Su-57 lại lỗi hẹn với 'Ngày chiến thắng' vì động cơ?

Dù lễ diễu binh chính thức mừng Ngày chiến thắng 9/5 của Nga đã bị hoãn nhưng hoạt động trên không sẽ vẫn được tổ chức như kế hoạch.

Theo RIAN, tại Quân khu phía Tây, lễ duyệt binh trên không sẽ được tổ chức đúng kế hoạch vào ngày 9-5 tới tại các thành phố St.Petersburg, Kursk, Orel, Voronezh, Belgorod, Vologda, Yaroslavl, Nizhny Novgorod, Smolensk, Vyazma, Ostrov và Kaliningrad.

Tham gia duyệt binh là các đội hình máy bay chiến đấu Su-35S và Su-30SM, máy bay tiêm kích bom Su-34, máy bay tiêm kích hạng nặng MiG-31BM, máy bay vận tải quân sự An-12 và An-26 và các khối đội hình máy bay trực thăng quân sự.

Dù thông tin về khả năng vẫn diễn ra duyệt binh trên không tại Thủ đô Moscow chưa được xác nhận, nhưng nhiều khả năng đây là một phương án được cân nhắc.

Tiêm kích Su-57.

Tiêm kích Su-57.

Điều bất ngờ trong kế hoạch mới được công bố không hề có sự góp mặt của tiêm kích tàng hình Su-57 với mô hình tên lửa siêu thanh Dao găm như thông tin được Bộ Quốc phòng Nga đăng tải hồi đầu tháng 4/2020.

Căn cứ vào thông tin này, giới chuyên gia cho rằng, rất có thể Nga lại đang gặp phải những vấn đề mới trong quá trình tích hợp động cơ chuyên dụng Izdeliye 30 cho Su-57.

Theo kế hoạch trang bị được nhà sản xuất là Tập đoàn Saturn công bố trước đó, Izdeliye 30 sẽ chính thức thay thế toàn bộ động cơ cơ mang tên mã Izdeliye 117 (AL-41F1) từ năm 2020. Biến thể này sẽ có lực đẩy tới 176 kN, vượt xa động cơ trên tiêm kích F-22 Mỹ.

Hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu, độ tin cậy và khả năng tàng hình của động cơ mới cũng được cải thiện đáng kể nhờ vật liệu composite hiện đại, trong khi chi phí vận hành và bảo dưỡng giảm xuống so với dòng AL-31F và AL-41F.

Mẫu động cơ này cũng trang bị miệng cửa xả dạng răng cưa để tăng khả năng phân tán nhiệt, gây khó khăn cho các hệ thống cảm biến hồng ngoại của đối phương trong việc phát hiện tiêm kích tàng hình Su-57.

Nó cũng mang lại khả năng siêu hành trình (supercruise) cho dòng Su-57, giúp chúng đạt tốc độ siêu âm mà không cần bật chế độ đốt tăng lực, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu và tín hiệu nhiệt phát ra từ máy bay.

Saturn bắt đầu thử nghiệm dòng Izdeliye 30 từ năm 2014, nhưng tiêm kích Su-57 đầu tiên lắp động cơ này chỉ bắt đầu bay thử từ cuối năm 2017. Chuyến bay kéo dài 17 phút và không gặp sự cố nào.

Kể từ đó, tập đoàn Sukhoi đã cho tiêm kích Su-57 gắn động cơ Izdeliye 30 bay thử tổng cộng 16 chuyến, nhưng dường như chưa yên tâm với độ tin cậy của mẫu động cơ mới. Các nguyên mẫu Su-57 trình diễn trước công chúng vẫn lắp động cơ 117S đời cũ, vốn đã chứng minh được khả năng.

Ngoài lý do liên quan đến ngân sách quốc phòng, dường như Nga cũng vướng phải một số vấn đề kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến tiến độ chế tạo và trang bị động cơ Izdeliye 30 cho dòng Su-57. Đây bị coi là một trong những rào cản khiến tiêm kích Su-57 không phát huy được toàn bộ uy lực như thiết kế.

Su-57 được giới phân tích quân sự đánh giá cao về khả năng cơ động so với các đối thủ như F-22, F-35 Mỹ hay J-20 Trung Quốc. Nhưng khi chỉ trang bị động cơ vốn được lắp trên tiêm kích thế hệ 4, mẫu chiến đấu cơ tàng hình này sẽ khó thể hiện được năng lực đó.

RIAN cho rằng, động cơ là một trong những yếu tố quan trọng nhất trên tiêm kích thế hệ 5. Khó khăn trong dự án Izdeliye 30 khiến tiêm kích Su-57 không khác biệt nhiều so với chiến đấu cơ thế hệ 4++ như Su-35S, ngoại trừ điểm mạnh duy nhất là khả năng tàng hình.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-57-lai-loi-hen-voi-ngay-chien-thang-vi-dong-co-3401378/