Sự cố Huawei ảnh hưởng như thế nào đến giấc mơ 5G tại châu Á?

Các nước châu Á phụ thuộc vào thiết bị của Huawei cho mạng 5G và hãng công nghệ Trung Quốc cũng góp phần thiết lập tiêu chuẩn toàn ngành.

Các nước phụ thuộc nhiều vào thiết bị Huawei sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất

Khi nói đến sự ra mắt của công nghệ di động 5G thế hệ tiếp theo, rất ít khu vực trên thế giới phấn khích như Đông Nam Á, nơi nổi tiếng với việc sử dụng điện thoại thông minh.

Những diễn biến mới đầy kịch tính trong cuộc đàn áp của Mỹ với Huawei đã dội một gáo nước lạnh đối vào những người đang chờ đợi 5G – công nghệ được coi là nền móng của xe hơi không người lái và thành phố thông minh.

Chỉ cách đây vài tuần, Huawei dường như vẫn còn đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển công nghệ 5G trong khu vực ASEAN, thì giới chuyên gia trong ngành nói rằng gã khổng lồ Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển công nghệ này ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Cú ngã của Huawei để lại một dấu hỏi cho những người đang mong chờ công nghệ 5G, được hứa hẹn có tốc độ tải nhanh hơn 100 lần so với 4G.

Việc Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào Danh sách đen có nghĩa là các công ty Mỹ không chỉ bị cấm sử dụng thiết bị Huawei, mà còn bị cấm bán linh kiện cho Huawei - một động thái có thể làm tê liệt công ty Trung Quốc này vì Huawei phụ thuộc rất lớn vào các linh kiện phương Tây, như chip điện tử.

Kể cả khi chính quyền Trump đã cho phép Huawei tiếp tục mua thiết bị của Mỹ cho đến giữa tháng 8 - thì hậu quả của lệnh cấm vẫn sẽ tồn tại trong dài hạn, ông Paul Triolo, một chuyên gia về công nghệ của tổ chức tư vấn Eurasia Group, cho biết.

Với một lịch sử hoạt động gần 2 thập kỷ tại các thị trường từ Singapore đến Malaysia, công ty Trung Quốc từng được xem là một nhà cung cấp sáng giá cho 5G.

“Dường như Huawei sẽ không thể khắc phục được việc bị đưa vào danh sách đen, có nghĩa là công ty này sẽ không tồn tại ở dạng hiện tại”, ông Triolo chia sẻ.

“Điều này sẽ tác động đến các kế hoạch triển khai mạng 5G hiện có trên toàn cầu, đầu tiên là ở châu Âu và sau đó là ở các khu vực như Đông Nam Á.”

Charlie Dai, một nhà phân tích của Forrester Research tại Bắc Kinh, cho biết: “Các hành động chính trị của Chính phủ Mỹ đang có tác động rất tiêu cực đối với việc triển khai 5G ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.”

Dù có xuất phát điểm khác nhau - một số quốc gia Đông Nam Á thậm chí còn chưa phủ sóng toàn quốc công nghệ 4G - dù chúng đã tồn tại hàng thập kỷ, gần như tất cả các quốc gia khu vực đều đang chạy đua thử nghiệm cho tiêu chuẩn 5G mới. Hầu hết các chính phủ đều kỳ vọng có thể triển khai 5G vào năm tới - mặc dù họ cũng nhận thức được rằng hoàn chỉnh công nghệ 5G có thể mất đến hàng thập kỷ.

Nhìn chung, quá trình phát triển mạng 5G có 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, các mạng 4G hiện tại sẽ được nâng cấp để tăng tốc độ tải xuống cho điện thoại thông minh và các thiết bị khác.

Sau đó, các nước sẽ phải xây dựng cơ sở hạ tầng tách biệt với các mạng hiện có - dự kiến sẽ mất nhiều năm - sẽ mở đường cho sự phát triển của xe không người lái, phẫu thuật bằng robot từ xa và các khía cạnh khác của internet bằng cách cung cấp tốc độ tải xuống lớn hơn nhiều.

Không giống như các mạng 3G và 4G trước đây, các mạng 5G sẽ là thuần về các đám mây, phụ thuộc phần lớn vào phần mềm thay vì phần cứng và cũng sẽ sử dụng nhiều trí tuệ nhân tạo.

Với việc mạng 4G ngày càng bị tắc nghẽn, các nhà quản lý tại các quốc gia “siêu kết nối” như Singapore muốn 5G ra mắt sớm.

Ông Triolo nhận định: “Câu hỏi lớn là liệu trong lúc này, các nhà cung cấp như Ericsson, Nokia hay Samsung có thể thay thế Huawei hay không? Đây vẫn là một ẩn số lớn, đặc biệt là về mặt chi phí”.

“Nếu Huawei gặp trục trặc, việc triển khai 5G trên toàn cầu sẽ bị chậm trễ, đặc biệt là ở những thị trường có mức độ phụ thuộc cao vào thiết bị Huawei.

“Các nhà mạng có thể không chỉ phải đong đo, cân nhắc việc thay đổi và thay thế thiết bị, tiêu tốn chi phí tài chính và thời gian đáng kể, mà sau đó sẽ lại phải chuyển sang các nhà cung cấp mới, có thể trong một khung thời gian ngắn chưa từng thấy”.

Về phần mình, các công ty viễn thông đã đề xuất sử dụng nhiều nhà cung cấp khác nhau để giảm thiểu rủi ro liên quan đến Huawei, cho dù đó là mối quan ngại bảo mật của phương Tây hay độ tin cậy của công ty Trung Quốc.

Dấu hỏi về tiêu chuẩn cho 5G

Ngoài ra, ông Triolo cũng cho biết những rắc rối của Huawei còn đặt ra một dấu hỏi lớn hơn do vai trò của công ty Trung Quốc trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn ngành.

Quá trình thiết lập tiêu chuẩn 5G - thông qua một nhóm quốc tế được gọi là Dự án Đối tác Thế hệ thứ ba (3GPP) – được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Nhưng hiện tại mục tiêu đó đang bị đặt dấu hỏi vì Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, là một công ty lớn trong nhóm.

“Chúng tôi vẫn chưa xác định được tác động của những bất ổn liên quan đến Huawei đối với quy trình thiết lập tiêu chuẩn 5G”, Triolo nói.

Bất chấp động thái của Mỹ chống lại Huawei, công ty Trung Quốc hiện đang nắm khoảng 30% bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn cho cốt lõi của công nghệ.

Triolo nói: “Hiện tại chúng ta đang ở một thế giới hoàn toàn mới và chưa rõ Huawei sẽ làm gì tại 3GPP và những bên quan trọng khác sẽ đối xử với Huawei như thế nào, tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã trở thành một phần của các tiêu chuẩn, vốn sẽ được ban hành vào cuối năm nay".

Những các nhà quan sát khác thì lại thấy không quá lo lắng. Einstein, một chuyên gia tại Tokyo cho biết với nhiều công ty Mỹ, vốn là nhà cung cấp chip cho Huawei và có khả năng bị ảnh hưởng từ bất kỳ một lệnh cấm dài hạn nào chính phủ Mỹ lên của công ty Trung Quốc, đánh cược là Washington sẽ tìm cách giải quyết vấn đề với Huawei.

“Trong mọi trường hợp, 5G là một câu chuyện 10 năm và nếu những diễn biến hiện tại vẫn tiếp tục, nó không chỉ có hại cho Huawei mà cả các nhà cung cấp ở Mỹ. Vì vậy, cá nhân tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn, chúng ta sẽ chứng kiến một số giải pháp”, theo Einstein.

Những hy vọng như vậy đã được lóe lên khi ông Trump nói rằng Huawei có thể được đưa vào một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy, mọi chuyện vẫn còn trong vòng bất định.

Nguồn SCMP

Thúy Nguyễn

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/su-co-huawei-anh-huong-nhu-the-nao-den-giac-mo-5g-tai-chau-a-3329107/