'Sự cố y khoa' qua đánh giá của chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn

Những chia sẻ của các chuyên gia về công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) được tổ chức tuần qua tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, qui trình chăm sóc bệnh nhân tại khoa ngoại, đặc biệt, bàn tay cô điều dưỡng sạch hay bẩn có mối liên quan rất lớn tới tính mạng người bệnh, trong đó tối quan trọng là khâu chăm sóc tại Khoa Gây mê Hồi sức và Chăm sóc hậu phẫu.

PGS TS Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) Chợ Rẫy, Chủ nhiệm Bộ môn Kiểm soát nhiễm khuẩn ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Chuẩn hóa toàn bộ quy trình chăm sóc bệnh nhân tại BV, nhất là tại khoa ngoại, từ giai đoạn trước, trong và sau khi bệnh nhân được mổ là vô cùng quan trọng".

BS Anh Thư cũng dẫn giải: "Thay băng của bệnh nhân sau mổ là cả một bài học về kỹ thuật vô khuẩn nghiêm ngặt. Bàn tay điều dưỡng sạch hay dơ, bị vấy nhiễm hay không, điều này là tối quan trọng. Nhất là những bệnh nhân vừa được phẫu thuật xong, hoặc vừa mổ nhưng có nhiều bệnh nền mạn tính".

Những thống kê khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy, kiểm soát nhiễm khuẩn tại khu gây mê hồi sức và khâu giữ sạch vết mổ cho bệnh nhân có tầm quan trọng rất lớn. Trong hàng triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm do biến chứng sau phẫu thuật thì tử vong liên quan tới phẫu thuật chiếm từ 0,4 tới 0,8%. Riêng tại Việt Nam, nhiễm khuẩn vết mổ hiện được Bộ Y tế xếp ở vị trí thứ 2 trong NKBV, chiếm 31% trong các loại NKBV.

BS Anh Thư cũng công bố, vào năm 2011, khi thực hiện một khảo sát ở 183 BV tại Hoa Kỳ, cho thấy, trong số những bệnh nhân bị NKBV có tới 26% nguyên nhân là từ dụng cụ y tế bị vấy nhiễm. Và tại Hoa Kỳ, người ta đã xếp nguyên nhân tử vong do sự cố y khoa liên quan tới NKBV lên vị trí hàng đầu.

PGS Anh Thư cũng cho biết, tại Việt Nam và những nước đang phát triển, ước tính cứ 10 bệnh nhân nhập viện thì có 1 người bị "sự cố" điều trị. Sai sót thường xảy ra trong quá trình trực tiếp điều trị và chăm sóc bệnh nhân, không phải do bệnh lý hay cơ địa bệnh nhân gây ra. Trong đó, NKBV từ đâu?

Hoạt động tại Khoa Ngoại và Chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân giữ vai trò rất lớn trong vấn đề phòng chống nhiễm khuẩn.

"Chỉ một centimet da đầu bệnh nhân không sạch sau mổ sẽ là nơi trú ngụ của hàng tỉ con vi trùng. "Ổ" nhiễm khuẩn này dù rất xa vết mổ cũng có thể theo đường máu hoặc mạch đến gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập từ ngoài môi trường tới vết mổ trong thời gian phẫu thuật hoặc chăm sóc vết mổ có sai sót. Do đó, công việc của điều dưỡng từ việc vệ sinh cơ thể bệnh nhân tới khâu chuẩn bị môi trường khu phẫu thuật, thủ thuật, vệ sinh dụng cụ, trang thiết bị đều phải chặt chẽ.

Ngoài việc cần thực hành vô khuẩn trong khi chăm sóc hậu phẫu, điều dưỡng cũng cần có giải pháp chăm sóc phù hợp với những người bệnh phẫu thuật đang bị nhiễm khuẩn tại vị trí vết thương phẫu thuật hoặc tại vị trí khác ở xa vị trí rạch da như ở phổi, ở tai mũi họng, đường tiết niệu hay trên da; nhất là ở người bệnh đa chấn thương, với vết thương bị giập nát; người bệnh đái tháo đường, với lượng đường cao trong máu tạo thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào vết mổ.

Đặc biệt là người bệnh nằm lâu trong BV trước mổ có nguy cơ tăng lượng vi sinh vật "định cư" trên cơ thể người bệnh. Ngoài ra, điều dưỡng bị cảm cúm, đau mắt, nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn theo quy định, nhất thiết không được vào phòng mổ...

Cũng theo nhận định của Th.S Phạm Hữu Đoàn, Trưởng khoa Phòng chống nhiễm khuẩn tại BV Bình Dân, tại nước ta thời gian gần đây nhiều sự cố y khoa đã xảy ra gây ra nhiều bức xúc, trong các sự cố đó, nhiễm khuẩn vết mổ là một mối quan ngại lớn nhất. Ghi nhận của công tác phòng chống nhiễm khuẩn cho thấy, cứ 150 bệnh nhân nhập viện có 1 trường hợp tử vong do sự cố y khoa và 2/3 sự cố xảy ra trong BV liên quan đến phẫu thuật.

Đáng chú ý nhất là 80% số trường hợp bị nhiễm khuẩn BV mà nguyên nhân do chính từ bàn tay của nhân viên điều dưỡng. Thế nhưng, đáng chú ý là tại Việt Nam, 55% nhân viên y tế chưa cập nhật thông tin về "mũi tiêm an toàn" liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn; phần lớn nhân viên y tế chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật và các thao tác kiểm soát trong thực hành tiêm (vệ sinh tay, mang găng, phân loại và thu gom vật sắc nhọn sau tiêm, dùng tay đậy nắp kim sau tiêm…).

Tại Việt Nam, hầu hết bệnh viện đều có khoa chống nhiễm khuẩn. Bộ Y tế cũng đã có thông tư hướng dẫn thực hiện chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, một số lãnh đạo BV chưa thật sự hiểu tầm quan trọng của chống nhiễm khuẩn nên chưa đầu tư nguồn lực hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề cần khắc phục thời gian tới, đó là nhân lực của các cơ sở y tế cần tiếp tục được ưu tiên đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn theo một chương trình được chuẩn hóa, quy mô.

H.Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/su-co-y-khoa-qua-danh-gia-cua-chuyen-gia-kiem-soat-nhiem-khuan-510832/