Sự cần thiết của các hoại động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường sẽ giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên bước đầu chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học trong môn học và các chuyên đề tích hợp liên môn phù hợp để phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường có tác dụng tăng cường, mở rộng không gian lớp học cho học sinh với phương pháp "thực nghiệm", đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất đạo đức người học. Tạo sự tương tác hiệu quả giữa gia đình - nhà trường, giáo viên - phụ huynh và học sinh trong việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện cho các em học sinh, giúp các em tiếp cận kiến thức một cách chủ động, tích cực, sáng tạo và phát triển năng lực của mình.

Hoạt động trải nghiệm được thực hiện trên cơ sở rà soát chuẩn kiến thức, kĩ năng chương trình hiện hành và các hoạt động giáo dục dự kiến sẽ tổ chức cho học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, xác định các năng lực và phẩm chất có thể hình thành cho học sinh trong mỗi chủ đề được xây dựng ở các bộ môn trong nhà trường. Nghiên cứu các hình thức trải nghiệm sáng tạo, xây dựng các hoạt động học trải nghiệm cho học sinh phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và mục tiêu dạy học, tiếp cận và phát triển năng lực. Việc xây dựng các chủ đề dạy học trong môn học, các chủ đề và kế hoạch dạy học phải nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng học tập của học sinh; kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên phải được Ban giám hiệu nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiể̉m tra.

Ban giám hiệu, tổ chuyên môn, đoàn thể, các thầy cô giáo xây dựng hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh qua các hoạt động của học sinh; đánh giá qua hồ sơ học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập theo kế hoạch dạy học của giáo viên và nhà trường. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành, các hình thức đánh giá này được thông tin đầy đủ đến học sinh khi giao nhiệm vụ học tập.

Khi thực hiện hoạt động trải nghiệm thực tế, tiết học phải đảm bảo nội dung, kiến thức theo quy định của phân phối chương trình phổ thông hiện hành và dựa trên thực tế tại địa phương. Phối hợp với các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, các địa danh của địa phương trong và ngoài tỉnh để xây dựng các tiết học ngoài nhà trường phù hợp với nhu cầu, tâm sinh lí học sinh. Các chủ đề tiết học ngoài nhà trường xây dựng phải đảm bảo đáp ứng chuẩn kiến thức và kĩ năng của chương trình hiện hành; gắn kết kiến thức với thực tế địa phương; hoạt động học phải đảm bảo học sinh phải được trải nghiệm qua thực tế để đúc kết được kiến thức (học trải nghiệm). Xây dựng được phương án kiểm tra đánh giá học sinh, đánh giá quá trình, đánh giá sản phẩm từng phần và đánh giá cuối chủ đề. Một chủ đề dạy học trải nghiệm sáng tạo bao gồm mục tiêu chủ đề, nội dung các hoạt động, kiểm tra đánh giá quả trình lĩnh hội. Khuyến khích xây dựng chủ đề tích hợp trong quá trình thực hiện, huy động nhiều lực lượng tham gia vào quá trình dạy và học.

Tùy vào tình hình thực tế, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng chủ đề tiết học ngoài nhà trường trước khi triển khai đưa vào thực hiện và đảm bảo tối thiểu có 01 chu đề tiết học ngoài nhà trường/năm học. Tổ chức tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường với học sinh theo các chủ đề: Trải nghiệm làm nông dân vùng sông nước; làm người dân vùng ven biển Miền Tầy; làm công nhân khu công nghiệp…. Kinh phí tổ chức do cha mẹ học sinh lớp hỗ trợ, Hội cha mẹ học sinh trường hỗ trợ một phần chuyến đi.

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Dựa trên các trải nghiệm nghiên cứu khoa học để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội và để sáng tạo phương pháp và phương tiện kĩ thuật mới cao hơn, giá trị hơn. Học sinh muốn làm nghiên cứu khoa học phải có kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu và cái chính là phải rèn luyện việc tự lực, có phương pháp từ lúc ngồi trên ghế nhà trường. Tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học thông qua việc triển khai và vận động học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật, cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn và cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp để tổ chức hướng dẫn cho học sinh xây dựng ý tưởng, trải nghiệm nghiên cứu khoa học, đề nghị các giải pháp để giải quyết các vấn đề thực tế trong quá trình tham gia học tập và rèn luyện trong trường phổ thông; thúc đẩy việc gắn kiến thức lý thuyết và thực hành trong nhà trường với thực tiễn đời sống, đẩy mạnh thực hiện dạv học theo phương châm "học đi đôi với hành".

Tổ chức các tiết học trải nghiệm thực tế trong nhà trường thực hiện giáo dục chuyên từ hướng tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận năng lực. Chú trọng việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Nhà trường xây dựng và tổ chức 02 tiết học trải nghiệm thực tế/tuần với nội dung như sau: Tiết học trải nghiệm thực tế 1- Múa dân vũ giúp học sinh phát triển năng khiếu nhảy múa, đưa múa dân vũ vào hoạt động giáo dục thể chất giữa giờ tạo sự hứng thú, tích cực tham gia của học sinh so với bài tập thể dục giữa giờ truyền thống trên tinh thần học sinh có thể thả lỏng tay chân sau các tiết học căng thẳng, bên cạnh đó tuyển chọn nhóm học sinh có năng khiếu, từng bước hình thành Câu lạc bộ Múa góp phần phát triển phong trào văn nghệ của nhà trường cũng như tạo lực lượng tham gia hội thi các cấp. Tiết học trài nghiệm thực tế 2- Thể dục thể thao giúp học sinh phát triển năng khiếu thể dục thể thao, tăng cường sức khỏe, thể chất từ đó tuyển chọn nhóm học sinh có năng khiếu, từng bước hình thành Câu lạc bộ võ Vovinam, góp phần phát triển phong trào thể dục thể thao của nhà trường cũng như tạo lực lượng tham gia hội thi các cấp….

Nhà trường định hướng chỉ đạo các tổ chuyên môn, các tổ chức Đoàn - Đội xây dựng các Câu lạc bộ như : Đàn - Thanh nhạc, Múa, Bóng đá, Cầu lông, Tiếng Anh theo nhu cầu và sở thích của học sinh. Bố trí giáo viên bộ môn phụ trách công tác hỗ trợ Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ xây dựng và điều hành hoạt động của Câu lạc bộ. Giáo viên chủ nhiệm lớp phổ biến rộng rãi và vận động học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm đạt kết quả. Các tổ chuyên môn, Chi Đoàn, tổng phụ trách Đội xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động, thành lập và duy trì các Câu lạc bộ trong nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh trường phối hợp cùng nhà trường, hỗ trợ kinh phí tổ chức cho học sinh; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, chỉ đạo việc thực hiện đảm bảo các hoạt động đạt hiệu quả.

Khi lựa chọn các thành viên tham gia Câu lạc bộ cũng như khi tổ chức các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ cần đảm bảo một số nguyên tắc tham gia trên tinh thần tự nguyện, không phân biệt đối xử, đàm bảo sự công bằng, phát huy tính sáng tạo, tôn trọng ý kiến và nhân cách học sinh, bình đẳng giới, đảm bảo quyền trẻ em, học sinh là chủ thể quyết định mọi vấn đề của Câu lạc bộ. Câu lạc bộ khi được thành lập phải có Ban chủ nhiệm, nội quy, kế hoạch hoạt động cụ thể theo đặc thù hoạt động. Mỗi Câu lạc bộ là hình thức sinh hoạt ngoại khóa của những nhóm tạo môi trường giao lưu thân thiện, tích cực. Hoạt động của Câu lạc bộ tạo cơ hội để học sinh được chia sẽ những kiến thức, sự hiểu biết của mình về các lĩnh vực mà các em quan tâm, qua đó phát triển các kĩ năng của học sinh; giúp cho học sinh trải nghiệm, sáng tạo phát triển năng lực của mình.

Các kiến thức khoa học từ nhiều bộ môn: vật lí, hóa học, sinh học, toán học…sẽ được lồng ghép khéo léo vào trong mỗi bài học, và mục đích sau cùng là làm ra các sản phẩm thực tế. Những sản phẩm này sẽ vô cùng gần gũi với đời sống hàng ngày, và chính các em học sinh sẽ được trực tiếp bán sản phẩm đó, để thu về một phần kinh phí gây quỹ của CLB để dùng cho các dự án tiếp sau hoặc làm từ thiện. Câu lạc bộ là nơi giao lưu của tất cả các bạn học sinh, không phân biệt lứa tuổi. Các anh chị lớp 8,9 sẽ là người dìu dắt các em nhỏ hơn và hoạt động theo mô hình các dự án, mỗi dự án sẽ được lựa chọn theo từng chủ đề khoa học, vào từng thời điểm nhất định của năm học. Sau đó thực hiện lần lượt theo các bước: Những buổi học giới thiệu về kiến thức khoa học sử dụng trong dự án; phân chia nhóm hoạt động của dự án (Nhóm sản xuất, Nhóm truyền thông, Nhóm hậu cần); sản xuất sản phẩm; bán sản phẩm. Toàn bộ các công đoạn thực tế của dự án đều là do các bạn học sinh tự làm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo cố vấn.

Việc lựa chọn chủ đề của dự án là vô cùng quan trọng, phải tăng dần cấp độ từ dễ đến khó, phải có sự hài hòa các môn khoa học để tránh sự nhàm chán cho học sinh, đặc biệt là gần gũi với đời sống hàng ngày. Trên tinh thần đó, những dự án đầu tiên có thể kể đến như: Sản xuất giá đỗ siêu sạch, sản xuất rau mầm cải hay làm đèn trung thu handmade…Những sản phẩm đó được bán tại trường sau giờ học cho các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh của trường hoặc cộng đồng. Các em không những có thêm nhiều kiến thức khoa học bổ ích mà còn được trang bị những kĩ năng mềm khác như: Làm việc nhóm, thiết kế tờ rơi, truyền thông, bán hàng…thay cho những thời gian mà trước đó đa phẩn chỉ dùng để chơi game.

Bên cạnh đó, việc học sinh được bắt tay vào làm thực tế các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản sẽ cải thiện rất nhiều khả năng hoạt động trải nghiệm, điều đang rất thiếu với học sinh thành phố. Với số tiền thu được sau mỗi dự án, CLB luôn trích một phần ra để gây quỹ từ thiện, qua đó cũng giáo dục được học sinh tình yêu thương con người, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Thêm nữa, phản hồi từ phụ huynh các bạn học sinh cũng rất tốt, bố mẹ đều rất vui khi thấy con mình tham gia những hoạt động nghĩa và còn làm ra những sản phẩm vô cùng bổ ích, biết chế biến món ăn cho gia đình, trang trí nhà cửa, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất bằng những sản phẩm của dự án. Điều này không những rèn cho các bạn tính tự lập mà còn giúp gia đình gắn kết. Các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong giao tiếp, không còn cắm cúi vào điện thoại nhiều nữa, thay vào đó, các em dành thời gian tìm hiểu các kiến thức khoa học, nghiên cứu ứng dụng vào bài học và thực tế để trở thành những học sinh năng động hơn, tự tin hơn và đầy đủ kỹ năng để vững bước trước cuộc đời.

Trương Anh Sáng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/su-can-thiet-cua-cac-hoai-dong-trai-nghiem-sang-tao-trong-nha-truong-83781