Sự cần thiết việc xây dựng trạm biến áp 110kV Phú Xuyên

Cùng với sự phát triển của Thủ đô, Phú Xuyên cũng đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đặc biệt là huyện Phú Xuyên trong quy hoạch xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ định hướng là khu đô thị vệ tinh, hàng loạt các khu công nghiệp, khu đô thị đã, đang và sẽ được xây dựng dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Sự cần thiết trạm biến áp

Hiện nay, huyện Phú Xuyên chưa có TBA 110kV, phụ tải đang được cấp bởi các đường dây trung thế 35kV và 22kV đấu nối từ TBA 110kV Tía (thuộc huyện Thường Tín) hoặc một số nguồn hỗ trợ từ tỉnh Hà Nam.

Các đường dây trung thế có chiều dài lớn, dẫn đến chất lượng điện năng kém. Ngoài ra, TBA 110kV Tía cũng đang trong tình trạng đầy tải, trong tương lai chỉ đủ cấp cho huyện Thường Tín, lưới điện cấp cho Phú Xuyên vì vậy cũng thường xuyên bị cắt điện do quá tải, độ ổn định thấp.

Theo con số thống kê thì năm 2015 nhu cầu điện của Phú Xuyên là 55.000 kW tương đương hơn 60.000kVA và dự báo đến năm 2020 là 86.429 kW tương đương gần 100.000 kVA. Với nhu cầu điện cao như vậy, các trạm biến áp lân cận không thể đủ công suất để cung cấp cho huyện Phú Xuyên.

Vị trí trạm biến áp 110kV Phú Xuyên

Vị trí trạm biến áp 110kV Phú Xuyên

Cùng với sự phát triển của Thủ đô, Phú Xuyên cũng đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, Đặc biệt là huyện Phú Xuyên trong quy hoạch xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ định hướng là khu đô thị vệ tinh, hàng loạt các khu công nghiệp, khu đô thị đã, đang và sẽ được xây dựng dẫn đến nhu cầu công suất tăng đột biến.

Khu đô thị và công nghiệp hỗ trợ phía Nam Hà Nội tại huyện Phú xuyên đã được Thủ tướng phê duyệt sẽ là chuỗi đô thị vệ tinh và là trung tâm công nghiệp hỗ trợ cho Thủ đô. Với hiện trạng nguồn và lưới điện của khu vực như vậy thì trong tương lai gần sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Cần phải sớm tăng cường khả năng cung ứng điện.

Vì vậy, việc xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên là hết sức cần thiết và cấp bách để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của nhân dân. Nâng cao chất lượng, sự ổn định và an toàn cho hệ thống điện, giảm tổn thất của lưới điện. Góp phần vào sự nghiệp phát triển Kinh tế, xã hội của địa phương cũng như của Thủ đô. Hơn nữa, trạm biến áp sẽ tạo sự chủ động về nguồn điện cho huyện, giảm tối đa sự phụ thuộc, hỗ trợ từ các địa phương lân cận.

Phần đường dây 110kV được khởi công đầu năm 2017 và đang trong quá trình thi công xây dựng. Phần trạm biến áp đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, tất cả các hộ dân trong diện thu hồi đất đều đã đồng ý nhận tiền, sẵn sàng sàng bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng.

Tuy nhiên, trong năm 2016 xuất hiện một số hộ dân không thuộc diện thu hồi đất nhưng sinh sống gần khu vực dự án có ý kiến phản đối vị trí đặt trạm vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 4351/QĐ-BCT ngày 29/8/2011, dự kiến xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên tại khu vực phía Tây Nam của nút giao giữa đường cao tốc Tây Bắc và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Vị trí này thuộc xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, dự kiến trên địa bàn huyện Phú Xuyên sẽ xây dựng 03 TBA 110kV, trong đó có TBA 110/22kV Phú Xuyên 3 đặt tại ô đất phía Tây Bắc của nút giao giữa cao tốc Tây Bắc và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Do có sự khác biệt về vị trí TBA Phú Xuyên giữa hai quy hoạch trên, ngày 9/2/2012, Liên Sở Công thương và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã họp với Viện Quy hoạch xây dựng, Viện Năng lượng và các bên liên quan. Theo đó đã thống nhất báo cáo Thành phố theo văn bản số 149/BC-SCT-SQHKT ngày 23/2/2012 cho phép thực hiện xây dựng các TBA với tiêu chí về quy mô xây dựng phù hợp với Quy hoạch Điện và vị trí xây dựng phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Ngày 9/6/2012, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 1559/UBND-CT chấp thuận đề xuất của Liên Sở.

Trên cơ sở xem xét quy hoạch, EVN HANOI đã phối hợp và làm việc với chính quyền địa phương và đã thống nhất vị trí dự kiến xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên tại cánh đồng Thạng Nội, thuộc tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên để báo cáo Sở Quy hoạch kiến trúc xem xét. Vị trí này nằm phía Tây Bắc của nút giao giữa đường cao tốc Tây Bắc và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trùng với vị trí của TBA 110kV Phú Xuyên 3 trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Vị trí xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên tại cánh đồng Thạng Nội, thuộc tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thống nhất và báo cáo UBND TP Hà Nội tại văn bản số 3438/QHKT-P7 ngày 9/11/2016 và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận tại văn bản số 4750/VP-CT ngày 22/11/2012.

Chỉ giới đường đỏ khu đất xây dựng trạm biến áp đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cấp bản vẽ vào tháng 4 năm 2014. Giấy phép quy hoạch cho trạm biến áp đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc cấp theo văn bản số 5774/GPQH ngày 27/12/2014. Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ của trạm biến áp đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận theo văn bản số 1069/QHKT-TMB-PAKT ngày 19/3/2015.

Không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân

Về công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) công trình được thực hiện theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ trước đây quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường (sau này được thay thế bởi Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường).

Báo cáo ĐTM của công trình đã được tham vấn tại địa phương, được Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất nội dung và được UBND Thành phố phê duyệt theo quyết định số 3411/QĐ-UBND ngày 25/6/2014.

Căn cứ Điều 7, Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực về an toàn điện vùng không bị ảnh hưởng của điện trường là khoảng không gian trong đó cường độ điện trường nhỏ hơn 5000 V/m. Hơn nữa, quy định trên chỉ áp dụng cho TBA 220kV trở lên, trạm 110kV không quy định.

Trên thực tế, theo số liệu quan trắc điện trường trong các trạm biến áp 110kV trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trung bình chỉ khoảng 56V/m, thấp hơn rất nhiều so với 5000 V/m theo quy định trên và đây là số liệu đo được bên trong các TBA, cường độ bên ngoài hàng rào trạm mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng chắc chắn sẽ nhỏ hơn cường độ bên trong trạm.

Ngoài ra, ngày 30/6/2016, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 25/2016/TT-BYT về việc quy định quy chuẩn Quốc gia về điện từ trường tần số công nghiệp – Mức tiếp xúc cho phép điện từ trường tần số công nghiệp tại nơi làm việc.

Theo đó quy định rõ với cường độ điện trường nhỏ hơn 5kV/m (5000V/m) mức tiếp xúc cho phép với điện trường là không hạn chế. Và bản chất của việc ban hành các ngưỡng quy định trên là để phục vụ cho cán bộ, công nhân ngành điện trực tiếp tiếp xúc với thiết bị trong trạm điện và trên đường dây tải điện còn người dân xung quanh là hoàn toàn không có ảnh hưởng.

Về điều kiện vận hành, trạm biến áp được đầu tư xây dựng với công nghệ hiện đại, đảm bảo xử lý an toàn trong các tình huống sự cố. Ngoài hệ thống điều khiển bảo vệ thiết bị điện theo tiêu chuẩn ngành còn có hệ thống hố thu dầu và bể thu dầu máy biến áp, hệ thống bảo cháy công nghệ tiên tiến và hệ thống chữa cháy tự động bao gồm dàn phun sương cùng các máy bơm áp lực cao và hệ thống điều khiển hiện đại cũng như các bình chữa cháy tại chỗ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, quy phạm an toàn.

Riêng phần đảm bảo yêu cầu về Phòng cháy và chữa cháy của trạm đã được Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt về Phòng cháy và chữa cháy tại văn bản số 438/TD-PCCC ngày 20/7/2015. Như vậy, không có sự ảnh hưởng của trạm đến sức khỏe của nhân dân xung quanh hàng rào trạm.

PV

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/su-can-thiet-viec-xay-dung-tram-bien-ap-110kv-phu-xuyen-114203.html