Su-57 tìm ra điểm yếu của Không quân Mỹ

Máy bay tiêm kích Nga nếu hoạt động trong không gian tác chiến lấy mạng làm trung tâm sẽ không cho cho F-35 Mỹ bất cứ một cơ hội nào

Xin lại được giới thiệu một bài viết thiên về lý luận quân sự với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Vladimir Tuchkov.

Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” Nga ngày 17/9/2020. Trong bài có một số thuật ngữ mới, xin mở ngoặc để giải thích.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57 (Ảnh: Sergey Bobylev / TASS)

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57 (Ảnh: Sergey Bobylev / TASS)

Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov vừa mới cho đăng trên tuần báo “Zvezda” (Cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng LB Nga-ND) một bài báo bàn về các nguyên tắc xây dựng cấu trúc (tác chiến) lấy mạng làm trung tâm, - một thành tố mà hiện nay nếu một quân đội nào thiếu nó thì không thể được coi một quân đội hiện đại, có khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự một cách hiệu quả.

Và ông cũng có bàn cả về trí tuệ nhân tạo (AI), về vai trò còn khá khiếm tốn của nó trong quân đội các nước vì mới đang ở giai đoạn hình thành "sơ khai". (Cum từ “chiến tranh lấy mạng làm trung tâm (Network-centric warfare”) là một thuật ngữ quân sự khá mới mới- nói nôm na là tất cả các chủ thể tham gia chiến đấu (sở chỉ huy, từng đơn vị binh khí kỹ thuật, người lính...) được tích hợp vào một mạng thông tin thống nhất-ND).

Đặc biệt, vị chuyên gia này còn dành hẳn một phần quan trọng trong bài báo của mình để bàn về những đặc điểm của máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57 Nga mà một số nhà bình luận quân sự khác không để ý đến - họ chỉ tập trung sự quan tâm của mình vào khả năng tàng hình và các tính năng của radar trên máy bay.

A. Leonkov khẳng định rằng trong buồng lái của máy bay tiêm kích Nga nói trên còn có một "phi công phụ". Vị chuyên gia này sau khi phân kích kỹ tất cả các tiêu chí của một máy bay tiêm kích thứ 5 do người Mỹ nghĩ ra để áp cho máy bay của mình, đã lọc bớt và chỉ để lại 5 tiêu chí quan trọng nhất như sau:

- “Tàng hình” (diện tích phản xạ hiệu dụng cực nhỏ) trên các dải tần radar và hồng ngoại (stealth);

- Khả năng cơ động cao, trong đó có cả khả năng cất cánh trên đường băng ngắn;

- Trang thiết bị điện tử hàng không tiên tiến;

- Đa chức năng – tức có khả năng tấn công các mục tiêu cả trên không, trên mặt đất và trên biển;

- “Được tích hợp vào mạng” , có nghĩa là, tích hợp vào một mạng chiến đấu duy nhất (khái niệm “đám mây tác chiến”).

Khác với máy bay tiêm kích-ném bom F-35 của Mỹ, máy bay Nga đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của một cuộc chiến tranh lấy mạng làm trung tâm.

Khẳng định này được rút ra dựa trên một luận cứ thuyết phục là Su-57 có “diện mạo” hoàn chỉnh cuối cùng sau khi Trung tâm điều khiển Phòng thủ Quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu trực chiến suốt ngày đêm.

Thành thử, mỗi máy bay tiêm kích được đưa vào trang bị sau thời điểm đó đều phải trở thành một thành tố của cơ cấu mạng tác chiến rất mạnh này. Phối hợp hành động – có nghĩa là liên lạc hai chiều được đảm bảo bằng cách sử dụng các kênh liên lạc số hóa băng thông rộng.

Máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ

Tất nhiên, người Mỹ cũng có một hệ thống thông tin điều khiển tác chiến toàn cầu có chức năng đảm bảo tiến hành các hoạt động tác chiến lấy mạng làm trung tâm tương tự.

Hệ thống này được gọi là “Joint Enterprise Defense Infrastructure (JEDI”- Hệ thống Cơ sở Hạ tầng Phòng thủ thống nhất). Tuy vậy, JEDI của Mỹ hoạt động không hiệu quả, bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ để "hồi sinh". Nó liên tục bị lỗi, và như vậy nếu trong điều kiện thời chiến có thể phả trả giá đắt.

A. Leonkov cho rằng người Mỹ đã quá tham vọng khi cố gắng đạt được những điều không thể đạt được với trình độ phát triển công nghệ như hiện nay. Cụ thể- đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào JEDI các cấp độ khác nhau vào JEDI.

Chưa hết, các kỹ sư Mỹ lại còn bắt AI phải gánh những “nhiệm vụ quá sức”. Ví dụ như bắt AI Mỹ phải tự học các thuật toán tinh vi để "trở nên thông minh hơn"- thông minh tới mức đủ để nhận về mình chức năng điều phối các hoạt động tác chiến của Các Lực lượng Vũ trang Mỹ.

Nhưng những trục trặc kỹ thuật xuất hiện liên tục và ở khắp mọi nơi thường đeo bám các tướng lĩnh Mỹ ngay cả khi họ chỉ tổ chức thực hiện những quy trình không phải là phức tạp nhất.

Một trong những sự cố kết thúc bằng một vụ bê bối lớn như vậy có liên quan trực tiếp đến máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-35. Cụ thể như sau:

Nhà sản xuất máy bay- công ty “Lockheed Martin” trong một thời gian dài đã ca ngợi hết lời hệ thống logictics (hậu cần) tích hợp ALIS (Autonomic Logistics Information System - Hệ thống thông tin hậu cần tự động) của mình, - những máy bay F-35 tích hợp trong hệ thống này sẽ tự động đặt hàng các phụ tùng và vật tư tiêu hao cần thiết (tên lửa và bom) cho mình qua Internet.

Tất cả quy trình này phải được thực hiện một cách tự động, không có sự can thiệp của con người. ALIS còn có nhiệm vụ phải nhanh chóng đưa đến tận “chân hàng” các thiết bị phụ tùng cần thiết và làm giảm chi phí tổ chức và vận chuyển. Tuy nhiên, mọi thứ lại diễn ra theo hướng hoàn toàn ngược lại.

Khi mọi thứ đã gần sụp đổ, chương trình ALIS nói trên đã bị hủy bỏ, thay vào đó là chương trình ODIN (ODIN (Operational Data Integrated Network- Mạng tích hợp dữ liệu tác chiến) hoạt động đơn giản hơn. Tuy nhiên, triển vọng của chương trình này cũng rất tù mù, bởi vì trên thế giới chỉ mới khai thác một số lượng không đáng kể máy bay F-35.

Chính vì vậy, các máy chủ của hệ thống JEDI cồng kềnh tuy hoạt động liên tục, thông tin được truyền tải qua các kênh liên lạc được bảo vệ, các lập trình viên không ngừng cải tiến các mã, nhưng những kết quả thực tế hiện vẫn chưa có được bao nhiêu.

Các tướng lĩnh Nga cũng không lạ lẫm gì với AI. Tuy nhiên, họ mới vẫn chỉ tin tưởng giao cho AI giải quyết một số vấn đề hạn chế.

Cụ thể- chức năng của AI không chỉ là cung cấp thông tin, mà đồng thời còn hỗ trợ phi công Su-57 thực hiện nhiệm vụ,- và chức năng này chính là cái mà A.Leonkov gọi là "phi công thứ hai" như đã nói ở trên.

Máy bay Su-57 được trang bị một tổ hợp thiết bị mới về nguyên tắc. Đặc biệt, nó đảm bảo cho phi công khả năng quan sát tình huống tác chiến ở mọi hướng bằng cách sử dụng nhiều radar có góc quan sát khác nhau kết hợp thành một trường quan sát tất cả các hướng.

"Phi công phụ", vừa phải không làm cho phi công chính “phân tán tứ tưởng” khi giải quyết các nhiệm vụ tác chiến trong không chiến, vừa phải cung cấp những thông tin cần thiết đã được xử lý và chi tiết hóa trước đó,và đảm nhận một phần chức năng tự bảo vệ cho máy bay.

Tất nhiên, để thực hiện chức năng này nó không bắn tên lửa (mồi) hoặc thực hiện các động tác cơ dộng chống tên lửa.

Nhưng nó điều khiển tổ hợp điện tử tự bảo vệ - tức tổ hợp tác chiến điện tử để đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương trên không với độ tin cậy cao, cùng với đó- vô hiệu hóa những nỗ lực đánh chặn máy bay của những tổ hợp phòng không trên mặt đất của đối phương.

Thêm nữa, “phi công phụ” còn hoạt động bên ngoài buồng lái của Su-57 – nó hoạt động trong hệ thống thông tin của biên đội bay chiến thuật, và qua đó cấp biên đội- kết nối thông tin với các đơn vị cấp cao hơn trong mạng tác chiến thống nhất.

Nhờ vậy mà Su-57 không chỉ truyền những thông tin có giá trị cho các loại vũ khí khác mà còn nhận được sự hỗ trợ - cả hỗ trợ thông tin và hỗ trợ tác chiến - từ các phi công cùng biên đội, từ hệ thống phòng không và tác chiến điện tử trên mặt đất, từ các đài trinh sát vô tuyến kỹ thuật trên mặt đất và máy bay AWACS, các các tổ hợp tàu của Hải quân Nga, từ các cụm vệ tinh.

Đồng thời, toàn bộ mạng thống nhất này hoạt động theo nguyên tắc phân công hợp lý nhất các mục tiêu cần tiêu diệt giữa các thành tố (mắt xích) cấp chiến thuật, kể cả Su-57 với tất cả các loại vũ khí trên không, trên mặt đất và trên biển.

Kết quả là- sẽ có một cụm tác chiến thống nhất mạnh và biết “tư duy” trong trận đánh, cho dù A.Leonkov có ý né tránh sử dụng thuật ngữ "trí tuệ nhân tạo".

Một cơ cấu tổ chức sử dụng vũ khí như vậy là cần thiết, và kinh nghiệm này được đúc rút chính từ lịch sử các cuộc chiến tranh chống Iraq của Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Chiến lược được Lầu Năm Góc sử dụng khi đó- trước hết là phá hủy hệ thống phòng không nhiều lớp của đối phương bằng một cuộc tấn công ồ ạt sử dụng hàng nghìn phương tiện vũ khí tấn công đường không như máy bay của không quân chiến thuật và không quân chiến lược, tên lửa hành trình (có cánh) phóng từ trên không, từ mặt đất và từ biển, các máy bay không người lái.

Để chặn đứng một đội quân tấn công đường không khổng lồ như vậy, cần phải sử dụng một "hệ thống phòng không biết tư duy", có nghĩa là tất cả các loại vũ khí được sử dụng phải được kết nối với nhau trong một cấu trúc tác chiến lấy mạng làm trung tâm.

Đối với một chiếc máy bay chiến đấu hiện đại, những phẩm chất này phải là những phẩm chất được tính tới đầu tiên. Chứ không phải là ngồi bên cạnh đống bã cà phê (ý nói vô công rồi nghề) để đoán mò chuyện gì sẽ xảy ra nếu các chiến binh "của chúng ta" và "của họ" gặp nhau một chọi một.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-57-tim-ra-diem-yeu-cua-khong-quan-my-3421128/