Su-57 có phải 'át chủ bài' đối phó với 'kỳ phùng đich thủ' F-22 và F-35?

Là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5, Su-57 có phải là quân bài hoàn hảo để không quân Nga cạnh tranh với Mỹ cả về chất lượng và số lượng?

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố 1 video ấn tượng cho thấy khả năng của 4 trong số những mẫu chiến đấu cơ tàng hình Su-57, nhưng màn thể hiện ngoạn mục này cũng không khiến Su-57 trở nên phổ biến hơn.

Không thể phủ nhận những chiến đấu cơ Su-57 rất ấn tượng nhưng chúng lại quá đắt nên khiến quân đội Nga không thể mua với số lượng lớn.

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 Su-57. Ảnh: Wikipedia

Trong các video công bố hồi tháng 11/2019 do hãng truyền hình Zvezda của điện Kremlin sản xuất, 4 trong số những chiếc Su-57 hai động cơ đã bay cùng đội hình với máy bay vận tải An-12. Hai trong số những mẫu chiến đấu cơ tránh radar đã hạ cánh cùng lúc trong khi một chiếc Su-57 đã thể hiện màn nhào lộn trên không vô cùng ngoạn mục.

4 chiếc Su-57 trong video chiếm gần một nửa trong số 10 chiến đấu cơ tàng hình mà lực lượng không quân Nga nhận được kể từ khi máy bay này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2010. Hai chiếc Su-57 sau đó đã được triển khai tại Syria vào tháng 2/2018. Mặc dù không đưa ra bằng chứng song điện Kremlin khẳng định rằng các chiến đấu cơ này đã thực hiện một số nhiệm vụ tấn công ở Syria.

Điện Kremlin đã đưa ra yêu cầu về về tiêu chuẩn sản xuất với lô hàng Su-57 đầu tiên vào tháng 8/2018 với hy vọng sẽ thành lập một phi đội bay thường xuyên đầu tiên vào năm 2019. Tuy nhiên, ngân sách quân sự sụt giảm giữa lúc nền kinh tế đang lao đao nên Moscow đã quyết định không mua loại máy bay này với số lượng lớn.

Hiện vẫn chưa rõ việc phát triển có chi phí là bao nhiêu cho tới nay hoặc chương trrình này sẽ cần bao nhiêu tiền để hoàn thành việc phát triển cũng như giá từng máy bay sản xuất theo tiêu chuẩn là bao nhiêu. Quân đội Mỹ đã dành hơn 60 tỷ USD để mua 180 chiếc F-22 và dự kiến sẽ dành 400 tỷ USD mua thêm 2.300 chiếc F-35.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov nhận định trên truyền hình hồi tháng 7/2018 rằng: "Như các bạn đã biết, ngày nay Su-57 được coi là một trong những máy bay tốt nhất được sản xuất trên thế giới. Vì thế, sẽ thật vô nghĩa khi thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này”.

Su-57 của Nga bắt đầu phát triển vào đầu những năm 2000 nhưng mọi thứ chỉ tiến triển khi chiến lược quốc phòng năm 2009 của điện Kremlin được thực hiện.

Tháng 5/2009, Tổng thống Nga khi đó là Medvedev đã thông báo một chiến lược an ninh quốc gia mới cho tới năm 2020. Kế hoạch này đã khen ngợi ông Putin dẫn dắt nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống về chính trị và kinh tế - xã hội, cũng như dự đoán Nga sẽ "tăng cường ảnh hưởng trên trường thế giới" như một quốc gia đi đầu về chính trị và kinh tế.

Một nguồn ngân sách mới "chưa từng có tiền lệ" đã được đưa ra để ủng hộ kế hoạch mới này. Tỷ lệ tăng lên và nếu so sánh với GDP của nước này thì Nga nằm trong số ít các quốc gia dành hơn 5% GDP cho lĩnh vực quốc phòng", báo cáo "The Military Balance" (tạm dịch là Sự cân bằng quân sự - ND) do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế công bố năm 2017 cho biết.

“Sau gần 2 thập kỷ suy yếu và không chú tâm vào phát triển quân đội, Moscow đã bắt đầu phát triển một lực lượng quân đội hiện đại hơn có khả năng phóng hỏa lực bên ngoài biên giới nước Nga", Báo cáo của Cơ quan Tình báo Mỹ thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết năm 2017.

Khoản ngân sách này đã hỗ trợ dây chuyền sản xuất 5 chiến đấu cơ gồm 1 chiếc Su-57 đang sản xuất, 3 biến thể của Su-27, trong đó có Su-30, Su-34 và Su-35 cùng các phiên bản đang sản xuất của MiG29. Lực lượng không quân Nga đã nhận được 200 máy bay mới và máy bay được nâng cấp từ năm 2017 và khoảng 100 chiếc vào năm 2018. Trong khi đó, Mỹ đã đặt hàng hơn 400 chiến đấu cơ mới chỉ trong năm 2018.

Dù vậy, trong một vài năm Nga dành ngân sách cao hơn cho quốc phòng đã đem tới những hiệu quả mạnh mẽ cho không quân nước này.

"Việc đưa đáng kể các chiến đấu cơ ra tiền tuyến và sử dụng các máy bay chiến đấu với tần suất cao ở Syria đã khiến không quân Nga có một "bộ mặt hoàn toàn mới trong một thời gian ngắn", nhà phân tích Keir Giles viết trong một báo cáo năm 2017 của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Theo chuyên gia Giles: "Các nhà quan sát của Nga lạc quan khi so sánh khả năng trên không của họ với Mỹ, đồng thời cho biết số lượng vũ khí của không quân Nga cũng tương đương với Mỹ”.

Để hỗ trợ kế hoạch năm 2009, điện Kremlin cần sở hữu ít nhất 1.000 chiến đấu cơ mới và trực thăng vào năm 2020, song việc giảm sâu ngân sách có thể khiến lực lượng vũ trang Nga trang bị ít hơn các chiến đấu cơ mới, mà trong đó là một số chiếc Su-57.

Trái lại, năm 2018, Mỹ đã đặt hàng hoặc sản xuất thêm hàng trăm chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm F-35 và F-22.

Các chuyên gia không lực phương Tây cho rằng việc Nga thiếu các chiến đấu cơ có thể tạo nên những khoảng cách về năng lực so với Mỹ. Su-57 của Nga được ví như một ngôi sao nổi tiếng nhưng trên thực tế lại không có vai trò đáng kể với chiến lược quân sự của Nga./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo National Interest

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/su57-co-phai-at-chu-bai-doi-pho-voi-ky-phung-dich-thu-f22-va-f35-988043.vov