'Sự đối kháng quân sự Mỹ-Trung đang biến đổi về chất - đây mới là điều nguy hiểm!'

Đó là nhan đề bài phân tích của nhà bình luận quốc tế Kỷ Lan đăng trên trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 31/10. Tác giả cho rằng sự đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang biến đổi về chất, đó mới thực sự là điều rất nguy hiểm.

 Sự đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang có sự biến đổi về chất theo chiều hướng nguy hiểm (Ảnh: Dwnews).

Sự đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang có sự biến đổi về chất theo chiều hướng nguy hiểm (Ảnh: Dwnews).

Tác giả viết, liệu Trung Quốc và Mỹ có nổ súng vào nhau hay không đã trở thành chủ đề nóng của dư luận. Trung Quốc vừa tổ chức kỷ niệm trọng thể kỉ niệm 70 năm cuộc “kháng Mỹ viện Triều”, nội dung phát biểu liên quan của ông Tập Cận Bình bị coi “gần như là lệnh động viên chiến tranh”. Đồng thời, Trung Quốc ban hành Luật Quốc phòng (Dự thảo sửa đổi), trong đó bổ sung các điều “ngăn chặn ly khai" và bảo vệ "lợi ích phát triển" của quốc gia là điều kiện khai chiến, cũng được coi là nhằm vào Đài Loan và Mỹ.

Gần đây có tin máy bay Mỹ bay qua thành phố Đài Bắc, Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc nói rằng nếu máy bay quân sự Mỹ bay qua Đài Loan, có thể tin rằng quân đội Trung Quốc (PLA) cũng sẽ cho máy bay chiến đấu bay tới bầu trời Đài Loan, “tiến một bước quan trọng để thống nhất Đài Loan”.

Máy bay ném bom H-6 của PLA xuất hiện ở vùng trời gần Đài Loan (Ảnh: AP).

Mỹ cũng tăng cường sự có mặt của các máy bay quân sự và tàu chiến ở Biển Đông. Theo các quan chức Trung Quốc, trong nửa đầu năm, Mỹ đã điều động gần 3.000 lượt chiếc máy bay quân sự và hơn 60 lượt tàu chiến “diễu võ dương oai” ở Biển Đông. Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải (tức Biển Đông), một tổ chức tư vấn của Trung Quốc, đã tuyên bố hôm 9/10 rằng trong bối cảnh đối đầu toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ, do cơ chế quản lý khủng hoảng song phương đã bị đình chỉ, một khi binh lính hai bên gặp nhau trên biển, rất có thể dẫn đến nổ súng.

Khi cuộc tổng tuyển cử đến gần, tần suất và cường độ hoạt động của Mỹ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông đã tăng mạnh, vậy liệu Trung Quốc và Mỹ liệu có xảy ra nổ súng? Khi các mâu thuẫn có tính cơ cấu giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nổi bật, sự đối đầu quân sự sẽ diễn ra với mức độ nào?

Nếu phân loại các hoạt động quân sự của Trung Quốc và Mỹ ở Tây Thái Bình Dương trong vài năm qua, không khó để nhận thấy rằng các hành động của hai nước đang dần vượt qua giới hạn trong quá khứ.

Lấy ví dụ về các hành động gần đây của PLA tại eo biển Đài Loan. Kể từ giữa tháng 9 đến nay, các máy bay chiến đấu của PLA hầu như mỗi ngày đều bay vào không phận xung quanh Đài Loan. Dữ liệu từ cơ quan quốc phòng Đài Loan cho thấy, chỉ tính riêng từ ngày 16/9 đến ngày 21/10, PLA đã “quấy rối Đài Loan” 22 lần. Theo báo cáo của ông Nghiêm Đức Phát, người phụ trách cơ quan quốc phòng Đài Loan, từ đầu năm nay đến ngày 7/10, PLA đã điều 1.710 lượt máy bay quân sự và 1.029 lượt tàu chiến xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, trong đó có 217 lượt chiếc máy bay xâm phạm vùng nhận dạng phòng không ở tây nam Đài Loan; 49 lần chiếc khác vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan. Đây là con số cao nhất kể từ năm 1990 đến nay.

Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc huấn luyện ở Tây Thái Bình Dương (Ảnh: Tân Hoa xã).

Cũng có tin PLA đã triển khai tên lửa siêu thanh "Dongfeng-17" ở eo biển Đài Loan, ngoài việc bao phủ toàn bộ Đài Loan, tầm bắn của tên lửa này còn có thể vươn tới căn cứ quân sự của Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản.

Ngoài ra, các cuộc tập trận hải quân của PLA ở “tứ hải” (Bộ Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông) và biên đội tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan là những tình hình chưa từng xảy ra mấy năm về trước.

Không chỉ hoạt động ở eo biển Đài Loan, vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông công bố năm 2013 và hoạt động lấp biển tạo đảo nhân tao ở Biển Đông của Trung Quốc đã thay đổi sự cân bằng quyền lực ở biển Hoa Đông và Biển Đông, tình thế bị động trong quá khứ của Trung Quốc đã được xoay chuyển.

Các hoạt động quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương còn cấp tập hơn. Kể từ đầu năm nay, tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan 10 lần, nhiều hơn 9 lần trong cả năm 2019. Tương ứng với việc PLA liên tục triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 và máy bay trinh sát điện Y-9, máy bay ném bom B-1B Lancer của Hoa Kỳ và máy bay trinh sát điện tử EP-3E cũng đã xuất hiện ở eo biển Đài Loan. Vào ngày 22/10, máy bay trinh sát RC-135W được cho là đã bay qua Đài Loan, máy bay trinh sát EP-3E và máy bay C-40 của Hải quân Mỹ cũng đã bay qua Đài Bắc vào tháng 8 và tháng 6. Tất cả đều bị cáo buộc là “hành động bất thường”.

Trung Quốc bố trí các tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 ở gần eo biển Đài Loan (Ảnh: Tân Hoa xã).

Số lần bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan cũng tăng lên kể từ khi ông Trump nhậm chức. Trong vòng chưa đầy 4 năm qua, chính phủ Mỹ đã bán vũ khí cho Đài Loan 9 lần, trong khi số lượng bán vũ khí cho Đài Loan của chính quyền tiền nhiệm Obama là 3 lần trong 7 năm. So với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan trước đây, chủ yếu là vũ khí phòng thủ, vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan hiện nay đều có tính tấn công mạnh. Ví dụ, danh sách vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố bán cho Đài Loan ngày 21/10 bao gồm các loại vũ khí như tên lửa không đối đất tăng tầm, được cho là dùng để tấn công các mục tiêu trên biển và trên đất liền Trung Quốc đại lục.

Tất nhiên, đầu tư quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương không chỉ giới hạn ở Đài Loan. Với các đồng minh truyền thống, tướng Kevin Schneider, chỉ huy quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản, ngày 27/10 nhấn mạnh Mỹ sẽ đưa quân đến giúp Nhật bảo vệ quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Trong chuyến thăm Philippines vào tháng 3/2019, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng hiếm thấy khi tuyên bố rằng nếu Philippines bị tấn công ở Biển Đông, Mỹ với tư cách là đồng minh sẽ giúp bảo vệ. Không giống như sự do dự trong việc giúp bảo vệ Nhật Bản và Philippines dưới thời chính quyền Barack Obama, việc hỗ trợ và bảo vệ các đồng minh của chính quyền ông Trump là rất trực tiếp và rõ ràng.

Hai biên đội tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan của Mỹ diễn tập trên Biển Đông (Ảnh: USNavy).

Sau khi lật nhào chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của chính quyền Obama, chính quyền của ông Trump đưa ra khái niệm "Ấn Độ-Thái Bình Dương" để duy trì sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Là một bên then chốt trong ý tưởng này, quan hệ quân sự giữa Ấn Độ và Mỹ đã được nâng cấp rất nhiều. Năm 2016, Mỹ và Ấn Độ đã ký "Bản ghi nhớ về trao đổi hậu cần". Hai năm sau, hai nước lại ký "Hiệp định về tương thích thông tin liên lạc và an ninh". Lần này, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã đến thăm Ấn Độ ngày 27/10 và ký kết "Hiệp nghị trao đổi và hợp tác cơ bản về hợp tác không gian địa lý”, Mỹ và Ấn Độ đã nâng cấp từ mối quan hệ mua bán vũ khí trước đây lên thành chia sẻ thông tin tình báo quân sự và bảo đảm hậu cần.

Mạng lưới hợp tác quốc phòng bốn bên giữa Mỹ-Nhật-Ấn-Australia cũng đang được tiến hành, thông qua các "Hiệp nghị ghi nhớ trao đổi hậu cần", "Hiệp nghị tương thích về thông tin liên lạc và an ninh", "Phụ lục an ninh công nghiệp" Ấn Độ-Mỹ; “Hiệp nghị hỗ trợ hậu cần lẫn nhau” Ấn Độ-Australia và “Hiệp nghị hỗ trợ dịch vụ và Hậu cần quân sự” Ấn Độ-Nhật Bản. “Bộ tứ Kim cương” đang từng bước xây dựng một hệ thống phòng thủ và hỗ trợ lẫn nhau bằng cách chia sẻ các căn cứ quân sự và hậu cần. Ngoài ra, bốn bên sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung lần đầu tiên sau 13 năm vào tháng 11 tới.

Tên lửa hành trình bờ đối hạm Harpoon Mỹ vừa phê chuẩn bán cho Đài Loan (Ảnh: Dongfang).

Ông Pompeo cũng thăm Indonesia trong chuyến công du châu Á. Ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto vừa có chuyến thăm Mỹ, hai Bộ trưởng Quốc phòng đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng...

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra toàn diện. Chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ và chiến tranh dư luận đang lần lượt diễn ra. Cuộc đối đầu quân sự cũng không phải ngoại lệ. Để duy trì vị thế thống trị ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác quân sự hiện có với các đồng minh, đồng thời sẽ tiếp tục mở ra các đối tác hợp tác mới như Ấn Độ, Việt Nam. Đối với Trung Quốc, cuộc đối đầu với Mỹ ở Tây Thái Bình Dương không chỉ là vấn đề xem xét về địa chính trị, mà còn là vấn đề hoàn thành thống nhất quốc gia. Cả Trung Quốc và Mỹ đều có sự cần thiết và lý do để tăng cường hiện diện quân sự, do đó, hai bên sẽ tiếp tục gia tăng sức mạnh.

Hiện nay có thể thấy cả Trung Quốc và Mỹ đều tiếp tục đột phá quá khứ và quá trình này vẫn đang diễn ra và chưa kết thúc. Mỹ hy vọng sẽ sử dụng khái niệm "Ấn Độ - Thái Bình Dương" để hình thành một "Tiểu NATO" ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong tương lai, sự hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia sẽ tiếp tục gia tăng và thậm chí không loại trừ khả năng sẽ lôi kéo thêm nhiều nước. Ví dụ, Washington đang thúc ép Hàn Quốc tham gia. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã tuyên bố tại Câu lạc bộ Tranh luận Quốc tế Valday rằng, về mặt lý thuyết, Nga và Trung Quốc có thể trở thành một liên minh quân sự, rằng vẫn có sự hợp tác quân sự nhạy cảm giữa Trung Quốc và Nga chưa được tiết lộ. Người ta cho rằng, trong thời gian tới Trung Quốc và Mỹ sẽ có những hành động quân sự lớn hơn và nhiều hơn.

Quan hệ Mỹ - Ấn Độ ngày càng chặt chẽ, cả trong lĩnh vực quân sự (Ảnh: Reutes).

Bài báo kết luận, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hôm 7/10 tuyên bố rằng, Trung Quốc và Mỹ phải thiết lập các “quy tắc giao chiến” cho cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nước; nếu không, sự bất ổn của chính trị toàn cầu trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất có thể tái diễn. Nhìn vào hiện tại, giữa Trung Quốc và Mỹ, ít nhất là Mỹ, không có ý định ngồi lại thảo luận về vấn đề thiết lập các quy tắc với Trung Quốc. Khi hai bên tiếp tục phá vỡ việc ngầm thừa nhận nhau trong quá khứ, tình thế sẽ dần phát sinh biến đổi về chất; đây là một tín hiệu rất nguy hiểm.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/su-doi-khang-quan-su-my-trung-dang-bien-doi-ve-chat-day-moi-la-dieu-nguy-hiem-post139867.html