Sư đoàn 10: Huyền thoại của lịch sử Tây Nguyên

Những chiến công vang dội của Trung đoàn 24, 28, 66 trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã tạo nên những mốc son chói lọi trong lịch sử Sư đoàn 10. Thế hệ trẻ hôm nay vẫn đang ra sức luyện rèn, tu dưỡng, xứng đáng với chiếc nôi lịch sử mà cha anh đã gầy dựng.

Chiến công vang dội

Tây Nguyên, mảnh đất sinh ra Sư đoàn 10 là một vùng cao nguyên rộng lớn nằm ở phía Tây và Tây Nam của đất nước. Đây cũng là chiếc nôi của nhiều đồng bào dân tộc như: Xơ Đăng, K’Dong, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Đắk Lắk…

Trong 9 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ, ba tiếng “làm cách mạng” thiêng liêng quen thuộc đã trở thành nguyện vọng và niềm tự hào của người dân Tây Nguyên. Trải dài trên mảnh đất anh hùng là những buôn làng chiến đấu, những căn cứ du kích nổi tiếng như: Đắk Uy, xã Gào, xã B5, Khuê Ngọc Điền… những con người ưu tú của Tây Nguyên trở thành những anh hùng như Núp, Kpa Klơng, A Xâu…

Gắn với lòng yêu nước, kiên cường, bất khuất trước quân thù, thủy chung son sắt với cách mạng, tin yêu Đảng, tôn kính Bác Hồ, sẵn sàng hy sinh để dành độc lập, tự do cho Tổ quốc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 10 đã cùng nhau chiến đấu anh dũng, lập nên những chiến công vang dội.

Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Đức Hải - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng (thứ hai, từ trái qua, hàng đầu) cùng các CCB Trung đoàn 174, lãnh đạo địa phương tại Kon Tum

Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Đức Hải - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng (thứ hai, từ trái qua, hàng đầu) cùng các CCB Trung đoàn 174, lãnh đạo địa phương tại Kon Tum

Sư đoàn 10 ra đời vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự ra đời của Sư đoàn trên chiến trường Tây Nguyên đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử Sư đoàn, đây là tiền đề để Sư đoàn bước vào những chiến dịch lớn mang tính quyết định. Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn là một trong những đơn vị của mặt trận B3 đột phá, mở chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Buôn Mê Thuột và mở ra hướng chiến lược mới cho tổng tiến công nổi dậy toàn miền Nam.

Trong đội hình Quân đoàn 3, Sư đoàn 10 là một trong những đơn vị đảm nhiệm một hướng tiến công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tây Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, Sư đoàn cùng các đơn vị thực hiện nhiệm vụ cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và những trận đánh tại khu vực Tà Sanh tiếp tục ghi dấu ấn Sư đoàn trong nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Những chiến công vang dội của Sư đoàn 10 được tạo nên từ sức mạnh tổng hợp của các đơn vị như: Trung đoàn 24, 28, 66.

Là đơn vị trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 66 đã đánh lực lượng tinh nhuệ của Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng, lập nên một kỳ tích Plei Me lịch sử. Về sau, Trung đoàn tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Sa Thầy, Đắk Tô - Tân Cảnh và kháng chiến chống Mỹ khiến kẻ thù khiếp sợ.

Trung đoàn 66 vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) 3 lần, trong đó 1 lần nhận danh hiệu trong thời kỳ đổi mới.

Với Trung đoàn 24, cũng là đơn vị trưởng thành thời kỳ kháng chiến chống Pháp, dấu ấn của Trung đoàn khắc họa qua chiến dịch Sa Thầy, cuộc nổi dậy và tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Những chiến công của đơn vị đúng như dòng chữ trên lá cờ mà Bác Hồ trao tặng “Trung dũng, luôn luôn trung dũng”. Đơn vị cũng 2 lần được tặng danh hiệu AHLLVT.

Nhắc đến Trung đoàn 28 là nhớ đến trận đánh Măng Đen lịch sử (Kon Plông ngày nay). Hình ảnh của Sư đoàn 10 còn hiện lên qua những trận đánh liên tiếp ở mặt trận Bắc Tây Nguyên, Sư đoàn đã góp phần quan trọng, thu hút hầu hết các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 2 ngụy và giam chân chúng ở chiến trường Tây Nguyên trong suốt một thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với chiến trường toàn miền thực hiện đánh to, thắng lớn.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, sự phối hợp chiến đấu của các đơn vị bạn, sự giúp đỡ, cổ vũ của Đảng bộ, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Sư đoàn 10 đã thực hiện thành công nhiều đợt hoạt động dài ngày, san bằng nhiều cứ điểm kiên cố của địch, đánh cắt giao thông địch dài ngày, đặc biệt phát triển chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc.

Mảnh đất núi rừng Tây Nguyên đâu đâu cũng in hằn dấu chân của chiến sỹ Sư đoàn 10. Theo thống kê, có hơn 10.000 cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn đã anh dũng hy sinh, tên tuổi các anh được khắc vào bia đá ở Nhà tưởng niệm sư đoàn chính là biểu tượng lịch sử để các thế hệ trẻ noi theo.

Viết tiếp trang sử vẻ vang

Nói đến Sư đoàn 10 là nói đến đơn vị chủ lực có bề dày lịch sử trong chiến đấu, đặc biệt trên chiến trường Tây Nguyên. Các đơn vị tiền thân đã làm nên những chiến công hết sức vang dội, gắn với chiến trường B3, gắn liền với mảnh đất Tây Nguyên, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 kiểm tra công tác chuẩn bị huấn luyện của Sư đoàn 10.

Ở thời kháng chiến, cán bộ, chiến sỹ trong Sư đoàn luôn nêu cao tinh thần tự học tập, rèn luyện để sử dụng thành thạo các loại vũ khí của ta, của địch, có thể làm được nhiệm vụ công binh, trinh sát, vận tải, cứu thương, biết làm nhà cửa, nương rẫy, đan lát, vá may… Khi gặp khó khăn, thiếu thốn vẫn bình tĩnh tìm cách giải quyết, từ Đoàn trưởng đến chiến sỹ luôn luôn dồn tâm sức cho trận đánh thắng lợi.

Trong thời bình, thế hệ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 10 lấy chiến công của cha anh làm gốc rễ và tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược mới, đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn mới.

Trong suốt gần 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn 10 luôn giữ vững truyền thống tốt đẹp “Đoàn kết nội bộ, đoàn kết gắn bó với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, đoàn kết quốc tế”.

Cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 10 giúp dân xã Ngọc Linh, Huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum làm đường giao thông nông thôn

Theo Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Đức Hải - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng, vị thủ lĩnh có hơn 30 năm gắn bó với mặt trận Tây Nguyên, thành quả cách mạng của Sư đoàn 10 là huyền thoại, vì thế mỗi cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn hôm nay được đào tạo, rèn luyện, có lòng trung thành, được tôi luyện trong huấn luyện, được học tập kinh nghiệm của các thế hệ đi trước phải ra sức học tập, phấn đấu, xứng đáng với chiếc nôi lịch sử mà cha anh đã gầy dựng.

Để đáp ứng yêu cầu mới, Trung tướng Hải mong muốn cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 10 cần tiếp tục xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ huấn luyện về kỹ thuật, về chiến thuật, tác chiến hiệp động quân binh chủng để thực sự là một sư đoàn chủ lực trên địa bàn chiến lược để đánh bại mọi âm mưu, diễn biến hòa bình và xử lý tốt các tình huống nếu kẻ thù liều lĩnh xâm lược nước ta; bảo vệ thành quả cách mạng, cùng với quân, dân địa bàn Tây Nguyên bảo vệ tốt an ninh chính trị địa bàn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế trên địa bàn Tây Nguyên.

Đặc biệt, phải luôn nâng cao cảnh giác, tu dưỡng đạo đức, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn gắn bó với nhân dân, gắn bó với địa bàn để tạo một nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận nhân dân và có những cách đánh mới, phù hợp với chiến tranh công nghệ cao trong thời kỳ 4.0, đây vừa là đòi hỏi, vừa là yêu cầu đặt ra.

Có thể thấy rằng, chặng đường lịch sử mà thế hệ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 10 gầy dựng đã góp phần tô đẹp truyền thống “Đoàn kết, thống nhất, kiên cường, quyết thắng” của Sư đoàn nói riêng và viết lên những trang sử vẻ vang của lực lượng vũ trang trong quân đội ta nói chung.

Kim Sáng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/su-doan-10-huyen-thoai-cua-lich-su-tay-nguyen-79928.html