Sự chậm trễ đáng lo ngại

Gần 3 năm sau Hiệp định Paris lịch sử nhằm hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất, những hành động thực tế cùng các tiến bộ đạt được hoàn toàn chưa đủ để đáp ứng mong đợi.

Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres cho rằng báo cáo của các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ. Ảnh: THX/TTXVN

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ) vẫn không ngừng thúc giục các nước áp dụng các biện pháp khẩn trương và quyết liệt chưa từng có mới có thể mong kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu đang nhanh hơn dự báo.

IPCC vừa công bố một báo cáo mang tính toàn diện về tình hình biến đổi khí hậu trên toàn cầu, được đúc kết từ hơn 6.000 công trình nghiên cứu và được thông qua tại hội nghị lần thứ 48 diễn ra hồi tuần trước tại thành phố Incheon của Hàn Quốc.

Báo cáo của IPCC là thành quả lao động của 91 nhà khoa học uy tín đến từ 40 quốc gia được các chính phủ và tổ chức quốc tế tín nhiệm đề cử. Theo công trình tâm huyết của IPCC, với tốc độ ấm lên như hiện nay, nhiệt độ trái đất sẽ vượt mức tăng 1,5 độ C từ năm 2030 đến 2052.

Trong khi đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21) vào tháng 12/2015 và chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2016, đặt mục tiêu giới hạn mức tăng trung bình nhiệt độ trái đất từ nay đến năm 2100 ở phạm vi từ 1,5-2 độ C. Do đó, với đà tăng hiện nay đồng nghĩa với việc mục tiêu của COP 21 khó có thể được hiện thực hóa khi viễn cảnh này có nguy cơ xảy ra sớm hơn tới gần nửa thế kỷ, với mức tăng nhiệt khi đó lên tới 3 độ C.

Những con số trên cho thấy mặc dù mục tiêu đã được thống nhất đề ra, nhưng hành đồng thực tế dường như không đi kèm đúng mức. Đây là sự chậm trễ đáng lo ngại. Trong 3 năm qua, nhiều hội nghị khí hậu đã được tổ chức, quy tụ đông đảo đại diện lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và giới chuyên gia với mục đích chung là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Nổi bật nhất có thể thấy là 2 hội nghị cấp cao "Một hành tinh" diễn ra lần lượt vào cuối năm 2017, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris, và tháng 9 vừa qua, nhằm thúc đẩy việc thực thi các cam kết về cắt giảm khí thải nhà kính, "thủ phạm" gây ra tình trạng trái đất nóng lên. Tuy nhiên, hầu hết các hội nghị cấp cao và hội thảo quốc tế mới chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi và những mục tiêu chung chung, chứ chưa thực sự có được khung hành động cụ thể.

Một con sông khô cạn do hạn hán kéo dài ở La Longeville, Pháp ngày 12/8/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Động lực thực thi thỏa thuận khí hậu Paris lịch sử đã giảm đáng kể sau quyết định rút lui của Mỹ, quốc gia đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) về lượng khí thải nhà kính. Thiếu Mỹ đồng nghĩa với việc 17,8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới không được giảm thiểu, tác động lớn đến mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt của trái đất.

Bên cạnh Mỹ, Australia - vốn là một trong những nước có lượng khí thải tính theo đầu người vào bậc cao trên thế giới - cũng đang muốn loại bỏ các cam kết về cắt giảm khí thải và muốn tránh luật hóa các cam kết này. Mới đây, Chính phủ Australia đã bác bỏ lời kêu gọi của IPCC yêu cầu nước này đến năm 2050 thay thế hoàn toàn nguồn điện than. Các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chịu trách nhiệm về khoảng 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, cũng chưa thể hiện rõ vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, gần 200 nước ký Hiệp định Paris đến nay mới chỉ cắt giảm được khoảng 1/3 lượng khí thải cần thiết để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Vấn đề tài chính cũng là yếu tố cản trở nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu của thỏa thuận khí hậu toàn cầu. Tại hội nghị COP 21 cách đây 3 năm, các nước ký thỏa thuận cam kết đến năm 2020 sẽ đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm để trợ giúp cho những nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đến nay, các nước phát triển mới chỉ đóng góp cho quỹ này 10 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD của Mỹ, tức là chỉ bằng 1/3 cam kết mà cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris. Triển vọng huy động vốn cho nguồn quỹ khí hậu toàn cầu này càng trở nên ảm đạm sau khi Australia vừa khẳng định sẽ không tăng thêm ngân sách dành cho quỹ này.

Tuy nhiên, cánh cửa hy vọng không hẳn đã khép lại. Bất chấp quyết định của một số nước đi ngược nỗ lực chung toàn cầu, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, điển hình là Pháp.

Chính phủ Pháp đã coi biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Vì thế, nhiều năm nay, Pháp đã thực hiện chính sách chống biến đổi khí hậu ở ba cấp độ: quốc gia, khu vực và quốc tế.

Ở cấp quốc gia, Pháp đặc biệt chú ý đến năng lượng ít khí thải carbon và khuyến khích các ngành sản xuất nỗ lực cải tiến công nghệ theo hướng xanh, sạch hơn. Ở cấp khu vực, Pháp luôn đi đầu trong việc xây dựng chính sách của Liên minh châu Âu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và giảm khí thải. Ở mức độ quốc tế, Pháp là một trong các quốc gia nỗ lực trợ giúp và khuyến khích các nước khác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh, bền vững.

Trên thực tế, hàng năm, quốc gia chiếm 4% tổng GDP thế giới chỉ thải ra 1% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Do đó, Pháp được coi là một trong những nước công nghiệp phát triển với lượng khí thải hàng năm trên đầu người ít nhất thế giới. Đây là kết quả của chính sách tập trung vào năng lượng nguyên tử và cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính đã được thực hiện từ lâu ở Pháp.

Một cánh đồng khô cằn do hạn hán kéo dài tại Cuxhaven, Đức ngày 17/8/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhờ tấm gương của Pháp, IPCC hy vọng các nước có thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 1,5 độ C nếu các biện pháp thay đổi "nhanh chóng và có ảnh hưởng sâu rộng" được thực thi. Những biện pháp được đề xuất bao gồm chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nói không với các phương tiện giao thông thải khí, cải thiện quản lý nông nghiệp và ngăn chặn nạn chặt phá rừng, gia tăng diện tích cây xanh.

Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ nhằm ngăn chặn lượng khí gây hiệu ứng nhà kính phát thải ra môi trường cũng là một trong những biện pháp được đề xuất. Những nỗ lực trên đòi hỏi những hành động khẩn cấp và quyết liệt, cũng như những lựa chọn đúng đắn của các chính phủ. Người dân các nước cũng có thể góp phần vào nỗ lực này với việc lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh hơn dựa trên thực vật. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng ngành chăn nuôi gia súc gia cầm là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí.

Với hơn 40.000 đánh giá bình luận nhận được từ các chuyên gia và chính phủ, báo cáo trên của IPCC luôn đảm bảo tính khách quan do có nhiều người tham gia vào tiến trình đánh giá cũng như nhận được sự đồng thuận của nhiều bên. Mặc dù vậy, vẫn có những tranh cãi nảy sinh xung quanh tài liệu này khi một số nhà khoa học cho rằng các chính phủ không có đủ thời gian để thực thi những biện pháp nhằm kiểm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu như mục tiêu 1,5 độ C đã đề ra.

Dẫu vậy, việc thông qua báo cáo của IPCC cũng được xem là một bước đi quan trọng, cho thấy quyết tâm của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn chưa lụi tắt. Tài liệu này sẽ tiếp sức cho Hội nghị COP 24, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại Katowice, Ba Lan, với mục tiêu đưa ra những đường hướng chỉ đạo trong việc giải quyết vấn đề phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cũng như tình trạng thiếu hụt tài chính cho bài toán chống biến đổi khí hậu.

PHAN AN (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/su-cham-tre-dang-lo-ngai-20181009164652968.htm