'Sự cố Jersey' gây họa cho Anh và xé nát EU?

Hòn đảo nhỏ Jersey nằm trong eo biển Manche ngăn cách Anh và Pháp đã thu hút sự chú ý ngày càng sâu sắc của toàn bộ cộng đồng quốc tế.

Hòn đảo Jersey không phải là một phần chính thức của Vương quốc Anh, chỉ tồn tại cái gọi là "Quyền sở hữu Vương miện" gắn liền một liên minh với chế độ quân chủ Anh.

Khu vực này có các cơ quan hành chính riêng và London chịu trách nhiệm bảo vệ quân sự, thể hiện qua việc điều tàu tuần tra HMS Severn và HMS Tamar tới đối đầu với chiến hạm Pháp.

Điều thú vị nhất nằm ở lý do cho việc sử dụng các phương pháp "văn minh" như vậy là gì? Tất cả những điều này là hệ quả trực tiếp của quá trình "ly hôn" đau đớn giữa Anh với Liên minh châu Âu - EU.

Một trong những vấn đề khó khăn nhất chính là quyền tiếp cận của ngư dân EU tới các vùng biển của Anh - quốc gia đột ngột không còn là đồng minh.

Kết quả của "thỏa thuận ly hôn", đảo Jersey cho phép người dân châu Âu đánh bắt cá trong lãnh hải của họ, nhưng chỉ trên cơ sở giấy phép và chỉ cho những người có thể chứng minh rằng họ đã đánh bắt ở đó từ trước.

Rắc rối nằm ở chỗ chỉ những tàu đánh cá sở hữu một đèn hiệu đặc biệt mới có thể xác nhận điều này, và nó chỉ có sẵn trên các tàu lớn, khiến khoảng 80% số tàu đánh cá nhỏ đột nhiên bị ngăn cấm tiếp cận ngư trường truyền thống.

Rõ ràng điều này đã gây ra sự phẫn nộ đối với ngư dân Pháp, họ đã tổ chức một cuộc biểu tình. Ban lãnh đạo EU vô cùng ngạc nhiên vì không có thỏa thuận nào về những điều "kỳ quặc" như vậy từ phía London.

Paris thậm chí còn đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho hòn đảo khi họ đảm bảo tới 95% nhu cầu điện tại đây: "Điện đi đến Jersey bằng cáp, sẽ rất tiếc nếu phải làm điều này, nhưng chúng tôi sẽ thực hiện việc phong tỏa nếu bắt buộc phải làm vậy".

Đáp lại, Anh đã gửi 2 tàu chiến đến bờ biển Jersey, Pháp đáp trả bằng 2 chiếc khác của họ. Nghiêm túc mà nói, vụ việc này - trong đó cả hai bên đều thể hiện sức mạnh quân sự và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia một cách cứng rắn, có thể gây ra hậu quả lâu dài nghiêm trọng cho Anh, Pháp và toàn bộ Cựu Lục địa nói chung.

"Sự cố Jersey" làm bùng lên khả năng xung đột quân sự giữa Anh và Pháp

Sau sự kiện Brexit, London đã chứng minh rõ ràng cho các đồng minh ngày hôm qua rằng giờ đây họ sẽ xa cách nhau. Người Anh có nữ hoàng, trong khi châu Âu có Thủ tướng Angela Merkel. Vương quốc Anh đã chọn con đường phát triển độc lập thông qua một nền kinh tế nhất quán hội nhập trên đống đổ nát của Đế chế Anh trước đây.

Những tham vọng như vậy cần phải được hỗ trợ bởi lực lượng quân sự, London đã và đang làm điều này. Nếu không, tại sao họ lại đóng hàng không mẫu hạm và xây dựng nhóm tác chiến tàu sân bay?

Theo nhận định, bước đi trên là cần thiết cho việc tung sức mạnh quân sự của Anh ra ngoài trong quá trình tái phân phối các "thuộc địa" sắp tới: thị trường bán hàng và tài nguyên thiên nhiên. Như vậy về mặt khách quan, Vương quốc Anh đối lập với toàn bộ Liên minh châu Âu.

Sự cố Jersey chỉ đơn giản là triệu chứng của một căn bệnh thông thường. Tuy nhiên những cuộc đụng độ nghiêm trọng hơn nhiều giữa các đồng minh của ngày hôm qua có thể sớm xảy ra trong tương lai.

Do đó các nước châu Âu, chủ yếu là Đức và Pháp có thể đáp lại tham vọng của Anh bằng cách hỗ trợ phong trào ly khai ở Scotland và Bắc Ireland.

Điều này nguy cơ dẫn đến việc nối lại chiến tranh khủng bố, mục đích để người Anh có việc gì đó phải làm ở trong nước, thay vì cố gắng mở rộng vùng ảnh hưởng với cái giá phải trả là lợi ích của "Cựu thế giới".

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/su-co-jersey-gay-hoa-cho-anh-va-xe-nat-eu-3431950/