Sự chia rẽ sâu sắc

Cuộc tổng tuyển cử quan trọng bầu Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 5 năm tới đã chính thức diễn ra từ ngày 23-26/5. Cuộc bầu cử năm nay được dư luận hết sức quan tâm trong bối cảnh bản đồ chính trị châu Âu đang có những thay đổi rất mạnh mẽ, khác hẳn cuộc bầu cử trước vào năm 2014.

Cử tri đi bỏ phiếu bầu EP tại Hà Lan

Cử tri đi bỏ phiếu bầu EP tại Hà Lan

Trước hết, về kinh tế, dù điều kiện ở mỗi nước khác nhau, song tăng trưởng đã trở lại Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ trung bình toàn khối ước tính sẽ đạt 1,4% năm nay và 1,2% trong Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone). Tuy mức tăng trưởng này khá thấp so với một số nền kinh tế nhưng rất đáng khích lệ nếu nhìn lại tình trạng đáng lo ngại của EU cách đây 5 năm, đặc biệt là ở một số nước vừa thoát khỏi khủng hoảng như Hy Lạp hay Tây Ban Nha.

Một yếu tố khác đang định hình bàn cờ chính trị châu Âu đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Từ năm 2015, các cuộc bầu cử tại Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia đã ghi nhận sự thay đổi đáng ngạc nhiên và dù chưa thể giành chính quyền, song phe dân túy cũng đã tạo ra những đột phá lớn ở nhiều nước trong đó có Pháp, Hà Lan và Đức. Những thay đổi này được cho là kết quả của sự hội tụ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến những tác động tiêu cực của mặt trái toàn cầu hóa tới nền kinh tế châu Âu, khiến hàng triệu người không được hưởng lợi từ thành quả của tăng trưởng kinh tế; sự xuất hiện của các công nghệ mới khiến cho tiếng nói của mọi người có khả năng được lan truyền rộng rãi, với tốc độ ngay lập tức. Cuộc khủng hoảng người tị nạn, với hàng triệu người ồ ạt tràn vào nhiều nước và chầu chực bên kia đường biên giới châu Âu là yếu tố gây lo ngại lớn, là vết thương tâm lý lớn. Ngoài ra, sự cổ vũ của các thế lực dân túy quốc tế, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, đối với chủ nghĩa cực hữu, chỉ trích tiến trình hội nhập châu Âu, cũng tác động tới quan điểm của người dân EU.

Trong khi đó, dự án hội nhập châu Âu, được thúc đẩy liên tục, không ngừng từ vài thập niên qua, đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết do còn quá nhiều lĩnh vực chưa hoàn thiện. Xu hướng hoài nghi châu Âu, những tiếng nói chỉ trích các thiết chế chung của khối, tâm lý không hài lòng với chủ nghĩa quan liêu và xa rời công dân của giới lãnh đạo EU ngày càng lớn dần, tạo ra mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các đảng phái chống châu Âu. Dẫu vậy, ở phần lớn các nước, xu hướng ủng hộ châu Âu vẫn còn mạnh, khi có tới 68% người dân châu Âu tin rằng nước mình tốt đẹp hơn nhờ thuộc EU, tạm thời kìm hãm sự vươn lên của các lực lượng hoài nghi châu Âu. Điều này đặt ra yêu cầu EU cần phải tiếp tục thay đổi để lật ngược sự thất vọng của một bộ phận lớn người dân.

Có thể nói, nếu trước đây, mâu thuẫn giữa các lực lượng chính trị châu Âu chủ yếu xoay quanh ranh giới giữa cánh tả và cánh hữu, giữa xu hướng ủng hộ hay chống lại tiến trình hội nhập châu Âu, cũng như mâu thuẫn giữa các đảng phái trong nội bộ mỗi nước thì hiện nay nó lại xoay quanh các khái niệm như giá trị và bản sắc xã hội. Sự kết hợp giữa tư tưởng chống nhập cư và đề cao bản sắc quốc gia, một cách tuyên truyền để chống lại cả xu hướng hội nhập và liên kết châu Âu, che giấu tư tưởng bài ngoại đã mang lại cho chủ nghĩa dân túy, hoài nghi châu Âu có thêm mảnh đất màu mỡ để lớn mạnh và tạo ra sự khác biệt.

Bản thân người dân châu Âu cũng đã thay đổi sự quan tâm của mình. Trước đây, nhập cư, chủ nghĩa khủng bố và chống biến đổi khí hậu chỉ là vấn đề thứ yếu trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ trước thì nay nó đã trở thành bộ ba vấn đề thu hút sự quan tâm hàng đầu của cử tri. Thay đổi trong suy nghĩ của cử tri chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử sắp tới và chưa rõ cánh nào sẽ thắng thế trong các cuộc bầu cử này. Câu trả lời sẽ có trong một thời gian nữa và châu Âu vẫn chưa thể thoát khỏi khác biệt và chia rẽ "trong một sớm, một chiều".

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/su-chia-re-sau-sac-105346.html