Sự cạnh tranh của Trung Quốc phủ bóng đen lên nền kinh tế Hàn Quốc

Từng được xem là mô hình mẫu phát triển kinh tế, Hàn Quốc giờ đây lo ngại sự cạnh tranh của Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế xứ sở kim chi rơi vào tình trạng tăng trưởng trì trệ trong dài hạn, theo tờ Financial Times.

Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu của công ty hóa dầu SK Innovation ở Ulsan, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

Hàn Quốc cần mô hình tăng trưởng mới

Tại các hành lang quyền lực ở Seoul, “khủng hoảng” là cụm từ được nói đến nhiều trong các cuộc thảo luận của các nhà hoạch định chính sách, nhà kinh tế và doanh nhân về đường lối phát triển kinh tế sắp tới của Hàn Quốc.

Đối với thế giới bên ngoài, điều này nghe có vẻ mâu thuẫn vì nền kinh tế Hàn Quốc vẫn đang khỏe mạnh với mức tăng trưởng được dự báo xấp xỉ 3% trong năm nay, trong khi đó, hoạt động xuất khẩu vẫn tốt và tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp dưới 4%.

Song các chỉ số kinh tế này che giấu một hiện thực ảm đạm đang đối diện nền kinh tế từng được xem là con hổ châu Á.

Các nhà kinh tế tin rằng nhiều yếu tố đang hội tụ phía trước mắt Hàn Quốc có thể tác động xấu đến quỹ đạo tăng trưởng của nước này trừ khi Seoul bắt đầu thực hiện các cải cách cấu trúc mạnh mẽ ngay lập tức.

Theo các nhà kinh tế, trong khi đang đối mặt với những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ sự cạnh tranh của Trung Quốc cho đến một lực lượng dân số ngày càng già hóa, nền kinh tế Hàn Quốc cần phải chuyển tiếp sang một mô hình tăng trưởng mới nếu không sẽ có nguy cơ rơi vào sự trì trệ kinh tế dài hạn giống như nước láng giềng Nhật Bản.

“Chúng tôi đang đứng trước thời điểm quan trọng. Nếu chúng tôi không giải quyết được các vấn đề kinh tế tồn đọng từ quá khứ và nếu chúng tôi không tiến lên, các bất ổn đối với quỹ đạo tăng trưởng của chúng tôi sẽ càng gia tăng”, Yoon Jong-won, cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Sau hơn một năm cầm quyền, ông Moon Jae-in vẫn chưa tạo ra được sự ủng hộ mạnh mẽ cho kế hoạch phát triển kinh tế đất nước mà ông đề xuất giữa lúc tỷ lệ cử tri ủng hộ công việc điều hành đất nước của ông với tư cách là tổng thống đang sụt giảm.

Những người chỉ trích đang kêu gọi chính phủ cần đưa ra cách tiếp cận cơ bản hơn đối với nền kinh tế.

Eom Chi-sung, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc nói với tờ Financial Times: “Chúng tôi cần những thay đổi tổng thể về cấu trúc ở mọi cấp: cấp xã hội, cấp chính phủ và cấp doanh nghiệp”.

Xưởng đóng tàu của công ty đóng tàu lớn nhất thế giới Hyundai Heavy Industries tại Ulsan, Hàn Quốc. Ảnh: Financial Times

Ngành sản xuất gặp khủng hoảng

Mấu chốt của vấn đề là có những quan điểm cho rằng mô hình kinh tế của Hàn Quốc không còn tính cạnh tranh nữa.

Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng bùng nổ và đời sống người dân ngày càng thịnh vượng, nhờ một nhóm tập đoàn công nghiệp linh động học hỏi kỹ thuật sản xuất của các công ty phương Tây và Nhật Bản để nâng cao sản lượng với giá cả cạnh tranh hơn nhiều.

Với sự hỗ trợ của chính phủ, các tập đoàn như Hyundai và Samsung đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực như đóng tàu, ô tô, hàng điện tử tiêu dùng và đã gặt hái thành công rực rỡ trên thị trường toàn cầu. Có thời điểm, kim ngạch xuất khẩu đóng góp đến 55% GDP của Hàn Quốc. Ngày nay, hoạt động xuất khẩu vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong GDP của Hàn Quốc, ở mức hơn 40%.

Tuy nhiên, sức mạnh cạnh tranh của Hàn Quốc giờ đây đứng trước nguy cơ bị xói mòn và đối thủ tạo ra nguy cơ này chính là người hàng xóm Trung Quốc.

“Ngành sản xuất của Hàn Quốc đang trong cơn khủng hoảng”, nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc Oh Se-jung nói khi ám chỉ đến thị phần đóng tàu, lắp ráp ô tô, sản xuất thép, thậm chí cả sản xuất điện thoại di động của Hàn Quốc đang suy giảm trên thị trường toàn cầu. Chẳng hạn ở lĩnh vực đóng tàu, thị phần trên toàn cầu của Hàn Quốc giảm từ 35% xuống còn 24% trong vòng một thập kỷ qua, trong khi đó, thị phần của Trung Quốc tăng gần gấp đôi, theo công ty nghiên cứu thị trường vận tải biển Clarksons Research.

Bức tranh ảm đạm xuất hiện khắp đất nước Hàn Quốc khi các trung tâm sản xuất công nghiệp sa thải hàng chục ngàn lao động.

Thành phố Ulsan, quê hương của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp nặng của hãng Hyundai từng là một thành phố giàu có và phát triển nhanh nhất Hàn Quốc. Ngày nay, số thanh niên rời bỏ Ulsan ngày một tăng, gấp bốn lần kể từ thập niên 1970. Dân số của Ulsan bắt đầu giảm vào năm 2016.

Ulsan chỉ là một trong chín vùng được chính phủ Hàn Quốc xem là “các khu vực khủng hoảng công nghiệp” và được nhận gần 1 tỉ đô la Mỹ hỗ trợ từ chính phủ.

Thủ đô Seoul cũng đang bổ sung ngân sách 3,5 tỉ đô la để phục vụ các nỗ lực tạo việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ đang ở mức khoảng 10%.

Song những người chỉ trích phê phán những biện pháp như vậy chỉ cách tiếp cận tạm thời nhằm củng cố các ngành công nghiệp mà về cơ bản đã không còn bền vững, hơn là giải quyết các vấn đề sâu xa về cấu trúc.

“Hàn Quốc cần tập trung vào nghiên cứu và phát triển đồng thời, phải nắm bắt được các công nghệ tân tiến. Trung Quốc đang sắp bắt kịp công ty Hàn Quốc nhờ các khoản đầu tư khổng lồ”, Yang Joon-mo, giáo sư kinh tế ở Đại học Yonsei ở Seoul, nói.

Lee Soo-hyun, nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), cũng đồng tình với nhận định này và cho rằng vấn đề cốt lõi nhưng chưa được giải quyết là sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào các hoạt động xuất khẩu đang được thúc đẩy bởi các tập đoàn lớn.

Ông nói: “Rốt cục, các tập đoàn lớn quyết định các ngành công nghiệp chiến lược Hàn Quốc thay vì chính phủ Hàn Quốc quyết định chúng”.

Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc Samsung vừa công bố kế hoạch đầu tư 160 tỉ đô la trong vòng 3 năm tới nhằm củng cố sức mạnh tăng trưởng trong bối cảnh đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng rát từ các đối thủ Trung Quốc.

Trong số đó, gần 100 tỉ đô la được phân bổ cho chi phí tài sản cố định, chủ yếu là nhằm mở rộng mảng kinh doanh chip bán dẫn. Nhờ nhu cầu nóng của các hãng công nghệ toàn cầu, mảng chip nhớ của Samsung giúp lợi nhuận của hãng này tăng vọt trong năm qua.

Tuy nhiên, các tập đoàn Trung Quốc cũng đang ráo riết đầu tư vào mảng bán dẫn với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ. Trong chương trình Made in China 2025, Trung Quốc đặt tham vọng thống lĩnh ngành công nghệ cao này trong tương lai.

“Về mặt xuất khẩu, chúng tôi gặp phải một vấn đề: khách hàng lớn nhất của chúng tôi (Trung Quốc) cũng là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”, Peter Kim, nhà chiến lược đầu tư ở công ty quản lý tài sản Mirae Asset Management, nói.

Sẽ tiến đến thời kỳ trì trệ giống Nhật Bản?

Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang thực hiện chiến lược kinh tế hai trọng điểm: thúc đẩy tăng trưởng thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và nuôi dưỡng “tăng trưởng sáng tạo”.

Ông Moon hy vọng thu nhập của người lao động tăng sẽ dẫn đến sức tiêu dùng tăng, kích hoạt một chu kỳ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, chính sách này vấp phải sự phản đối của các công ty vừa và nhỏ.

Về tăng trưởng sáng tạo, cảm nhận được mối đe dọa từ Trung Quốc, Seoul đang muốn bãi bỏ bớt các quy định quản lý để khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghệ cao và nâng cao sản lượng.

Trọng tâm của chính sách này là nhằm tạo ra “một sân chơi công bằng” cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ vốn từ lâu bị cản trở bởi sự thống lĩnh thị trường của các tập đoàn lớn (chaebol).

Dân số đang già quá nhanh là một trong những thách thức lớn đang kìm hãm nền kinh tế Hàn Quốc. Theo dự báo, đến năm 2060, hơn 40% dân số Hàn Quốc sẽ trên 65 tuổi so với mức 13% hiện nay.

Dân số già nhanh cộng với mối đe dọa công nghiệp từ Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia tin rằng Hàn Quốc đang hướng đến thời kỳ tăng trưởng trì trệ và lạm phát thấp kéo dài, một thực trạng mà Nhật Bản đã trải qua trong hai thập kỷ.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277324/su-canh-tranh-cua-trung-quoc-phu-bong-den-len-nen-kinh-te-han-quoc.html