Sư đoàn trưởng của tôi...

Thưa thủ trưởng - Tôi thầm thì cùng ông - chúng em đã chiến đấu, đã sống xứng đáng với những gì thủ trưởng đã trao, đã dạy dỗ,huấn luyện, xứng đáng với truyền thống của sư đoàn 320 B ngày ấy. Mãi mãi chúng em không bao giờ các thủ trưởng, quên người sư đoàn trưởng đầu tiên của mình...

Tướng Hà Vi Tùng (thứ 2 từ trái qua) trên đường hành quân.

1. Mùa hè 1969, từ những mái trường phổ thông, những nhà máy xí nghiệp, những luống cày dang dở ngoại thành, những con đường thơm hương hoa sữa... hàng trăm thanh niên Hà nội lên đường nhập ngũ và được đưa về huấn luyện tại sư đoàn 320 B - một sư đoàn được tách ra từ sư đoàn 320 (Đồng bằng) chuyên làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sỹ vượt Trường sơn vào Nam chiến đấu.

Sư đoàn trưởng của chúng tôi ngày ấy, cũng kể là sư đoàn trưởng đầu tiên của tôi, mang một cái tên thoạt nghe tưởng người dân tộc: Hà Vi Tùng. Lại nghe nói ông sinh trưởng tại Tuyên Quang, có lẽ là người Thái hay người Mường. Lại nghe nói ông đánh vùng rừng núi rất giỏi, từng tham gia những trận đầu tiên diệt quân Mỹ ở Tây nguyên, càng thêm niềm tin hẳn ông là người con của núi rừng. Nhưng sau này gần ông chúng tôi mới hay, Hà Vi Tùng là tên ông theo cách mạng, chứ tên khai sinh là Hà Đình Tùng, gốc người thuộc làng Đa Phúc, Sài Sơn, xứ Đoài. Cha ông là ông Hà Đình Thung, vốn là trưởng một dòng họ Hà Đình ở làng Thầy, đi làm ăn mãi trên xứ Tuyên, lấy vợ đẻ con và rồi chọn nơi này làm quê hương. Ông Tùng sinh ra ở đây. Được giá́c ngộ và tham gia Việt minh cũng ở đây. Tháng 10/1945, tròn 20 tuổi, ông là chỉ huy một tiểu đội tự vệ tham gia cướp chính quyền, rồi được cử đi học trường Quân chính khóa 1 tại Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp khóa quân chính, ông xung phong Nam Tiến, là những người lính lên tầu Nam tiến đầu tiên chi viện cho chiến trường Nam Trung bộ, Khánh Hòa, từng là chỉ huy một tiểu đoàn rất nổi tiếng thuở ấy là tiểu đoàn Lá mít, kể như “307” của chiến trường Liên khu Năm. Ông trưởng thành qua từng trận đánh, qua từng chiến dịch, từ cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, đến trung đoàn. Năm 1954 ra miền Bắc tập kết, nghĩa là trở về quê hương bản quán, ông vẫn tiếp tục đời quân ngũ, lần lượt giữ các chức vụ tham mưu trưởng sư đoàn, lữ đoàn trưởng. Rồi một đêm trăng theo lệnh Bác Hồ, ông lặng lẽ trở lại chiến trường xưa. Năm 1965, ông là tham mưu trưởng sư đoàn chỉ huy và đánh những chiến dịch đầu tiên ở mặt trận Tây Nguyên...

*

Theo kế hoạch, chúng tôi được huấn luyện bộ binh quãng 6 tháng rồi vượt Trường sơn tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên. Nhưng mới được ba tháng, do yêu cầu khẩn thiết của mặt trận phía Tây, hơn 100 chiến sỹ có lệnh ba lô lên đường, sớm vào mặt trận, bổ sung cho một tiểu đoàn pháo cao xạ mặt trận Lào. Kể cũng là chéo giò, bởi chúng tôi được rèn luyện, huấn luyện để thành những người lính bộ binh chuyên đánh vùng rừng núi, thế mà nay lại trở thành những người lính cao xạ, những pháo thủ số một, số hai... Chưa qua một ngày học tập, rèn luyện yếu lĩnh chiến đấu.Thế mà rồi vẫn hoàn thành sứ mệnh, chỉ bởi một điều đơn giản: Những phẩm chất, yếu lĩnh của một người lính ra trận 320 B đã cho chúng tôi tất cả.

Chính ở mặt trận này, thêm một lần chúng tôi lại được làm quân của tướng Hà Vi Tùng. Năm 1974, tiểu đoàn cao xạ chúng tôi đượ̣c tăng cường bảo vệ Cánh đồng Chum. Rất vui là, thủ trưởng Hà Vi Tùng của chúng tôi cũng đang ở mặt trận này, ông là phó tư lệnh sư đoàn 31 mặt trận Cánh đồng Chum - Hạ Lào. Chỉ tiếc là, chúng tôi không có dịp gặp ông, báo cáo thủ trưởng hay thành tích của những chiến sỹ do ông huấn luyện ở 320 B những năm trước đây, này đã chiến đấu ở các mặt trận thế nào, đã trưởng thành ra sao, lập những chiến công gì, và ai còn ai mất, ai liệt sỹ ai anh hùng... để luôn xứng đáng với danh hiệu người lính đồng bằng, luôn xứng đáng với danh hiệu người lính sư đoàn của ông!

2. Tháng 8 năm 2017, tôi đã là một cựu chiến binh, nhưng vẫn say mê cầm bút viết về những năm tháng chiến tranh, viết về những người lính. Cũng bởi vậy nên tôi đã được mời tham gia một trại viết của Tổng cục chính trị quân đội và Bộ văn hóa về “đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tổ chức tại Đồng Đế-Nha Trang. Có một buổi sáng sớm, có một người đàn ông cũng quãng tuổi 70 gõ cửa phòng tôi. Ông tự giới thiệu ông là một cựu chiến binh, sinh hoạt trong hội cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa, có đọc một vài tập truyện tôi viết, và nghe tin tôi tham gia trại viết này nên đến xin gặp...

Thấy tay ông ôm một chồng sách vở, tôi thầm nghĩ có lẽ ông cũng là người say mê văn chương, ôm bản thảo đến trao đổi với nhau kinh nghiệm viết lách.

- Vâng, mời anh uống trà. Có vấn đề gì xin anh cứ trao đổi...

Thì hóa ra không phải như tôi nghĩ, chồng sách vở ông ôm trên tay không phải là chồng bản thảo, mà là tư liệu về một vị tướng, một thủ trưởng cũ của đơn vị ông. Người cựu chiến binh ấy, mong tôi là một nhà văn chuyên viết về người lính, từ những tài liệu này, từ những câu chuyện kể của ông, sẽ viết về vị tướng này:

- Vâng, anh ấy tên là Hà Vi Tùng, thiếu tướng Hà Vi Tùng anh ạ. Anh ấy là một người lính Nam tiến đã chiến đấu và gắn bó cả cuộc đời với quê hương Nha Trang của chúng tôi, được chúng tôi hết mực yêu quý, và hằng coi là thần tượng của mình!

Tay tôi nổi da gà theo mỗi lời ông nói, nhất là khi nghe tên tướng Hà Vi Tùng. Tôi nắm lấy bàn tay người cựu chiến binh:

- Nói thật với anh, Hà Vi Tùng cũng chính là sư đoàn trưởng đầu tiên của tôi, là thần tượng của những người lính Hà Nội chúng tôi. Chỉ tiếc là 45 năm nay, tôi không được gặp lại thủ trưởng....

Thế là suốt buổi sáng hôm ấy, tôi và ông ôn lại những chặng đường lính của đời mình.

Người cựu binh ấy nói: Chúng ta vẫn còn quá ít, quá ít những tác phẩm về những vị tướng, trong đó có anh Hà Vi Tùng...

Phải nói những gì người cựu chiến binh ấy vừa nói với tôi là rất thuyết phục .Với những vị tướng dạn dày trận mạc, chói ngời chiến công như người lính Nam Tiến năm xưa Hà Vi Tùng, hay nhiều vị tướng lĩnh khác của quân đội chúng ta, quả là chúng ta phải có nhiều tác phẩm hơn nữa viết về họ.

*

Buổi chiếu ấy, theo nguyện vọng của tôi, người cựu chiến binh ấy đã đưa tôi đến dâng hương thăm nhà lưu niệm của tướng Hà Vi Tùng. Chở tôi bằng chiếc xe honda đã cũ, phải đi gần một tiếng chúng tôi mới tới được xã Vĩnh Phương ngoại thành Nha Trang, nơi có nhà lưu niệm của tướng Hà Vi Tùng là một ngôi nhà nhỏ nhìn ra phía trước là cánh đồng lúa rì rào.

Người cựu chiến binh giới thiệu:

- Ông Hà Vi Tùng là người lính Nam Tiến, chinh chiến giặc giã khắp các mặt trận, nhưng rồi cuối đời ông nằm lại với quê hương chúng tôi, khi đã hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng của đời binh nghiệp là Hiệu trưởng Trường sỹ quan lục quân 3 và là Chủ tịch Hội cựu chiến binh Khánh Hòa. Những người con của ông, mà con đầu lòng là một đại tá quân đội, đã thể theo nguyện vọng của cha , để ông mãi mãi nằm lại Nha Trang, nơi ông đã nhận làm quê hương, bên người vợ hiền là bà Nguyễn Thị Năm. Nơi ông yên nghỉ cũng là nơi buổi đầu ông Nam tiến vào đây, đóng quân xây dựng lực lượng ở đây và cũng từng lập chiến công ở đây. Năm 1949, tiểu đoàn 360 do ông chỉ huy đã diệt gọn một đại đội pháp và lực lượng địch tại đồn Xuân Phong này.

Tôi thắp nén nhang dâng lên bàn thờ của ông. Trong khói nhang mờ ảo, gương mặt võ tướng nhưng hiền hòa của ông như từ tấm ảnh linh thiêng bước ra, nhập với hình ảnh của ông ngày nào là sư đoàn trưởng của chúng tôi ở sư đoàn 320 B.

- Thưa thủ trưởng - Tôi thầm thì cùng ông - chúng em đã chiến đấu, đã sống xứng đáng với những gì thủ trưởng đã trao, đã dạy dỗ, huấn luyện, xứng đáng với truyền thống của sư đoàn 320 B ngày ấy. Mãi mãi chúng em không bao giờ các thủ trưởng, quên người sư đoàn trưởng đầu tiên của mình...

3. Trên đường trở về Đồng Đế từ Vĩnh Phương, khi đi qua những bãi biển dạt dào sóng vỗ, người cựu chiến binh Nha Trang bất giác nói với tôi một ý nghĩ hằng nung nấu trong lòng anh:

- Tôi cứ ước mong anh ạ - Ước mong của một người lính quê hương Khánh Hòa- một ngày không xa trên thành phố quê hương chúng tôi sẽ có những con phố mang tên những vị tướng lĩnh đã chiến đấu hết mình cho quê hương đất nước như tướng Hà Vi Tùng... Những con phố mang tên các vị tướng lĩnh ấy, sẽ án ngữ, sẽ trấn giữ trước cửa biển Đông...

Lời người cựu chiến binh ấy cháy bỏng. Thật lòng tôi đã nghĩ tới một ngày mai trên thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, sẽ có con phố mang tên Hà Vi Tùng...

Trương Nguyên Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/tinh-hoa-viet/su-doan-truong-cua-toi-387335