Sự chuyển dịch của Quả bóng vàng Việt Nam

Từ chỗ tuyệt đối hóa vai trò của đội tuyển, giải thưởng cá nhân danh giá nhất trong năm dành cho cầu thủ ngày càng ghi nhận nỗ lực trong màu áo câu lạc bộ.

 Văn Quyết lần đầu giành Quả bóng vàng Việt Nam. Ảnh: SGGP.

Văn Quyết lần đầu giành Quả bóng vàng Việt Nam. Ảnh: SGGP.

Tính từ khi V-League lên chuyên nghiệp năm 2000 đến nay, tổng cộng 20 Quả bóng vàng đã được trao, và phân rõ làm hai thời kỳ. Giai đoạn đầu từ 2010 trở về trước, duy có đúng hai cầu thủ lên bục chiến thắng khi vừa vô địch V-League, là thủ môn Võ Văn Hạnh (SLNA năm 2001) và Phan Văn Tài Em (Long An năm 2005). 10 trường hợp còn lại, được vinh danh chủ yếu nhờ tỏa sáng trong màu áo đội tuyển.

Một trong những cuộc bình chọn gây nhiều tranh cãi nhất xảy ra năm 2006. Khi đó, Minh Phương vừa cùng Long An bảo vệ thành công chức vô địch V-League. Anh cũng là đội trưởng ĐTQG. Nhưng ở kỳ AFF Cup 2007, tổ chức trước thời điểm bình chọn chừng một tháng, Lê Công Vinh ghi điểm với cú hat-trick vào lưới Lào. Anh nhận nhiều thiện cảm hơn những đóng góp thầm lặng của đàn anh, và giành điểm cao nhất.

Trước vụ Minh Phương 6 năm, Lê Huỳnh Đức cũng mất giải thưởng danh giá về tay Nguyễn Hồng Sơn, chỉ bởi người đồng đội Thể Công chơi nhỉnh hơn tại bán kết Tiger Cup 2000. Dù Việt Nam dừng bước trước chủ nhà Indonesia, Sơn "công chúa" giành Quả bóng vàng, dù anh không vô địch V-League, còn Huỳnh Đức lại là vua phá lưới.

Từ sau 2010, những lá phiếu bình chọn Quả bóng vàng tỏ ra chuẩn xác hơn. Không còn chuyện một cầu thủ chỉ cần vài trận xuất sắc trên đội tuyển, lại lấn át được thành tích xuyên suốt một mùa giải của người khác. Tính cả người chiến thắng vừa xong, Văn Quyết, 6 chủ nhân giải thưởng lên ngôi sau khi chinh phục thành công V-League. 4 trường hợp còn lại, gồm Văn Quyết năm nay, Thành Lương năm 2011 và 2014, Minh Phương năm 2010 cũng khó lòng đặt dấu hỏi. Với hai cầu thủ Hà Nội, họ luôn là đầu tàu trong tập thể Hà Nội thống trị giải đấu 10 năm qua. Còn Minh Phương là tiền vệ trung tâm hàng đầu, giúp Long An và sau này là Đà Nẵng vô địch V-League.

Sự chuyển dịch trong cách bầu chọn Quả bóng vàng phần nào cho thấy giải thưởng này ngày càng sát với diễn biến thực tế bóng đá nước nhà. Thành tích đội tuyển quan trọng, nhưng không thể vì vậy mà bỏ qua những dấu ấn tại CLB, bởi nói như HLV Alfred Riedl, chúng ta không thể "xây nhà từ nóc". Muốn có một đội tuyển mạnh, cầu thủ cần được thi đấu và rèn giũa trong những CLB chuyên nghiệp, thậm chí có khả năng vươn tầm châu lục.

Trong năm 2020, khó lòng tìm ra ai xứng đáng hơn Văn Quyết, dù thủ quân Hà Nội không vô địch V-League. Những đối thủ nặng ký nhất, đến từ đội ĐKVĐ Viettel là Bùi Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải, cũng không giàu ảnh hưởng bằng Quyết "rừng". Số 10 Hà Nội liên tục ghi bàn và kiến tạo ở cuối giai đoạn một, giúp Hà Nội vượt khó và ganh đua quyết liệt với Viettel tới tận vòng cuối.

Vinh danh Văn Quyết là chính xác, nhưng việc anh giúp Hà Nội giành Quả bóng vàng thứ 6 trong 10 năm gần nhất cũng tạo ra nhiều vết gợn. Phải chăng chỉ có lựa chọn đầu quân cho Hà Nội, cầu thủ Việt mới có thể mơ đến danh hiệu cá nhân cao quý?

10 năm qua, Quả bóng vàng đã chuyển dịch thành công, và giờ là lúc để người hâm mộ trông chờ một sự dịch chuyển nữa. Chẳng hạn, Công Phượng của HAGL được vinh danh.

HỒNG PHÚC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/su-chuyen-dich-cua-qua-bong-vang-viet-nam-d281573.html