Sự đối lập giữa hai nghệ sĩ vĩ đại thời Phục Hưng

Leonardo nổi tiếng bởi vẻ đẹp, phong thái duyên dáng, đa tài, trong khi Michelangelo lại nổi tiếng không kiểu cách, khép kín và chỉ tập trung vào nghệ thuật.

Với việc lắp đặt tượng David, Michelangelo trở thành nhà điêu khắc được vinh danh nhất châu Âu, danh tiếng của ông như một nghệ sĩ bị vượt qua chỉ bởi Leonardo trong vai trò này. Sự hiện diện cùng lúc của hai nghệ sĩ vĩ đại ở Florence chắc chắn sẽ làm phát sinh ngọn lửa cạnh tranh ở những người đàn ông đầy tham vọng này, đặc biệt là Michelangelo trẻ tuổi, người cảm thấy phải chứng tỏ mình nhiều hơn.

Sự ganh đua giữa họ là sản phẩm của cả tính khí tương phản cũng như thiên tài tương đồng của cả hai. Khi còn trẻ Leonardo nổi tiếng bởi vẻ đẹp, phong thái duyên dáng, và sự đa tài của mình (ông có giọng hát mượt mà và khả năng chơi sáo ngẫu hứng tuyệt vời), trong khi Michelangelo lại nổi tiếng không kiểu cách, khép kín và chỉ tập trung nghiêm ngặt vào việc hoàn thiện nghệ thuật của bản thân.

 Chân dung tự họa của Leonardo da Vinci.

Chân dung tự họa của Leonardo da Vinci.

“Người trời” Leonardo lạnh lùng, thanh lịch và tách biệt; Michelangelo lại dữ dội, luộm thuộm và nóng nảy. Những khác biệt này, lần lượt, xác định bản chất của sự tương tác giữa họ. Trong khi bản năng của Leonardo là phớt lờ hoặc nhẹ nhàng chế giễu người đồng nghiệp trẻ tuổi, thì Michelangelo lại đả kích đối thủ của mình.

Leonardo vừa bước sang tuổi 52 khi David ra mắt tại quảng trường Piazza della Signoria. Ông đã trở thành người cha già của nghệ thuật Italy, một nhân vật huyền thoại mà những thành tựu thực tế đạt được dường như không bao giờ đo lường hết được tầm vóc trí tuệ của ông.

“Tài năng thiên bẩm của ông thật vĩ đại”, Vasari viết, “và khi nó càng phát triển, bất cứ khó khăn nào ông tập trung chú ý, ông đều giải quyết chúng một cách dễ dàng”.

Thật không may, Leonardo thường quay sang những khó khăn mới trước khi đem đến một kết cục thỏa đáng cho cái cũ, bỏ lại sau lưng một danh sách dài các dự án dang dở hoặc bị hủy hoại thậm chí còn nhiều hơn số Michelangelo gây ra. Một nhà bảo trợ chán nản phàn nàn: “Người đàn ông này sẽ không bao giờ làm gì cả. Ở đây, ông ta đang nghĩ đến chuyện kết thúc công việc trước cả khi bắt đầu nó!”.

Vào năm 1500, Leonardo đã trở về quê hương Florence, nơi ông đề nghị phục vụ với tư cách một kỹ sư quân sự trong cuộc chiến với Pisa. [...]

Những nỗ lực trong nghệ thuật của da Vinci trong thời gian này gặt hái được nhiều thành công hơn. Tranh thủ thời gian rảnh khỏi trách nhiệm quân sự, Leonardo sáng tác vài tác phẩm tranh ghép theo đặt hàng riêng của người dân và các viện tôn giáo.

Michelangelo qua tranh của Jacopino del Conte.

Trong khi Michelangelo lao động miệt mài với tượng David, Leonardo bắt đầu bức chân dung vẽ phu nhân của một thương nhân Florence nổi tiếng, Francesco del Giocondo, kết hợp phông nền là những nghiên cứu phong cảnh ông đã thực hiện khi theo đuổi giấc mơ dẫn ống nắn dòng Sông Arno.

Những phần đầu tiên của bức chân dung này, giờ đây được biết đến với cái tên Mona Lisa, bị che đậy trong bí ẩn, nhưng phần lớn việc thực hiện tác phẩm đều được Leonardo, vốn luôn thích phô diễn, vui vẻ cho công chúng theo dõi.

Trong khi ông để mở cửa xưởng vẽ, cho phép đám đông tới trầm trồ trước những sáng tác mới nhất của mình, Michelangelo xây lên những bức tường cao ngăn cách họ ở bên ngoài.

Một vụ việc đặc biệt tiết lộ mức độ thù ghét sâu sắc của Michelangelo. Chuyện đến từ một ghi chép ẩn danh năm 1544, người ta có thể coi đây là ngụy tác ngoại trừ việc nó rất phù hợp với những cơn bùng nổ khác đã được ghi lại thành tư liệu cẩn thận. Một ngày nọ, câu chuyện bắt đầu.

Leonardo... đang đi bộ qua các băng ghế ở Cung điện Spini, nơi các quý ông đang tụ tập... tranh luận về một đoạn thơ của Dante. Họ hoan nghênh Leonardo, nói rằng ông nên thảo luận với họ về đoạn thơ này. Và tình cờ lúc ấy Michelangelo đi ngang qua và được một trong số họ gọi đến, và Leonardo nói: “Michelangelo sẽ giải thích nó cho các vị”.

Michelangelo dường như cảm thấy Leonardo nói vậy để mỉa mai mình, và ông trả lời giận dữ: “Ông tự đi mà giải thích, ông, kẻ đã tạo ra thiết kế một con ngựa để đúc bằng đồng nhưng đã không đúc nổi nó và từ bỏ dự án trong nhục nhã”. Nói đoạn liền quay người bỏ đi. Leonardo đứng tại chỗ, đỏ mặt vì những lời lẽ này.

Cuộc đụng độ giữa Leonardo kiêu ngạo và Michelangelo bất an có nguồn cơn của sự thật, nhưng sự ganh đua giữa hai người đàn ông vĩ đại này đem đến nhiều lợi ích hơn là những nhỏ nhen vụn vặt gợi ra trong câu chuyện này.

Ngạc nhiên là trường hợp rõ ràng nhất khi một nghệ sĩ trích dẫn đến người kia trong một bức vẽ của Leonardo, vừa là sự tôn vinh dành cho David của Michelangelo, vừa là một phê bình tinh tế, khi ông “sửa lại” một số sai sót nhận thấy trong bản gốc, bao gồm, một cách rõ ràng nhất, tỉ lệ phi-Vitruvius của nó.

Miles J. Unger / NXB Dân trí liên kết Omega Plus

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-doi-lap-giua-hai-nghe-si-vi-dai-thoi-phuc-hung-post1174381.html