Sử dụng các biện pháp tránh thai thực hiện KHHGĐ

Các biện pháp tránh thai (BPTT) không chỉ giúp chị em phụ nữ bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, mà còn góp phần thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Để tìm hiểu rõ hơn về lợi ích và những hiệu quả của các BPTT hiện đại, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh (ảnh), Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh.

- Bác sĩ có thể cho biết, chủ động phòng tránh thai mang lại lợi ích gì?

- Bác sĩ có thể cho biết, chủ động phòng tránh thai mang lại lợi ích gì?

+ Tại Quảng Ninh, theo thống kê 9 tháng năm 2020, số ca phá thai ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là gần 7.000 ca, trong đó phá thai vị thành niên chiếm 13,2% các trường hợp phá thai.

Nạo phá thai ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của phụ nữ, đặc biệt là đối với vị thành niên.

Sau nạo phá thai không an toàn có thể gặp các tai biến tức thời như chảy máu (băng huyết), thủng tử cung, sót nhau, sót thai, nhiễm khuẩn và có thể tử vong do phá thai, nhất là phá thai phạm pháp.

Các tai biến muộn như viêm nhiễm mạn tính ở tử cung và phần phụ (buồng trứng, ống dẫn trứng, tiểu khung) mà hậu quả cuối cùng là tắc ống dẫn trứng, dính tử cung khiến bạn gái sau này không còn khả năng thụ thai (vô sinh).

Đối với tuổi vị thành niên mà nạo phá thai, mức độ mắc bệnh và biến chứng sau này còn nặng nề hơn rất nhiều.

Ngày nay có rất nhiều biện pháp tránh thai an toàn và đạt hiệu quả cao với những ưu, nhược điểm riêng phù hợp cho phụ nữ.

Chính vì vậy, chủ động phòng tránh thai mang lại nhiều lợi ích, giúp phụ nữ chủ động thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Từ đó, mỗi gia đình không sinh quá nhiều con. Người phụ nữ có sức khỏe, thời gian chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn và cũng có nhiều thời gian làm kinh tế góp phần nâng cao chất lượng đời sống gia đình.

Khi không sinh con quá sớm, quá dày hoặc quá muộn, đặc biệt ở phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý sẽ hạn chế được các tai biến sản khoa. Đẻ nhiều, đẻ dày người phụ nữ dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí dẫn đến tử vong.

Chủ động phòng tránh thai còn giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai, viêm gan B, sùi mào gà...

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh tư vấn cho khách hàng các BPTT tại phòng khám Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh.

- Hiện nay, người dân có thể tiếp cận những phương tiện tránh thai hiện đại nào, thưa bác sĩ?

+ Ngoài CDC Quảng Ninh thì các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế và các bệnh viện, phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh đều có thể cung ứng các BPTT hiện đại, an toàn.

Bên cạnh đó, người dân cũng có thể tiếp cận các dịch phụ phòng tránh thai dựa vào cộng đồng, thông qua mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ tại thôn, bản cung cấp bao cao su và viên uống tránh thai. Đồng thời có thể tự mua tại các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân.

Hiện nay, các BPTT hiệu quả được áp dụng rộng rãi, như: Dụng cụ tử cung, bao cao su, thuốc uống tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai, miếng dán tránh thai, triệt sản nam, triệt sản nữ...

Trong đó, các BPTT như bao cao su, thuốc tránh thai, đặt dụng cụ tử cung cho hiệu quả tránh thai cao song cần lưu ý: Sử dụng bao cao su không đúng cách, bao cao su rách thủng do chất lượng kém hoặc bị tuột khi yêu có thể gây vỡ kế hoạch. Đặt dụng cụ tử cung đôi khi có thể gây đau bụng, kinh nhiều, hoặc viêm nhiễm vùng chậu, viêm âm đạo.

Đối với những chị em sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày cần lưu ý những chỉ định, chống chỉ định của thuốc, không dùng thuốc tránh thai đối với người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, có tổn thương mạch máu, bệnh gan nặng, đau nửa đầu, viêm tụy, đã biết hoặc nghi ngờ có u ác tính...

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số chỉ rõ, cần củng cố mạng lưới dịch vụ KHHGĐ, phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân. Tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập.

Đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng; thúc đẩy cung cấp dịch vụ qua mạng. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục củng cố mạng lưới, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội.

Mục tiêu đến năm 2030, mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Nguyễn Hoa (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202012/su-dung-cac-bien-phap-tranh-thai-thuc-hien-khhgd-2513463/