Sự bùng nổ của làn sóng đầu tư công nghệ hay là cơn sốt tiềm ẩn rủi ro?

Thời gian gần đây, NFT nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư sau khi hàng loạt tác phẩm nghệ thuật số được bán với giá hàng triệu USD. Thị trường NFT tại Việt Nam cũng đang bắt đầu sôi động. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là Việt Nam vẫn chưa có các khung pháp lý cụ thể để kiểm soát và đảm bảo tối ưu cho các giao dịch này.

Lan đột biến (mã hóa thành tài sản NFT) được rao bán rộng rãi.

Lan đột biến (mã hóa thành tài sản NFT) được rao bán rộng rãi.

NFT có thể đại diện cho bất cứ thứ gì

Hiểu sơ lược, NFT là một loại tài sản số sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) để tạo ra một chuỗi mã độc nhất đại diện cho một vật phẩm nào đó và không thể thay thế. Các chuỗi mã này được dùng để định danh phiên bản số của vật phẩm nói trên (các tác phẩm nghệ thuật, bài hát hay hiện tượng mạng…).

Cơn sốt tiền điện tử đầu năm nay đã tạo tiền đề cho NFT trở thành xu hướng đầu tư mới nhất trên thị trường hiện nay. NFT có thể đại diện cho bất cứ thứ gì, từ bài hát, bức tranh, thẻ bài bóng rổ, vé concert,… Thậm chí một dòng trạng thái trên Twitter cũng có thể trở thành NFT.

Thực chất, NFT (Non-fungible token) đã xuất hiện từ khoảng năm 2012, đến năm 2017 mới được biết đến nhiều hơn nhờ game nuôi mèo ảo CryptoKitties chạy trên mạng Ethereum. Game này cho phép người chơi nuôi, giao dịch mèo ảo bằng đồng Ether.

Mới đây, nghệ sĩ Beeple đã bán nhiều tác phẩm nghệ thuật gồm tranh và video trực tuyến với giá lên đến hàng triệu USD. Ca sĩ Grimes - bạn gái của tỷ phú Elon Musk cũng khiến không ít người ngỡ ngàng khi thu về 5,8 triệu USD trong vòng chưa đầy 20 phút nhờ việc bán thành công bộ sưu tập tranh NFT.

Không ít người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng như Lindsay Lohan, Mark Cuban, Gary Vaynerchuk, CEO Twitter Jack Dorsey cũng gia nhập.

Còn tại Việt Nam, mới đây trên một sàn giao dịch vật phẩm ảo quốc tế, mặt hàng lan đột biến của Việt Nam (mã hóa thành tài sản NFT) được rao bán rộng rãi với khoảng 100 mặt hàng. Nhiều chủng loại lan đột biến NFT như: Phú Thọ, Ngọc Sơn Cước, Hồng Yên Thủy,...được “bày bán” dao động ở mức giá khoảng 1.000 USD. Khách mua có thể thông qua đấu giá hoặc mua trực tiếp, đơn vị giao dịch là đồng tiền điện tử Ethereum (ETH).

“Thu thập và trao đổi những bông hoa kỹ thuật số độc đáo. Dù không phải là tiền kỹ thuật số, nhưng nó cung cấp mức độ bảo mật tương tự. Nó không thể bị phá hủy, lấy đi hoặc sao chép, và nó sẽ luôn ‘nở hoa’!”, dòng mô tả về hoạt động bán mua lan đột biến NFT.

Ngoài lan đột biến, trên sàn giao dịch quốc tế trên cũng có không ít sản phẩm của người Việt như các bức tranh của họa sĩ Việt, hình ảnh đồng tiền, kỷ vật thời chiến tranh…

“Cơn sốt” đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo tìm hiểu của PV, hiện trên thế giới đã có khoảng 60 trang chuyên trao đổi, mua bán vật phẩm NFT. Trong khi đó, tại Việt Nam mới chỉ có một vài đơn vị triển khai thực hiện lĩnh vực này.

Đầu tháng 4/2021, một nhóm các chuyên gia văn hóa, mỹ thuật cùng các kỹ thuật viên công nghệ đã ra mắt dự án nền tảng chuyển giao quyền sở hữu số với tên gọi “Cổng trời”. Đây được coi là nền tảng giao dịch NFT đầu tiên tại Việt Nam.

Theo nhóm dự án, các tác phẩm nghệ thuật sẽ được số hóa, định danh dưới dạng NFT, trở thành tác phẩm kỹ thuật số với tính xác thực và quyền sở hữu duy nhất trên nền tảng blockchain, đảm bảo tính độc bản kỹ thuật số tồn tại song song với độc bản ngoài đời thực.

Giá trị của độc bản số sẽ tỉ lệ thuận với số lần chuyển nhượng. Với NFT, một nhà sưu tập ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể tiếp cận, sở hữu những tác phẩm nghệ thuật NFT của Việt Nam với sự đảm bảo 100% về quyền sở hữu, khả năng chia sẻ và đảm bảo giá trị chuyển nhượng toàn cầu.

Theo ghi nhận, sau 3 tháng triển khai, hiện trên nền tảng “Cổng trời” đã có sự tham gia của 45 tác giả là nghệ sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia. Hơn 230 tác phẩm mới hiện đang được trưng bày và hơn 1800 tài khoản đã đăng ký trên nền tảng này.

Một nền tảng giao dịch NFT khác tại Việt Nam có tên AvatarArt cũng đã được ra mắt gần đây, đặt trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Theo lời giới thiệu, đây là nền tảng sàn đấu giá nhằm hỗ trợ các họa sĩ khởi tạo các NFT từ các tác phẩm đời thực bên ngoài và giao dịch.

Cách thức này giúp ngăn chặn triệt để các vấn đề đạo nhái, giúp nghệ sĩ yên tâm sở hữu bản quyền tác phẩm của mình trên toàn thế giới bằng công nghệ số; loại bỏ quy trình thủ tục phức tạp và tốn kém chi phí thời gian ở quy trình đấu giá truyền thống; giảm thiểu rủi ro không đáng có cho các tác phẩm của mình khi không phải di chuyển quá nhiều các địa điểm khác nhau.

Điểm đáng chú ý, để đảm bảo quyền lợi cho người mua, đơn vị này dự kiến sẽ thành lập các trung tâm lưu ký và bảo quản các tác phẩm hội họa tại một điểm cố định. Người bán bắt buộc phải mang tác phẩm thực tế đến để lưu trữ tại trung tâm lưu ký, sau khi đã tạo ra phiên bản NFT bán cho người mua.

Theo ông Phan Đức Nhật - Co -Founder (người đồng sáng lập) của VNBOT – hệ thống quản lý vốn tự động cho người mới đầu tư cho biết, thực tế việc đưa các vật phẩm NFT như hiện tại lên các sàn đang khá thoải mái. Người dùng chỉ đơn giản là số hóa hình ảnh những vật phẩm mà họ thích và niêm yết một cái giá trên đó.

Có nhiều trường hợp đã kiếm được tiền, bởi họ gặp được những người có nhu cầu thực sự và có đam mê sưu tầm các vật phẩm mà người mua yêu thích. Các vật phẩm dưới 100 USD khá dễ bán còn những sản phẩm lớn thật sự đa phần là các tác phẩm nổi tiếng.

Từng có khoảng 10 năm kinh nghiệm trong thị trường tiền kĩ thuật số, ông Phan Đức Nhật cho rằng loại hình mua bán lan đột biến NFT hiện tại có nguy cơ trở thành bong bóng tài sản ảo. Bởi mức giá sẽ lên xuống biến động từng ngày và nhà đầu tư có thể sẽ “vỡ mộng” với các toan tính ban đầu.

“Trong tương lai không ai biết được giá các vật phẩm này sẽ lên hay xuống. Vì hiện tại tất cả những thứ đó vẫn đang là một dạng xu thế, một dạng trend. Nhiều người cứ nghe rằng nó hay hay rồi lao vào. Nhưng thực chất giá trị sử dụng của nó không có lớn như những gì mà chúng ta bỏ tiền để mua. Nó đã bị thổi giá lên mức quá cao. Cái mà nhà đầu tư lo lắng là đến một ngày nó sẽ sập cái giá bong bóng đó, trở về giá trị thực, thấp hơn giá họ mua ban đầu rất nhiều”, ông Phan Đức Nhật bày tỏ quan điểm.

Có thể thấy, những nền tảng giao dịch NFT tại Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ sơ khai. Dù được quảng bá với nhiều tiện ích, những hoạt động này hiện vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể để kiểm soát. Bản thân nền tảng AvatarArt được đề cập ở trên cũng đang vướng mắc trong việc lập ra các trung tâm lưu ký khi mà chưa có các quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề này.

Minh Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/su-bung-no-cua-lan-song-dau-tu-cong-nghe-hay-la-con-sot-tiem-an-rui-ro-5658604.html