Sự chuẩn bị cần thiết cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Trường học mới tại Việt Nam (VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh.

Giờ học theo mô hình VNEN tại Lớp 4C, Trường Tiểu học Phù Lỗ, huyện Phù Ninh (Phú Thọ)

Giờ học theo mô hình VNEN tại Lớp 4C, Trường Tiểu học Phù Lỗ, huyện Phù Ninh (Phú Thọ)

Các tổ chức UNESCO, Ngân hàng Thế giới coi mô hình EN có chất lượng tốt, là giải pháp giáo dục có hiệu quả mà các nước phát triển nên vận dụng.

Theo khuyến nghị của UNESCO, một trong những “vũ khí” mà con người thế kỷ 21 cần có, đó là khả năng học tập suốt đời. Để có thể học tập suốt đời, học sinh phải được trang bị những kỹ năng tự học. Đây chính là ưu thế của mô hình VNEN.

VNEN là mô hình thực hiện đổi mới cách thức tổ chức lớp học, đổi mới phương pháp dạy và phương pháp học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên bắt buộc phải đổi mới phương pháp giảng dạy, không còn cơ hội đọc chép cho học sinh, giáo viên không thể truyền thụ kiến thức một chiều mà phải là người tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh tự tìm tòi, khám phá. Học sinh vừa tự tìm tòi, chiếm lĩnh tri thức vừa được thực hành vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Trong quá trình học tập, các em đều phải nêu lên chính kiến của mình, biết lắng nghe ý kiến của bạn và đưa ra những phản hồi tích cực từ đó mạnh dạn hơn, tự tin hơn, biết lắng nghe và chia sẻ. Sự tham gia của gia đình, cộng đồng cũng ngày càng gắn kết với giáo dục hơn. Đặc biệt, trong thiết kế của tài liệu các bài học được chia thành 3 hoạt động chính là: Hoạt động cơ bản (Chiếm lĩnh kiến thức mới); hoạt động thực hành (Vận dụng kiến thức vào giải bài tập), hoạt động ứng dụng (Ứng dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn).

Trong giờ học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Phù Lỗ, huyện Phù Ninh, Phú Thọ

Trong đó, ở hoạt động ứng dụng các em phải tìm hiểu thực tiễn ở gia đình, cộng đồng để làm các bài tập ứng dụng từ đó các em hiểu hơn về gia đình, cộng đồng nơi các em đang sống.

Tại Phú Thọ, từ năm học 2012 - 2013, Sở GD&ĐT đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn một số trường tiểu học đưa mô hình VNEN vào thực tiễn giảng dạy. Hiện toàn tỉnh có 83/294 trường tiểu học với 897 lớp, 25.877 học sinh tự nguyện thực hiện mô hình VNEN. Các trường tiểu học còn lại áp dụng những thành tố tích cực của mô hình như sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực, tổ chức không gian lớp học với các góc học tập, góc thư viện, góc địa phương...

Qua thực tiễn áp dụng mô hình này, giáo dục tiểu học của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, qua phân tích so sánh kết quả đánh giá học sinh năm học 2016 - 2017 của các trường áp dụng toàn phần mô hình với các trường còn lại trong tỉnh cho thấy kết quả đánh giá môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh tỷ lệ hoàn thành tốt cao hơn học sinh không học VNEN 4,9%; năm học 2017 - 2018 cao hơn từ 3,5% đến 5,6%.

Ngoài kết quả môn học thì những học sinh học theo mô hình VNEN cũng được đánh giá cao hơn về năng lực và phẩm chất như: Tự phục vụ, tự quản, tự học và giải quyết vấn đề; chăm học, tự tin, trách nhiệm, đoàn kết, yêu thương.

Mô hình trường học mới đã xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ, tương tác giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Số đông các bậc phụ huynh và cộng đồng xã hội đều hiểu, đồng tình, tin tưởng, ủng hộ các nhà trường trong triển khai, thực hiện. Điều này cũng xuất phát từ hiệu quả bước đầu mà mô hình này mang lại.

Dạy học theo mô hình VNEN, các nhà trường thuận lợi hơn trong áp dụng cách đánh giá học sinh theo hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT, chuyển từ đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình. Việc đánh giá thường xuyên được tiến hành theo tiến trình bài học và các hoạt động giáo dục hằng ngày bằng hình thức nhận xét.

Đối tượng tham gia đánh giá kết quả học tập của mỗi học sinh không chỉ có giáo viên mà bao gồm cả phụ huynh học sinh và bản thân các em học sinh. Việc đánh giá dựa trên tiêu chí động viên học sinh là chính, giúp học sinh tự tin, hứng thú, tiến bộ trong học tập.

Ngày 26/12/2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Như vậy, chính thức từ năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt chương trình, đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Trong đó, phương pháp dạy học là một yếu tố quan trọng. Ở phương diện này, mô hình trường học mới (VNEN) chính là một bước chuyển tiếp quan trọng.

Giáo sư Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình bộ môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới từng nhận định: Mô hình VNEN là một bước chuyển tiếp để từ chương trình giáo dục hiện hành chủ yếu tiếp cận nội dung kiến thức bước sang một chương trình mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Như vậy, về cách tiếp cận và tiến trình dạy học, phải nhìn nhận một cách công bằng là mô hình VNEN có thể khắc phục những điểm yếu nhất của cách dạy truyền thống và tiếp cận gần nhất với hướng đi của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc lựa chọn đưa mô hình VNEN vào thực hiện trong các trường tiểu học địa bàn tỉnh là một hướng đi đúng đắn, cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh ngành GD&ĐT đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, một mô hình tốt, áp dụng thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Giáo viên là yếu tố quyết định nhất đến sự thành bại của bất kỳ mô hình giáo dục nào, kể cả mô hình VNEN.

Các thầy cô sẽ phải thay đổi cách soạn giáo án, thay đổi phương pháp dạy học và quan trọng là thay đổi nếp nghĩ. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc chuẩn bị các điều kiện khác, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả tốt nhất.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/su-chuan-bi-can-thiet-cho-viec-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-3996915-v.html