp xu hướng kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, giải quyết được khó khăn về diện đổ thải, giảm cung độ vận tải cho mỏ than, giảm bớt chi phí bảo vệ môi trường cho ngành than.

Về phía tỉnh Quảng Ninh sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vật liệu đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp mặt bằng cho các dự án. Do đó, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng làm việc với TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, xác định lại chính xác trữ lượng đất đá thải huy động được, nhu cầu đất đá san lấp tại các dự án, dự thảo đơn giá cụ thể đối với vật liệu san lấp là đất đá thải mỏ để thông tin đến các chủ đầu tư dự án và báo cáo UBND tỉnh. Riêng đối với những bãi thải mỏ đã đóng cửa mỏ, yêu cầu TKV, Tổng Công ty Đông Bắc phải sớm bàn giao lại cho tỉnh để quản lý.

QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/vi-moi-truong-xanh/su-dung-dat-da-thai-mo-de-san-lap-cac-du-an--628552/