Sự bất nhất của phương Tây khi trừng phạt giới tỷ phú Nga

Việc một số nhân vật có quan hệ thân cận với Điện Kremlin không bị Mỹ, Anh hay Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt làm dấy lên câu hỏi về logic của các biện pháp này.

Tỷ phú Vladimir Potanin là người giàu nhất nước Nga, theo bảng xếp hạng của Bloomberg. Là chủ sở hữu Norilsk Nickel, tập đoàn sản xuất nickel và paladi lớn nhất thế giới, ông được coi là một trong những nhà tài phiệt “đời đầu” của Nga.

Vị tỷ phú này từng tham gia đóng góp tài chính để tổ chức Olympic mùa đông 2014 tại Sochi, cũng như từng được bắt gặp chơi khúc côn cầu trên băng với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Dù vậy, gần hai tháng sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, ông Potanin vẫn chưa bị Mỹ hay EU áp đặt lệnh trừng phạt. Dù đã bị cấm vận bởi Canada và Australia, “ông trùm nickel Nga” vẫn là một trong số ít các tỷ phú Nga hàng đầu vẫn còn khả năng làm ăn với phương Tây.

Việc ông Potanin và một số nhà tài phiệt Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt làm dấy lên những thắc mắc về logic của phương Tây trong cách đối phó với Nga.

“Nếu điều kiện chính là sự thân thiết với Điện Kremlin, danh sách sẽ còn dài hơn”, một nhà điều hành ngân hàng phương Tây có kinh nghiệm làm việc với giới tài phiệt Nga nhận định với Financial Times.

Hành động bất nhất

Ông Potanin không phải trường hợp duy nhất thể hiện sự không thống nhất của phương Tây trong việc áp đặt cấm vận. Tỷ phú Alexei Mordashov, người giàu nhất nước Nga năm 2021 theo bảng xếp hạng của Forbes, đã bị EU và Anh trừng phạt. Tuy vậy, ông không có tên trong danh sách của Bộ Tài chính Mỹ.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với hai tỷ phú Mikhail Fridman và Petr Aven, những người đã có quan hệ mật thiết với phương Tây trong nhiều năm qua.

Tỷ phú Roman Abramovich, người tham gia thúc đẩy đàm phán hòa bình, cũng không bị Washington trừng phạt sau yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

 Tỷ phú giàu nhất nước Nga Vladimir Potanin chưa bị Mỹ và EU áp đặt cấm vận. Ảnh: Bloomberg.

Tỷ phú giàu nhất nước Nga Vladimir Potanin chưa bị Mỹ và EU áp đặt cấm vận. Ảnh: Bloomberg.

Trong khi đó, nhà tài phiệt Leonid Mikhelson, người giàu thứ 4 nước Nga, không bị cả Mỹ lẫn EU trừng phạt. London chỉ áp đặt lệnh cấm vận lên ông vào tuần trước, muộn hơn nhiều so với các tỷ phú khác.

Tỷ phú Alisher Usmanov, ông trùm về kim loại và khai khoáng, bị Washington trừng phạt ngay sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine bắt đầu. Dù vậy, công ty của ông không bị ảnh hưởng gì.

Financial Times chỉ ra các biện pháp trừng phạt được đưa ra trong thời gian gần đây có sự khác biệt so với khi chiến sự bùng phát: Chúng hướng đến những người có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, trong khi bỏ qua một số nhân vật thân cận với Điện Kremlin.

Một số cựu quan chức Mỹ và nhân vật có hiểu biết về quá trình ra quyết sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc Washington không muốn lặp lại sai lầm năm 2018, khi trừng phạt hai công ty kim loại - năng lượng Rusal và En+ của tỷ phú Nga Oleg Deripaska.

Theo các quan chức phụ trách cấm vận của Mỹ khi đó, động thái này không được suy xét kỹ lưỡng. Do đó, lệnh trừng phạt đã gây nên sự hỗn loạn trong thị trường nhôm, buộc Mỹ phải dỡ bỏ sau đó.

Washington muốn đảm bảo sự ổn định của thị trường hàng hóa và tránh vô tình gây ra náo loạn về kinh tế, giới chức Mỹ tuyên bố.

Nếu ông Potanin hay Norilsk Nickel bị trừng phạt, thị trường nickel và paladi - kim loại có vai trò quan trọng trong pin ôtô - trên toàn cầu sẽ chịu tác động lớn, gây ra nhiều vấn đề với các nhà sản xuất xe hơi.

“Đây không còn là vấn đề công bằng hay không”, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết. “Chúng tôi sẽ nhẹ tay hơn ở những lĩnh vực để lại hệ quả cho Mỹ và đồng minh”.

Tính toán có chủ đích

Trong khi đó, các nghị sĩ Mỹ đã bắt đầu đặt ra câu hỏi tại sao một số nhà tài phiệt Nga có liên hệ thân cận với Điện Kremlin vẫn chưa bị trừng phạt.

“Phải chăng có sự bất đồng nội bộ bên trong Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (cơ quan phụ trách trừng phạt kinh tế) của Bộ Tài chính Mỹ về cách một số nhà tài phiệt nhất định được bảo vệ khỏi tác động kinh tế sâu sắc của các lệnh cấm vận?”, Hạ nghị sĩ David Scott đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phải đối mặt với câu hỏi từ các nghị sĩ về biện pháp trừng phạt lên các nhà tài phiệt Nga. Ảnh: AFP.

Bên cạnh Mỹ, cơ chế trừng phạt của EU cũng bộc lộ những điểm thiếu thống nhất. Các nước thành viên EU phải thương lượng và thỏa hiệp với nhau về vấn đề này, khi họ đều muốn bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi các lệnh cấm vận.

Trong nhiều trường hợp, biện pháp trừng phạt được áp đặt lên giám đốc điều hành thay vì chủ sở hữu công ty, và chủ yếu mang tính biểu tượng.

Ví dụ, EU và Anh trừng phạt ông Andrei A. Guryev, Giám đốc điều hành công ty phân bón PhosAgro. Dù vậy, cha của ông, ông Andrei G. Guryev, không bị cấm vận, dù là cổ đông lớn nhất. Cổ đông lớn thứ hai Vladimir Litvinenko cũng thoát cảnh bị trừng phạt, dù có quan hệ với Điện Kremlin.

Ngoài ra, theo một cựu quan chức Mỹ, một số cá nhân có thể thoát trừng phạt vì Washington muốn tạo ra sự “mù mờ” nhất định với chính sách để có thêm sự linh hoạt trong tương lai.

“Mục tiêu từ đầu của chúng ta là gây ra thiệt hại lớn nhất với Nga trong khi làm hết khả năng để bảo vệ Mỹ và các đối tác khỏi thiệt hại quá mức về kinh tế”, bà Yellen tuyên bố.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-bat-nhat-cua-phuong-tay-khi-trung-phat-gioi-ty-phu-nga-post1309807.html