Sư Đoàn 308: Nguồn 'nhựa sống', truyền cảm hứng cho người cầm bút

Trở lại thăm sư đoàn 308 quân tiên phong sau hơn 20 năm, trong tôi háo hức vơíniềm vui khó tả. Đây không chỉ là đơn vị chủ lực, quả đấm thép, niềm tự hào của quânđội nhân dân Việt Nam mà còn là nguồn 'nhựa sống', truyền hơi thở và cảm hứng chonhững người cầm bút.

Thăm nhà truyền thống sư đoàn 308. Ảnh: PC

Tự hào truyền thống vẻ vang

Một buổi chiều tháng 7, Đoàn đại biểu lãnh đạo một số cơ quan báo chí do PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh làm trưởng đoàn đã đến thăm và giao lưu với lãnh đạo Sư đoàn 308 quân tiên phong.

Tôi may mắn được tham gia cùng đoàn, trở lại nơi cách đây hơn 20 năm khi là sinh viên Khoa Văn.

Giữa cái nắng, nóng gay gắt trên 40 độ C, sau 1 giờ di chuyển, cả đoàn đã có mặt tại Sư đoàn 308 quân tiên phong. Trước mặt tôi là màu xanh quen thuộc - màu áo lính. Đón chúng tôi là Sư đoàn trưởng, Đại tá Trương Mạnh Dũng cùng các lãnh đạo của Sư đoàn.

Trong căn phòng chan chứa tình đồng đội, đồng chí, chúng tôi được nghe Thượng tá Nguyễn Đức Tăng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của Sư đoàn 308, tìm hiểu về lịch sử cũng như nhiệm vụ và những thành tích của Sư đoàn.

Đây là sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được mệnh danh là Đại đoàn quân Tiên phong, thành lập ngày 28/8/1949 tại thị trấn Đồn Đu thuộc huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, từ những đơn vị Cứu quốc quân, những đại đội, tiểu đoàn được thành lập trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, những đơn vị thiện chiến, có bề dày truyền thống chiến đấu.

Chiến sĩ của Sư đoàn 308 nghe Bác Hồ nói chuyện tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ ngày 19/9/1954. Ảnh: TL

Những chiến sĩ của Sư đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô, đã vinh dự được Bác Hồ căn dặn tại đền Giếng (Đền Hùng - Phú Thọ tháng 9/1954): “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác không chỉ là mệnh lệnh thiêng liêng đối với cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn, mà còn là lời hiệu triệu đối với cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

69 năm qua, với tinh thần “Đã đi là đến, đã đánh là thắng”, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 308 đã lập nên bao chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Từ những trận đánh nhỏ đến những trận đánh lớn, Sư đoàn luôn được giao nhiệm vụ đánh những trận mở màn, then chốt, những trận có ý nghĩa quyết định ở chiến trường.

Phát huy truyền thống của Sư đoàn Quân tiên phong Anh hùng, cán bộ chiến sĩ sư đoàn luôn xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh viết lưu bút. Ảnh: PV

Vì sự phồn vinh của đất nước

Trong thời bình, nhiệm vụ chính của Sư đoàn là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tham gia phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, đối ngoại quân sự và các nhiệm vụ đột xuất khác tại Thủ đô Hà Nội.

Thăm nhà tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh của sư đoàn, tôi không khỏi xúc động trước những tấm bia khắc dày đặc tên tuổi các chiến sĩ đã hy sinh. Sư đoàn trưởng, Đại tá Trần Mạnh Dũng cho biết, ở đây ghi danh 8.864 liệt sĩ - những người con của 37 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có một người bạn Lào. Những ngôi mộ vô danh nằm tại nghĩa trang Trường Sơn hay đường 9 Nam Lào có không ít chiến sĩ của sư đoàn 308.

Thắp nén nhang tưởng nhớ tới các anh, tri ân sự hy sinh anh dũng của các anh cho quê hương đất nước, mỗi người trong chúng tôi không khỏi xúc động, bùi ngùi, cầu mong các anh yên nghỉ.

Thăm nhà truyền thống của Sư đoàn - nơi lưu giữ những kỷ niệm của các thế hệ chiến sĩ, tôi ấn tượng bởi bức ảnh người con gái xinh đẹp, tuổi đời còn rất trẻ, người con của quê hương Quảng Trị, chị đã anh dũng hy sinh ở tuổi 20, gửi lại thanh xuân nơi chiến trường, đổi lấy bình yên cho quê hương mình. Chị hy sinh trước ngày quê hương hoàn toàn giải phóng một ngày.

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh, dù hôm nay, trong thời bình không còn tiếng súng, nhưng cuộc chiến thầm lặng với những mưu toan rình rập của kẻ thù đang tác động rất lớn tới tâm tư tình cảm của chúng ta và hơn lúc nào hết những người lính cụ Hồ, đặc biệt với trách nhiệm của người làm báo, chúng ta cần chung tay bảo vệ chủ quyền dân tộc, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Những khó khăn, vất vả, hy sinh của các anh chính là nguồn “nhựa sống” truyền hơi thở, khí thế cho những trang viết của những người cầm bút chúng tôi, cũng như “suối nguồn” của những vần thơ, trang viết.

Trở lại thăm Sư đoàn sau hơn 20 năm, điều ấn tượng trong tôi là diện mạo khang trang, sạch đẹp, quy củ hơn, và hơn hết vẫn là hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ đầy nhiệt huyết, nặng ân tình./.

Kim Dung

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/su-doan-308-nguon-nhua-song-truyen-cam-hung-cho-nguoi-cam-but-n10322.html